[eMagazine]- Di sản bài chòi Quảng Nam
(VHQN) - Ngày 7/12/2017, di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam chính thức được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ đây, việc thực hành di sản Nghệ thuật Bài chòi với cộng đồng, với nghệ nhân mở ra bước ngoặt mới với nhiều trăn trở hơn. Làm thế nào để tạo nên sự đa dạng của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại? Làm thế nào để giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này trong cuộc sống đương đại là những vấn đề không hề đơn giản.
Rủ nhau chơi hội bài chòi…
Vượt dải Hoành Sơn mở đất phương Nam, các bậc tiền nhân đã tạo tác nên nhiều di sản để lại cho con cháu hôm nay.
Trên vùng ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên Huế), Quảng Nam, Quảng Ngãi) cho đến Bình Định, nghệ thuật Bài Chòi ra đời và phát triển, tiếp biến các giá trị đa dạng, kết hợp âm nhạc, diễn xướng, hội họa và văn học dân gian…
Vào ngày 7/12/2017, tại Phiên họp Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong dải lụa thời gian trải niềm yêu nghệ thuật dân gian, ước mơ và đam mê đã được chắp cánh, việc trao truyền và thực hành Bài Chòi gợi mở ở nhiều tỉnh thành, như là cách bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Hội An, xứ Quảng, Bình Định và nhiều vùng đất khác lại dậy lên tiếng hô hát Bài Chòi, tổ chức hội chơi từ làng đến phố, gắn với bước chân du lịch trải nghiệm văn hóa dân gian bản địa.
Chuyên đề này của Văn hóa Quảng Nam sẽ giúp bạn ngắm nghía lại những lá bài và nghe câu hô thai quyến rũ… Hãy đến chơi hội Bài Chòi và tự nhủ cần giữ gìn nét đẹp của di sản cha ông…
Bài chòi trước hết là trò chơi dân gian nhưng đồng thời cũng là một loại hình diễn xướng dân gian hết sức đặc sắc.
Bài chòi xứ Quảng sử dụng bộ bài Tới giống với các tỉnh phía bắc đèo Hải Vân như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và các huyện phía bắc Quảng Ngãi. Nói như vậy bởi vì lâu nay, ít người quan tâm đến sự khác biệt về mặt mỹ thuật của bộ bài dùng để chơi bài chòi của Bình Định với bộ bài Tới dùng để chơi bài chòi của xứ Quảng, xứ Huế. Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù tên gọi các quân bài ở hai vùng đại thể khá giống nhau nhưng nét vẽ, màu sắc các quân bài lại rất khác nhau.
Bộ bài dùng để chơi bài chòi là bộ bài lá bằng giấy dùng để chơi bài Tới. Bài Tới theo định nghĩa của học giả Huỳnh Tịnh Paulus Của trong sách “Đại Nam Quấc âm tự vị” (1896) là “thứ bài bắt cặp, ai bắt được đủ cặp trước thì gọi là “tới”, nghĩa là đến trước, rồi cũng được ăn tiền”(NXB Khai Trí, Sài Gòn 1974 tr.455).
Lâu nay các nhà nghiên cứu đã cất công đi tìm nguồn gốc của bộ bài Tới. Dựa vào việc in ấn theo kỹ thuật in mộc bản bộ bài ở làng Sình (làng Lại Ân), các hộ người Hoa ở vùng Gia Hội, gần chợ Đông Ba (đều ở Thừa Thiên Huế) và cả các hộ kinh doanh người Hoa ở chợ Hội An (Quảng Nam), nhà nghiên cứu Huỳnh Hữu Ủy cho rằng: “…Ở miệt Huế và Quảng Nam, trong dân gian có bài vè “Nghe vẻ nghe ve/ nghe về bài Tới/ cơm chưa kịp xới/ trầu chưa kịp tem/ tôi đánh một đêm/ thua ba tiền rưỡi/ về nhà chồng chửi/ thằng Móc thằng Quăn/ đánh sao không ăn/ mà thua lắm bấy…”
Cho đến hôm nay, bộ bài Tới vẫn được cư dân từ Quảng Bình đến Quảng Nam sử dụng để chơi bài chòi. Huế vẫn là đầu mối hàng năm cung cấp cho các tỉnh bộ bài in mộc bản (bộ bài Tới).
