Trao truyền di sản bài chòi

SONG ANH 08/11/2022 04:49

(VHQN) - Từng lớp thế hệ có kỹ năng tốt hơn về hô hát bài chòi. Từng cộng đồng từ vùng biển đến trung du được “sống” cùng bài chòi trong không khí hội hè. Và đã có những bạn trẻ tự tin gõ phách nhịp, bộ điệu theo từng màu giọng của xàng xê, xuân nữ, cổ bản...

Dù số lượng người tiếp cận và được tập huấn bài chòi ngày càng nhiều, nhưng diễn viên trẻ kế cận một cách bài bản và lựa chọn bài chòi làm sự nghiệp còn khá ít ỏi. Ảnh: L.T.K
Dù số lượng người tiếp cận và được tập huấn bài chòi ngày càng nhiều, nhưng diễn viên trẻ kế cận một cách bài bản và lựa chọn bài chòi làm sự nghiệp còn khá ít ỏi. Ảnh: L.T.K

Có người nói rằng, hội làng còn thì bài chòi còn. Ở góc độ nào đó, chính những gian bài chòi dù dựng vội nhưng không kém phần dụng tâm, là sức hút để níu chân người ở lâu hơn chốn hội lễ.

Vẫn những Sáu Tiền, Nọc Thược, Bạch Huê... nhưng với mỗi vùng đất, lại có cuộc biến tấu đầy ngẫu hứng từ chính những người may mắn được trời phú cho... niềm say mê và làn hơi đặc biệt.

Nghệ nhân ưu tú Phùng Thị Ngọc Huệ và Nguyễn Văn Quý (nghệ danh Dương Quý) gần như quen tên với hầu hết thành viên của những câu lạc bộ (CLB) dân ca bài chòi khắp vùng Quảng Nam.

Quen, không bởi vì họ là những người xuất hiện miết mải trong các đêm bài chòi mỗi tối dựng lên ở phố Hội. Càng không phải vì họ là những cái tên liên tục lên báo đài hay trong các sân khấu, liên hoan dân ca bài chòi từ nhiều cấp.

Mà có lẽ, nói như nghệ nhân Trương Minh Hạnh - CLB Bài chòi xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), vì họ, cùng với thiên chức của nghệ sĩ, họ đồng thời ở vai của người truyền dạy. Những lớp tập huấn, lớp học hô hát dân ca bài chòi, hẳn vì những người đã thành danh này, mà rộn ràng, hứng khởi và bền bỉ hơn.

Với  họ, mỗi lần cất lên làn hơi của điệu ca cổ dân tộc, dù ở không gian nào, họ vẫn như đang ca cho chính mình, cho niềm say mê đã thành huyết quản. Là Từ Minh Hiệp, Ngọc Thủy, Quang Việt, Minh Bá, Thu Hương... của Đoàn Ca kịch Quảng Nam cho đến Ngọc Huệ, Dương Quý của Trung tâm VHTT Hội An.

Trong nhiều năm liền, các lớp tập huấn đàn hát dân ca, trong đó chủ yếu vẫn là các kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật bài chòi cho nghệ nhân, CLB, nhóm, những người có khả năng tiếp thu và thực hành di sản bài chòi được tổ chức ở hầu khắp địa phương của Quảng Nam.

Đại diện Phòng Nghiệp vụ văn hóa - Sở VH-TT&DL cho biết, bắt đầu triển khai từ năm 2019 đến nay, những lớp học đã tính đến con số hàng chục. Mỗi lớp từ 90 đến 150 thành viên, là các cán bộ quản lý văn hóa cơ sở, những giáo viên âm nhạc các cấp cho đến những người dân trót mê làn điệu này.

Từ Chương trình hành động quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam của Bộ VH-TT&DL, Quảng Nam đã có những kế hoạch cụ thể hơn nhằm “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025”.

Trong kế hoạch này, cùng với việc đưa bài chòi trở thành sản phẩm du lịch ở các điểm đến, lồng ghép trong các lễ hội truyền thống thì trao truyền di sản thông qua việc mở các lớp tập huấn là điều đặt lên hàng đầu. 

Nếu những lớp học cho người lớn mới chỉ tổ chức hơn 3 năm nay, với không gian học đường, bài chòi đã trở thành môn học thu hút từ gần 20 năm nay. Phải nhắc lại sự khai mở từ đô thị cổ Hội An, với những tiết học dân ca bài chòi mỗi đầu tuần, bắt đầu từ năm 2004. Đến năm 2009, chính hiệu quả từ Hội An, Bộ VH-TT&DL lựa chọn Quảng Nam làm thí điểm cho chủ trương đưa dân ca vào giảng dạy trong nhà trường.

Thời điểm năm học 2009 - 2010, ngoài chương trình của Hội An, toàn tỉnh có 4 trường THCS ở các huyện Thăng Bình, Đại Lộc, TP.Tam Kỳ, TP.Hội An học môn dân ca với các làn điệu của địa phương như bài chòi, hò ru con, vè, hò Quảng và các điệu hò, điệu lý đặc trưng của xứ Quảng. Đây là cú hích để câu chuyện đưa bài chòi vào học đường mạnh mẽ hơn ở các địa phương. 

Học sinh tiếp cận dân ca bài chòi, theo thống kê chưa đầy đủ từ Sở VH-TT&DL, có thể đã lên đến hơn 10 ngàn lượt. Trong số này, có những em được phát hiện và bồi dưỡng, trở thành nhân tố chủ lực cho các trung tâm văn hóa, các đội, nhóm, CLB dân ca hay thậm chí trở thành những giáo viên âm nhạc.

Bà Võ Thị Thu Mây - Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam, cũng đồng thời là đơn vị phụ trách việc dạy hát dân ca trong nhà trường cho biết, tầm quan trọng khi được tiếp xúc sớm với ca kịch bài chòi chính là để các em hiểu như thế nào là nghệ thuật truyền thống. Khi hiểu đúng, hiểu được cái hay của mỗi làn điệu thì tự khắc các em sẽ có niềm yêu thích với bộ môn này. 

*
*            *

Dù được “dọn đường” để có những chiến lược bảo tồn bài bản, nhưng cũng như các loại hình di sản văn hóa phi vật thể truyền thống khác, bài chòi vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn. Ở học đường, nghệ thuật này mới chỉ dừng ở hình thức tiếp cận bởi áp lực của việc học chính khóa.

Ở các đội, nhóm, CLB dân ca bài chòi của địa phương, kinh phí hoạt động thiếu thốn, gần như mỗi thành viên chỉ tập họp những lúc... có hội lễ hoặc dự thi phong trào. Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc TTVH thị xã Điện Bàn cho biết, địa phương này có 13 CLB dân ca, việc hỗ trợ cho các CLB này cũng chỉ mới dừng ở việc khuyến khích, chưa tạo được sân chơi thường xuyên để “tiếp lửa” cho họ.

Nhạc công, diễn viên trẻ chuyên nghiệp cũng là những điều gây khó cho đơn vị ca kịch bài chòi chuyên nghiệp duy nhất của Quảng Nam. Đây là thách thức lâu dài cho các đội bán chuyên nghiệp ở những trung tâm văn hóa của các địa phương.

Dù số lượng người tiếp cận và được tập huấn bài chòi ngày càng nhiều nhưng việc thiếu người trẻ kế cận một cách bài bản và lựa chọn bài chòi làm sự nghiệp, lại là nan đề khi muốn đưa di sản này trở thành sản phẩm phục vụ du khách ở mỗi điểm đến...

SONG ANH