Bâng khuâng nhớ hội bài chòi

LÊ TRÂM 13/11/2022 08:16

(VHQN) -  Đình nằm phía sau lưng xóm tạm cư chúng tôi ở, một xóm nhỏ nay thuộc làng Thanh Hà, Hội An. Đình nằm ngay ngã ba có hai con đường dẫn vào xóm, con đường còn lại dẫn ra nghĩa địa. Những ngày trước 1975, giữa thời chiến tranh, các sinh hoạt văn hóa văn nghệ còn rất ít ỏi nên những hoạt động cộng đồng luôn được mọi người hào hứng chào đón. Đình làng quanh năm u tịch, vắng lặng và chỉ rộn ràng trong kỳ tế xuân hoặc tế thu. Đặc biệt, ngày tết, không khí thật náo nhiệt với những lễ tế, các trò chơi bầu cua tôm cá hay xổ tam hường… Rộn gì rộn vẫn không thể hơn những ngày làng tổ chức hội bài chòi. Ham mê cái thứ bài chòi/ Bỏ con hắn khóc cho lòi rún ra.

 

Gần tết, những căn chòi bằng tre, lợp tranh tạm bợ được dựng lên ở sân đình. Bài chòi được khai hội vào sáng mùng 1 hoặc trễ hơn vài ngày, tùy năm. Người làng, cả dân bản địa lẫn ngụ cư, làm lễ cúng thần linh, thổ địa, thành hoàng cầu mong có được một năm mới yên vui, mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt… Tiếng trống hội thôi thúc mọi người đến đình đến chơi hội và nghe hô bài chòi.

Đã thành lệ, những người lớn tuổi nôn nao chờ ngày khai hội bài chòi, bọn con nít chúng tôi cũng xúng xính quần áo mới nhưng hầu hết không có tiền, chỉ hóng theo người lớn, xem người lớn chơi. Đôi khi tôi cũng được ba tôi hoặc vài người hàng xóm cho “ngồi ghế” hoặc cầm các quân bài, có khi chỉ đơn giản được “nghé” các quân bài. Những giây phút ấy thật sung sướng!

Những quân bài chòi lấy ra từ bộ bài trùng và được chia cho những người chơi. Có 30 quân bài mang tên dân dã, là lạ như: Sáu Tiền, Bạch Tuyết, Chín Gối, Ông Ầm, Tam Quăn, Nhất Nọc, Bảy Liễu, Ba Gà, Tám Giây, Nhì Bí, Tứ Tượng, Tứ Gióng… Mỗi người một thẻ gồm ba lá bài. Trên cái chòi cao đặt ở trung tâm có một ống tre chứa các thẻ mang tên các quân bài.

Cứ mỗi lượt, anh hiệu, người xóm trong - mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề - lại lấy ra một quân bài và hô. Mấy chú chạy hiệu thiệt lanh/ Miệng hô, rút thẻ loanh quanh chín chòi. Mỗi lá bài được rút ra ứng với một câu hát của anh hiệu. Người nào trúng sẽ hô to lên, nếu trúng cả ba lá sẽ là người thắng, người chơi sẽ hô to: ”Tới tới!” và lượt chơi kết thúc, người ta lại bắt đầu một lượt chơi mới.

 

Buổi chơi bài chòi được bắt đầu bằng mấy lời hô của anh hiệu:

Bà con cô bác lẳng lặng mà nghe/ tôi hô quân bài, con gì nó ra đây…

Mỗi hội bài chòi kéo dài hay ngắn tùy theo sự hên xui của người chơi và các quân bài do anh hiệu rút ngẫu nhiên. Phần thưởng thường không lớn: một chồng chén dĩa, mấy gói hạt dưa hoặc bánh trái… nhưng phần lôi cuốn người chơi chính là sự hồi hộp chờ tới từng quân bài, hoặc tới hẳn, ăn hẳn một hội bài chòi.

Hay nhất vẫn là những lời hô của anh hiệu. Những làn điệu xuân nữ, hát nói, hò khoan, hò chèo thuyền, vè Quảng… được tận dụng tối đa để tạo nên sắc màu cho hội chơi. Và, nhất là những câu hát giúp người chơi phần nào phán đoán con bài sắp ra để rồi vỡ òa lên cùng niềm vui khi con bài trùng với con bài mình đang cầm trên tay.

Bài chòi hấp dẫn nhờ những lời hô thật dí dỏm và không kém thông minh:

Gà tơ xào với mướp già
Vợ hai mươi tuổi, chồng đà sáu mươi
Ra đường chúng bạn chê cười
Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng
Đêm nằm tưởng cái gối bông
Giật mình gối phải râu chồng nằm bên
(Con bài Chín Gối)

Với con Ông Ầm: Tay bưng đĩa muối, nắm dầm/ Vừa đi vừa chấm té ầm xuống mương.

Hay: Cu tôi ăn đậu ăn mè/ Ăn chị của chị chị đè con cu / Chín cu huớ Chín cu (Chín Cu).

Lời khác:

Lấy chồng từ thuở mười ba/ Chồng chê em bé không nằm với em/ Đến khi mười tám, đôi mươi/ Em nằm dưới đất chồng lôi lên giường/ Lên giường anh nói anh thương/ Một anh thương, hai anh thương, ba anh thương…./ Anh thương chi hung rứa cho bốn cái cẳng giường nó rung rinh/ Tứ cẳng huớ Tứ Cẳng (Tứ Cẳng)…

Nhờ tính chất mộc mạc, dân dã, vui nhộn nên bài chòi thu hút nhiều người chơi/xem. Đó cũng là hình thức văn nghệ dân gian độc đáo nhờ kết hợp nhiều loại hình: vừa biểu diễn, hát hò, đối đáp; vừa là nơi gặp gỡ của mọi người.

Sau ngày đất nước thống nhất, các xóm tạm cư giải tán, mọi người trở về quê cũ hoặc lưu lạc tứ tán khắp nơi. Những người chơi bài chòi ngày ấy về miền mây trắng. Các hội bài chòi cũng tan theo chỉ còn lại ngôi đình cổ xưa vẫn trầm mặc cùng năm tháng.

Sau này, bài chòi được phục dựng, phát triển thêm với nhiều không gian diễn xướng hoàn chỉnh hơn hẳn nhưng có vẻ nhưng cái “thần sắc” của một lễ hội làng quê mang đậm dấu ấn xưa cũ lại dần mai một.

LÊ TRÂM