Khác biệt rõ nét là về mặt âm nhạc trong hô/hát bài chòi. Hô/hát bài chòi ở Quảng Nam khác với hô/hát bài chòi ở Huế và giống hoàn toàn với hô/hát bài chòi các tỉnh phía nam đèo Hải Vân.
Hô bài chòi ở Quảng Nam còn gọi là hô thai, có gốc từ trò chơi thai đề xổ cổ nhơn (cử nhân). Hội chơi xổ cổ nhơn diễn ra vào dịp tết âm lịch, tương truyền ban đầu chỉ là một trò chơi nhỏ trong cộng đồng người Hoa, sau dần người Minh Hương, người Việt có chữ nghĩa đều tham gia vì trò này tương tự như trò “thả thơ” - nghĩa là xem câu thai (câu đố) rồi suy đoán ý nghĩa của quân bài được đố.
Trong quá trình hô/hát suốt diễn trình lịch sử trên vùng đất Nam Trung Bộ, âm nhạc trong trò chơi /trò diễn bài chòi đã có một bước tiến quan trọng. Từ cách nói lối - hình thức mở đầu trong diễn xướng bài chòi là nói có vần, có lối, những bài thơ dân gian đến việc hô/hát, điệu hô bài. Ở Huế và các tỉnh Bắc Trung Bộ không có sân khấu ca kịch bài chòi.
Về mặt nghệ thuật biểu diễn, chắc chắn anh hiệu chính là nghệ nhân dân gian, anh có tài năng quan sát, cảm nhận, sắp xếp các sự kiện, các lớp lang “nhân tình thế thái”, tổ chức nghệ thuật ngôn từ rồi thể hiện trước công chúng. Sau này theo diễn tiến của nghệ thuật hô hát, anh hiệu tự phân nhiều vai để diễn một tuồng tích, một hoạt cảnh, ca cảnh... để sau này có từng nhóm nghệ nhân phân vai diễn để diễn các tích tuồng đưa bài chòi từ đất (diễn xướng dân gian) lên sân khấu (kịch hát bài chòi).
Như thế, nghệ thuật diễn xướng bài chòi là một “hệ thống mở” về cách thức hô hát, biểu diễn. Từ năm làn điệu (bài bản) cơ bản: nói vè, xuân nữ, cổ bản, xàng xê, hồ quảng... các nghệ sĩ sáng tác đã sáng tạo những bài bản mới như một ca khúc dân gian cho sân khấu kịch hát bài chòi.
Câu hô bài chòi từ lục bát đến lục bát biến thể rồi thâu thái cả song thất lục bát, thơ bốn câu, thơ năm câu, lối nói lối tự do dài hơi. Hiện nay, các làn điệu của kịch hát bài chòi cũng làm cho việc hô hát thêm đa dạng, phong phú. Hô hát bài chòi như vậy cứ mỗi năm cứ mãi thanh xuân bằng cách tiếp nhận những tinh hoa sáng tạo của các nghệ sĩ sáng tác dựa trên chất liệu âm nhạc của bài chòi truyền thống, bằng ứng tác, ứng diễn nội dung các sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng xã hội…
Dưới góc nhìn văn hóa học, hô diễn bài chòi mang đậm tính nguyên ủy/nguyên hợp của một hiện tượng văn hóa dân gian. Trò diễn/trò chơi là tâp hợp khó chia tách của các thành tố. Thành tố âm nhạc gồm hô/hát, nhạc đệm. Thành tố biểu diễn mang tính trò của sân khấu như trang trí sàn diễn - nơi treo ống bài nọc, trang trí các chòi chơi, các biểu diễn hình thể của người diễn như trang phục của anh chị hiệu, các động tác tay, chân, chạy cờ, sự biểu cảm khuôn mặt của người hô, người phụ việc, biểu cảm của người chơi bài, khán giả, biểu hiện thẩm mỹ của bộ bài…
Tính văn học của lời hô/hát (còn gọi là ca từ) và đặc biệt là tính trò chơi - một hình thức hô/hát theo hướng “giải câu đố hóa” tên quân bài để người chơi suy đoán, chờ đợi được kết quả đúng như mình suy đoán. Âm hưởng chủ đạo của bài chòi vẫn là đem lại niềm vui, sự lạc quan yêu sống, giàu khát vọng phồn thực, mong cầu “vạn vật sinh sôi, nhân khang vật thịnh” cho cộng động làng/xã/đất nước mỗi dịp hội hè.
