Tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng Chăm - Việt

NAM DIÊU 10/11/2022 14:25

(VHQN) - Từ buổi đầu đến vùng đất mới, cư dân vùng cửa sông ven biển Quảng Nam đã “tiếp biến” văn hóa - tín ngưỡng người Chăm và hình thành nhiều phong tục, tập tục vẫn còn thực hành cho đến ngày nay...

Cư dân vùng cửa sông ven biển Quảng Nam đã “tiếp biến” văn hóa - tín ngưỡng người Chăm. ảnh: HỮU KHIÊM
Cư dân vùng cửa sông ven biển Quảng Nam đã “tiếp biến” văn hóa - tín ngưỡng người Chăm. ảnh: HỮU KHIÊM

Về phong tục, tập tục

Cuối thế kỷ 15, cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ hay những cư dân ngư nghiệp vùng cửa sông ven biển phía Bắc quen với việc đánh bắt thủy hải sản gần bờ, luôn có tâm lý “ngại biển”.

Khi di dân vào Quảng Nam, buổi đầu vẫn giữ tâm lý ấy qua ca dao, tục ngữ “Cha mẹ già đòi ăn cá thu/Gả con xuống biển mù mù tăm tăm…”. Dần dà cộng đồng cư dân ven biển khắc phục tâm lý “ngại biển” và “tương thích” với hoàn cảnh mới: “Lênh đênh sóng dập gió dồi/Này sông mai biển được mấy hồi yên thân”.

Những nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, Việt ở vùng đất này khi nghiên cứu văn hóa vòng đời người đều nhận diện có những nét tương đồng trong tập tục giữa hai dân tộc như chuyện khi sinh người Việt quan niệm nên “chôn nhau vào đất” (“nhau” có nơi gọi là “rau”) cho nên gọi quê quán, vùng đất nơi sinh là nơi “cắt rún chôn nhau”.

Cư dân vùng cửa sông ven biển Quảng Nam “tiếp biến” văn hóa người Chăm nên nhiều nơi có tục “chôn nhau” trong nước bằng cách bỏ nhau trẻ sơ sinh trong nồi gốm rồi thả xuống lòng sông với quan niệm cho “sinh mệnh” đứa trẻ tương lai sẽ “mát mẻ, xuôi chèo mát mái”.

Cư dân vùng cửa sông ven biển Quảng Nam "tiếp biến" văn hóa người Chăm nên nhiều nơi có tục "chôn nhau" trong nước bằng cách bỏ nhau trẻ sơ sinh trong nồi gốm rồi thả xuống lòng sông...

Cộng đồng cư dân biển “tri ân” chủ đất người Chăm bằng lệ cúng đất - thường vào dịp đầu xuân hằng năm. Trong lệ cúng đất kỳ yên ngoài việc tôn xưng chủ đất là “Man, Nương” trong nghi thức có việc tái hiện việc “đo đất” (người cúng tái hiện hai vợ chồng “Man, Nương” đo đất để cho người Việt thuê lại để ở, để canh tác và văn cúng cũng thỉnh mời các linh hồn “Chàm, Chợ, Mọi, Rợ…” đồng lai thụ hưởng lễ phẩm.

Cư dân vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ suốt mười mấy thế kỷ chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhưng quan niệm “trọng nữ” vẫn là nét đặc sắc trong văn hóa Việt. Khi đến vùng đất mới, tục lệ thờ mẫu của cư dân Việt “giao thoa” với tín ngưỡng thờ mẹ của người Chăm qua hình tượng Yang Po Inư Nâgar (Mẹ nữ thần xứ sở) để người Việt có Thiên Yana Thánh Mẫu hay còn được tôn xưng Thiên Yana Diễn Ngọc Phi được thờ phụng dọc miền Trung.

Riêng cư dân vùng biển Quảng Nam có tập tục thờ mẫu với rất nhiều lăng, miếu thờ tự các vị thần gắn với nước và mỗi vị thần đều gắn với những truyền thuyết “cứu hộ độ sinh” khác nhau như các bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, Thủy Thần, Pô Pô, Thu Bồn, Phường Chào, Chợ Được, Chiêm Sơn, Yàng, Đá, Tứ Vị Thánh Nương…

Văn hóa - tín ngưỡng của người Chăm đã được dân cư vùng cửa sông ven biển tiếp biến từ buổi đầu đến vùng đất mới. Ảnh: V.Lộc
Văn hóa - tín ngưỡng của người Chăm đã được dân cư vùng cửa sông ven biển tiếp biến từ buổi đầu đến vùng đất mới. Ảnh: V.Lộc

Xét về mô tip truyền thuyết thì các vị thần sinh ra đều đã có những đặc điểm dị thường giữa thể xác và linh hồn - chẳng hạn như chuyện “không chịu lớn hay già đi” mà thể trạng bao giờ cũng như đứa trẻ có khuôn mặt đẹp và tâm hồn vị tha, khoan hòa, có nhiều phép thuật kỳ diệu dùng để giúp người, giúp đời…

Riêng bà Thu Bồn có nhiều dị bản về truyền thuyết khi thì bà là vị nữ tướng triều Lê (Việt), khi thì bà là nữ tướng người Chăm (tựu trung khi sống bà đã hy sinh vì nước, sau khi mất bà luôn “hiển linh” để cứu người giúp đời).

