Chữ viết cho người Ca Dong

TRẦN ĐĂNG 12/11/2022 07:36

Có chữ viết, người Ca Dong không chỉ lưu giữ kho tàng văn hóa vô cùng phong phú của mình bằng văn bản mà còn chuyển tải những thành tựu khoa học của nhân loại đến với dân tộc mình một cách nhanh nhất. Người mày mò nghiên cứu từng âm tiết, âm vị sao cho phù hợp để tạo ra bộ chữ viết ấy là anh Đinh Xuân Bình, một người con của dân tộc Ca Dong ở Sơn Tây - một huyện vùng cao tiếp giáp với huyện Nam Trà My (Quảng Nam) - nơi cũng có rất đông người Ca Dong sinh sống.

 
 Dạy các chữ cái cho lớp học. Ảnh: ĐĂNG VŨ

Tình cờ chúng tôi chứng kiến một đám tang của người Ca Dong tại xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây. Những thân nhân của người xấu số vừa khóc vừa kể lể bên linh cữu điều gì đó. Thi thoảng họ cất lên một giai điệu bi thảm.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - người theo đuổi công trình nghiên cứu văn hóa Ca Dong mấy năm nay bật máy ghi âm với hy vọng sẽ nhờ người “dịch” đoạn băng này sau khi tang lễ kết thúc.

Có người mách cho là Đinh Xuân Bình, một người Ca Dong của làng này sẽ làm được điều đó. Hai ngày sau, Bình không chỉ dịch nghĩa băng ghi âm mà anh còn chép ra bằng chữ viết Ca Dong do anh sáng tạo kèm bản tiếng Việt cũng do anh chuyển nghĩa.

Tiến sĩ Vũ cùng lúc được hai việc: biết được nội dung của những lời kể lể từ người thân của người xấu số và thấy được mặt chữ Ca Dong “bằng xương bằng thịt” do chính một người Ca Dong sáng tạo. Khát vọng trường tồn của một bộ tộc cùng với di sản văn hóa phong phú của tổ tiên họ dường như đã ký thác vào Bình để anh làm cái việc “đội đá vá trời” này.

Tựa vào dãy Trường Sơn

Vào công cụ tìm kiếm, vô mục 54 dân tộc anh em, tại Quảng Ngãi chỉ có hai dân tộc Co và H’re, còn Ca Dong thì không. Một tộc người mà dân số lên đến hàng chục ngàn như người Ca Dong nhưng lại là một nhánh của tộc người Xê Đăng.

Các bản làng người Ca Dong nằm tựa lưng vào dãy Trường Sơn dọc theo ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum. Tuy nhiên, chỉ có Quảng Ngãi, người Ca Dong mới “đứng riêng” ra thành tộc người trong đơn vị hành chính của một huyện. Đó là huyện Sơn Tây với dân số gần hai vạn người, dân Ca Dong chiếm gần như toàn bộ.

Anh Đinh Xuân Bình - người sáng tạo bộ chữ cho người Ca Dong. Ảnh: ĐĂNG VŨ
Anh Đinh Xuân Bình - người sáng tạo bộ chữ cho người Ca Dong. Ảnh: ĐĂNG VŨ

Đi sâu tìm hiểu đời sống của tộc người này, từ phong tục tập quán cho đến các loại hình văn hóa, nghệ thuật thì người Ca Dong có sự biệt lập rất lớn; sự giao thoa hoặc ảnh hưởng với các dân tộc anh em khác là láng giềng như Co hoặc H’re là rất thấp. Ấy vậy mà tộc người Ca Dong vẫn chỉ được xếp vào một nhánh của dân tộc Xê Đăng thì kể cũng lạ.

Theo TS. Nguyễn Đăng Vũ: “Tôi nghĩ, có sự khó khăn nào đó trong việc điều tra điền dã từ những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất 1975 hoặc có sự nhầm lẫn gì ở đây chăng mà năm 1979, trong Niên giám thống kê tộc người ở Việt Nam, người ta không thừa nhận người Ca Dong là một dân tộc độc lập như Co hoặc H’re mặc dù các tiêu chí về dân số, địa lý và văn hóa để công nhận họ là một dân tộc riêng lẻ như 54 dân tộc anh em khác là hoàn toàn có cơ sở”.

Ông Lê Văn Đường, một cà rá (già làng) Ca Dong “chính hiệu”, nguyên Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cũng đã nhiều lần làm tờ trình gửi các ban ngành liên quan ở Trung ương đề nghị công nhận dân tộc Ca Dong như 54 dân tộc khác trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.

Dù không được công nhận là một dân tộc riêng lẻ, song người Ca Dong vùng Trường Sơn có cách để tồn tại cùng bản sắc văn hóa riêng không trộn lẫn với bất cứ dân tộc anh em “láng giềng” nào.

Ông Đinh Ka Để, một người Ca Dong rất tâm huyết với việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, kể rằng, sở dĩ ông thuộc hàng trăm câu chuyện cổ và nhuần nhuyễn các làn điệu dân ca là vì ông có người ông tuyệt vời: “Ông nội tôi là một cái kho văn hóa lưu giữ từ chuyện cổ tích cho đến các làn điệu dân ca của người Ca Dong. Mỗi lần lên rẫy là ông dắt tôi theo từ khi tôi lên 9 lên 10.