Lần theo dòng lịch sử dân tộc, qua bao cuộc chiến tranh loạn lạc, quân thù phương Bắc giày xéo dân tộc Lạc Việt. Người Việt gốc chạy vào vùng Thanh - Nghệ bởi họ không muốn ra làm quan Bờm cho Tàu. Đến thời Hồ - Lê - Mạc - Trịnh, họ tiếp tục chạy vào phương Nam. Đoàn người theo chúa Nguyễn Hoàng bỏ miền Bắc vượt đèo Ngang, hẳn đã mang theo những kinh nghiệm sống cay đắng từ nơi chôn nhau cắt rốn. Ẩn ức đó trao truyền đến những thế hệ sau trên miền đất mới, và người Đàng Trong đã vẽ lại chân dung tuyến quan Bờm – gọi trại ra là những quan bợm, trong bộ Bài Tới, đã từng đè nén áp bức cha ông họ trong quá khứ ở đất Bắc, rồi ngay trong thời họ sống có nguy cơ tái diễn các gương mặt ấy.
Có thể bài ca “Thằng Bờm có cái quạt mo” còn mang theo trong lòng người từ đất Bắc, truyền vào Nam, nay họ vẽ cái quạt mo trên những lá bài che mặt đám quan Bờm, trên đầu có chữ Hán (Điền kiến, 田見) để mỉa mai những kẻ đi học chữ Tàu rồi ra làm quan ức hiếp dân nghèo ở quê xưa. Đó là một tuyến bài với tên cúng cơm mỗi lá là định danh mỗi hạng người tồn tại trong xã hội Việt thời đó, với 10 nhân vật là: Trò (Nhất Trò), Đấu (Nhì Bí), Quăn (Tam Quăn), Hương (Tư Hương), Ngũ (Ngũ Trợt), Xơ (Lục Trạng), Dọn (Thất Nhọn), Bồng (Bát Bồng), Thầy (Cửu Chùa), Tử (Thái Tử).
Trong tuyến bài trên có lá bài tên là Dọn. Có thể nhận thấy dấu vết tiếng Quảng Trị - Thừa Thiên. Ngày đó đất Quảng Trị là nơi đặt lỵ sở đầu tiên của chúa Nguyễn Hoàng. Người Quảng Trị phát âm Nh ==> d, gi (như “nho nhỏ” nói thành “do dỏ”).
Người Quảng Nam nghe hiểu Dọn là Nhọn. Con bài nằm ở bậc thứ bảy. Bảy là thất, ra lá bài Thất Nhọn. Thất Nhọn là một quan Bờm kế sau sau Lục Trạng - một hạng quan Bờm chuyên nghề bẻ cong công lý, kết án người vô tội, không tội đánh cho nhận tội, muốn khỏi đòn roi thì phải đút lót. Đó là cái nghề làm quan ăn cướp nhất là ở thời Lê mạt. Thất Nhọn, là biểu tượng khuôn mặt tội ác đứng hàng thứ bảy của hạng quan Bờm.
Trong 30 lá bài của bộ Bài Tới (mỗi lá có một cặp dùng cho người hô và người chơi, nên tổng cả bộ thành 60 lá), ngoài tuyến lá bài biểu tượng các quan Bờm (tuyến III) với “mặt mo” như đã kể, thì còn hai tuyến khác (I&II) dành cho phụ nữ và đàn ông.