Tín ngưỡng thờ cá Ông

Lễ hội cầu ngư xuất phát từ tục thờ cúng cá Ông (cá voi) của các cư dân người Việt từ Quảng Bình vào đến các tỉnh cực Nam của đất nước. Cá Ông là vật linh của cư dân miền biển. Tục thờ cúng cá Ông là ảnh hưởng rõ nét của văn hóa Chăm của người Việt trên vùng đất mới.

Lễ hội cầu ngư ở vùng bãi ngang ven biển. Ảnh: V.Lộc
Lễ hội cầu ngư ở vùng bãi ngang ven biển. Ảnh: V.Lộc

Thờ cá Ông vốn là tín ngưỡng của cư dân Champa cổ. Theo truyền thuyết của người Chăm, cá voi là hóa thân của vị thần Sóng biển tên là Cha Aih Va. Thời trẻ Cha Aih Va được cha mẹ cho theo thầy học phép thuật. Sau thời gian dài tu luyện trên núi, ngài trở thành người có phép thuật cao cường.

Vì nóng lòng trở về xứ sở, nhưng thầy của ngài cho rằng chưa đủ thời gian tu luyện, nên ngài đã cãi lời thầy, tự hóa thành cá voi, lần theo sông lớn tìm ra biển. Qua bao phen hoạn nạn, Cha Aih Va trở lại hình dáng con người, thượng đế đã cho ngài biến thành vị thần cứu nạn, danh xưng là Pô Riak (tức thần Sóng biển).

Truyền thuyết của cư dân Quảng Nam thì kể rằng cá Ông với sự trợ giúp của thuộc hạ là Tôm và Mực, đã kịch chiến với những loại cá ăn thịt người hung dữ là cá Xà, cá Mập. Tuy thắng trận nhưng bị nhiều thương tích nên Ông lụy (chết).

Lại cũng có truyền thuyết cho rằng, cá Ông vốn là một trong muôn mảnh vải từ chiếc áo cà sa của Phật bà Quan Âm xé ra. Mụn vải này được Phật bà phủ kín bộ xương cá voi, rồi phả vào đấy pháp thuật cao cường của lòng từ bi, sự mẫn tuệ và dũng cảm, nhờ thế cá Ông với bộ xương đặc biệt của mình đã có phép “thâu đường” (rút ngắn khoảng cách) để làm nhiệm vụ “cứu hộ độ sinh” (cứu vớt, hộ tống sinh linh qua nguy khốn).

Từ sự cứu nạn lớn lao của cá Ông, nên loài cá này trở thành vị Thần ngư Nam Hải, Nhân Ngư, Đức Ngư, có địa phương còn gọi là Quan Âm Nam Hải hoặc Nam Hải Ngọc Lân. Sự tôn kính của cư dân miền biển dành cho cá Ông không chỉ ở trong tiềm thức mà còn bằng những thực hành văn hóa.

Như trường hợp gặp cá Ông lụy thì phải lập tức tập trung dân làng để tổ chức trọng thể lễ an táng cho cá Ông; hoặc khi đang đánh lưới, thấy trong lưới có cá Ông dù lớn hay nhỏ thì cũng phải lập tức mở toang lưới cho cá Ông thoát ra. Người đi biển gặp Ông lụy thì tìm mọi cách dìu xác cá Ông vào bờ, coi đó là dịp may mắn được Ông chọn, Ông xem như “trưởng nam” - thay mặt dân làng bịt khăn đổ, chịu tang 100 ngày.

Lễ hội cầu ngư được tổ chức nhằm bày tỏ lòng thành kính của ngư dân với Thần Nam Hải, cầu mong sự che chở, một mùa bội thu và xua đi mọi điều xấu. Hình thức diễn xướng vừa mang tính nghi lễ vừa mang tính hội hè của lễ hội cầu ngư đó là hát bả trạo.

Thật hữu lý khi GS.Trần Quốc Vượng nhận định hát múa bả trạo có tính chất như một đàn tràng Mạn đà la (Man da la) của nghi thức lễ cúng Phật giáo. Bài cúng chất chứa tinh thần nhân đạo, cao cả sâu rộng đến cả “thập loại chúng sinh”: “Những người nghĩa khí tài ba/ Gặp cơn nước loạn đến ra liều mình/ Những người thuyền bá linh đinh/ Gặp cơn sóng gió hải kình rước thây...”.

NAM DIÊU