Ông kể chuyện cổ - những câu chuyện đậm màu huyền thoại, mỗi câu chuyện lý giải cho đầu óc con trẻ của tôi vỡ vạc rằng người Ca Dong sinh ra từ đâu; vì sao lại có con sông, cái suối; vì sao lại có cây cau, cây quế; lý do gì con cọp lại sợ lửa; khi gặp hoạn nạn thì người Ca Dong phải hợp lực như thế nào để chống lại các thế lực từ thiên nhiên…

Mỗi lần tôi mệt quá ngủ gật, ông tôi lại nói: “Cháu mà không nghe ông kể chuyện thì ông sẽ biến thành khúc củi”. Vì sợ ông tôi biến thành khúc củi nên tôi đã phải nghe cho bằng hết kho chuyện cổ cùng các làn điệu dân ca của dân tộc mình ngay từ thời còn rất trẻ”.

Cần được neo giữ bằng chữ viết

Đinh Xuân Bình (43 tuổi) tốt nghiệp đại học ngành Luật, đang làm luận án Thạc sĩ, hiện là Phó Trưởng ban Dân vận huyện Sơn Tây. Anh là người Ca Dong, sinh ra và lớn lên ở xã Sơn Mùa, lấy vợ là người Ca Dong ở xã Trà Vân, huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

Một buổi học chữ của người Ca Dong. Ảnh: ĐĂNG VŨ
Một buổi học chữ của người Ca Dong. Ảnh: ĐĂNG VŨ

Qua những năm tháng học phổ thông ở Tây Nguyên - ở một môi trường mà bạn bè đến từ nhiều dân tộc khác đã gieo vào lòng chàng thanh niên Ca Dong ấy một dấu hỏi: “Tại sao các dân tộc khác như Ba Na, Ê Đê, Ja Rai… đều có chữ viết để ghi lại các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mình mà người Ca Dong lại không?”.

Mỗi già làng của dân tộc Ca Dong là một “thư viện sống”. Nơi đó, họ cất giữ một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú của dân tộc mình, nhưng một khi họ về với cát bụi thì toàn bộ “thư viện” ấy sẽ đi theo họ.

Sự hẫng hụt, thậm chí đứt gãy về văn hóa là điều khó tránh khỏi trước làn sóng du nhập các loại hình văn hóa khác mà Internet cùng chiếc điện thoại thông minh đóng vai trò “nối giáo” cho lớp trẻ dân tộc Ca Dong.

Song song với các “thư viện sống” từ những già làng, người Ca Dong cần có một bộ chữ viết để ghi lại các loại hình văn hóa phi vật thể, đó là lý do thôi thúc Đinh Xuân Bình mày mò tìm kiếm.

Tham khảo nhiều ngôn ngữ của các dân tộc anh em, thậm chí cách phát âm của tiếng Anh, Bình “chế” ra một bộ chữ cho người Ca Dong với 34 chữ cái. Vẫn là chữ Latin ấy, song có những từ Ca Dong cần ghép lại đến hai âm tiết thì đọc mới chuẩn xác. Đó là lý do vì sao bộ chữ Ca Dong lên đến từng ấy chữ cái.

Anh Bình dẫn chứng: “Ví như chữ Ca Dong, nếu viết bằng ngôn ngữ phổ thông thì chữ Ca gồm có C và A ghép lại, và Dong gồm 4 chữ cái. Song theo cách phát âm của đồng bào thì phải là Ka Yong mới chính xác.

Hoặc chữ EM với cách phát âm của người Ca Dong phải là OH. Chữ H như một âm câm nhưng không thể bỏ vì có “hơi gió” rất khẽ khi phát âm từ này”. Anh Bình có thể ký âm toàn bộ một câu chuyện cổ hay bài dân ca hàng ngàn từ bằng ngôn ngữ do anh “sáng tạo” theo cách của mình.

Không chỉ “một mình mình biết”, Đinh Xuân Bình đã bàn với già làng và báo cáo với ngành chức năng của huyện Sơn Tây về việc anh muốn dạy chữ viết cho người Ca Dong. Thế là lớp học ra đời với 22 học viên gồm những thanh niên, có cả những cụ già đã miệt mài từ hôm hè 2022 đến nay với mỗi tuần 3 buổi do thầy giáo Bình trực tiếp dạy miễn phí. Và họ đã bắt đầu nhận ra sự hữu ích của việc ký âm bằng quốc ngữ về tiếng nói sơ khai này.

Sự hoàn thiện bộ chữ viết cho một tộc người không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Tuy nhiên, việc sáng tạo bộ chữ cho dân tộc Cà Dong của Đinh Xuân Bình là một cách để neo lại những gì mà dân tộc Ca Dong của anh cần lưu giữ cho hậu thế. Rất đáng ngưỡng mộ và trân trọng cho sự sáng tạo này.

TRẦN ĐĂNG