Trong đó, tuyến I: Là cánh phụ nữ - hình vẽ liên quan đến những gì phụ nữ có mà đàn ông không có, kể cả phần miêu tả trực quan cơ quan sinh dục nữ như lá Tứ Tượng, Dái Doi chẳng hạn. Tuyến II: Là cánh đàn ông thất học - hình vẽ liên quan đến những gì đàn ông có mà phụ nữ không có. Biểu tượng ba mươi khuôn mặt, gồm 10 khuôn mặt phụ nữ Đại Việt khổ đau (tuyến I), và 20 thằng đàn ông làm khổ họ, làm khổ dân tộc này (tuyến II và III).
Về thời điểm ra đời bộ Bài Tới, với những nghiền ngẫm tư liệu lịch sử và suy nghiệm, ông Trương Được cho rằng bộ Bài Tới Quảng Nam được hình thành nhờ trí tuệ tập thể của người Đàng Trong từ sau 1648 (khi chúa Nguyễn Phúc Lan qua đời), và chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần, 1620 - 1687) muốn có một bộ bài để bà mẹ kính yêu góa bụa của mình (Đoàn Quý Phi, người quê Đông Yên, Duy Xuyên, Quảng Nam) được giải trí cùng những người hầu cận. Khi con trai Nguyễn Phúc Tần lên ngôi ở tuổi 29, bà Đoàn Thị Ngọc – Đoàn Quý Phi được tôn hiệu là Quốc Thái phu nhân (Thái Hậu), sau khi chồng mất bà lui về sống tại Dinh trấn Thanh Chiêm.
Thêm dấu vết di dân, có thể dẫn tập sách mang tên “Voici quelques pièces Hat Bai Choi tireés du Phong trao Can Vuong”, G. L. Bouvier xuất bản năm 1902 có viết: “Bài Chòi được hình thành và phát triển sau những năm 1470 Nam tiến, người Việt ra sức khẩn hoang từ vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cho tới Bình Thuận, đặc biệt đã thành công trong việc xây dựng kinh tế, văn hóa và đời sống vùng châu thổ ở Bình Định và Phú Yên rất phì nhiêu...”.
Giải mã Bài Tới, nhà nghiên cứu Trương Được (bút hiệu laiquangnam) chỉ ra những nét khác giữa ý nghĩa biểu tượng trên hình vẽ lá bài, kể cả giá trị triết lý ẩn tàng và quan niệm người xưa với lời hô/hát Bài Chòi hiện nay
Ông Trương Được dẫn ra ví dụ từ lá bài Hương. Tư Hương có tên dân gian là “Tứ Cẳng”. Biểu tượng về con bài cổ khác với cách của anh/chị hiệu hiểu theo tình huống mua vui hiện nay.
Muốn cho người chơi đoán được lá bài trong tay mình vừa rút ra là lá bài gì, nay anh chị hiệu cố lồng vào câu hát của mình sao cho có từ “tứ cẳng” càng tốt, hay ý văn độ chừng có thể đoán mò 50/50. Anh hiệu hát rằng:
Có chồng từ thuở mười lăm
Chồng chê tôi nhỏ không nằm cùng tôi
Đến chừng mười chín đôi mươi
Tôi ngủ dưới đất chàng lôi lên giường
Một rằng thương, hai rằng thương
Có bốn cẳng giường gãy một còn ba!
Hay bạo hơn, từ câu cuối “Có bốn cẳng giường gãy một còn ba!” ==> sẽ được hát là:
“Chớ thương chi, thương chi mà hung rứa…
Cho bốn cái cẳng giường… nó rung rinh!”
Lời hát kể chuyện ăn nằm đem ra hô hát trước đám đông nhằm mua vui là chính. Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ. Không ai lấy thế làm phiền mà lên mặt đạo đức! Nhưng phải hiểu nguyên gốc biểu tượng hình vẽ trên lá bài Hương là khác nội dung câu hát.
Tư Hương là tên lá bài, chỉ một anh học trò đã “ba chân bốn cẳng” học vội, học vàng để mong ra làm quan. Rồi anh đỗ kỳ thi Hương, hình vẽ có ghi lại trường thi năm xưa. Nay anh đã lận lưng cái bằng. Bạn có thấy bốn cái lều trại trong trường thi dưới tấm hình này không, sao lại trở thành bốn cái chân của cặp tình nhân, hay bốn cái “chưn” giường nó rung rinh như dưới con mắt của người hô câu hát?
* Ông có thể nêu thêm ví dụ khác sinh động hơn, thuyết phục hơn?
Nhà nghiên cứu Trương Được: Ví dụ thêm nữa là lá bài Tuyết mang ý nghĩa hình tượng sâu thẳm về phụ nữ chứ không phải như lời hô hát sau này diễn tả chỉ cốt mua vui, rằng: “Tiếc thay cây mía ngọt lại sâu/ Tiếc con gái tốt mà cái bím bầu không lông” (từ BS. Hồ Đắc Duy).
Tuyết là ai? Tuyết là từ Việt cổ, lưu vết trong câu thơ của Lê Thánh Tông: “Cắp cầm con Tuyết tình cờ đến/ Bỏ nón chùi chân khặc khặc cười” (Hồng Đức Quốc âm thi tập). Là nữ nhi, Tuyết có miệng cũng như không, bởi sự điều hành đất nước thuộc về cánh đàn ông. Bởi thế đại diện cho nữ nhi là lá bài chủ trong bộ Bài Tới, lá bài duy nhất, tuy không có con dấu đỏ của nhà vua ban cho, nhưng nàng là người có miệng ăn miệng nói, dõng dạc nhất trong ba mươi con bài. Nàng Tuyết nói câu khí phách “nhân danh người trưởng thành tôi xin thưa cùng Thái Tử”, đó là ý nghĩa ba chữ Hán ghi kín đáo “Đinh khẩu bạch” (丁口白) trên đầu lá bài.
Lá bài Tuyết, qua cách gọi của dân gian cũng là con Bạch Huê. Đó là do có một hình vẽ tựa như nhánh rong rêu - cũng giống cọng lông, diễn tả một khuyết tật bẩm sinh cơ thể. Rong rêu là một hình ảnh ám chỉ thân phận con người bị bỏ rơi. Khẩu ngữ Việt có câu than thân trách phận “phận bạc rong rêu”. Theo thời gian, từ hình ảnh “rêu” giông giống mấy cộng “lông” trôi bềnh bồng, cộng thêm chữ Hán là chữ bạch (白) ở ô thứ nhất kết hợp với “tuyết” chữ Quốc ngữ ở ô thứ nhất thành “Bạch Tuyết”. Trắng như tuyết chứ không mang nghĩa tiêu cực. Bạch Tuyết – Bạch Huê là gì? Đó là nỗi đau đầu đời khó nói. Chỉ vì mình thiếu mấy cái “cộng lông” nên hơi khác người ta!
* Dù có độ sai khác giữa những lời hô hát với ý nghĩa hình tượng lá bài, nhưng thiển nghĩ bài chòi có sống được hay không phải là một nghệ thuật tổng hợp. Đồng thời nghệ thuật cũng có phái sinh để trò chơi tồn tại và phát triển. Ông quan niệm thế nào về điều đó?
Nhà nghiên cứu Trương Được: Ở góc độ là trò chơi, biến tấu nội dung các câu hô thai thì không sao, “mua vui cũng được một vài trống canh” mà, nhưng nếu đi sâu vào nghệ thuật bài chòi thì sẽ thấy những khía cạnh khác cần lưu tâm. Lịch sử phát triển của môn nghệ thuật này của các địa phương ở Trung Bộ cũng khác nhau. Chẳng hạn, hát bài chòi tại Bình Định là lối hát có ảnh hưởng từ tuồng tích, gồm tuồng ta và tuồng Tàu. Thế hệ người Quảng Nam tại miền Nam, thuộc lớp chúng tôi sinh thập niên 40 thế kỷ 20, có lẽ không mấy ai rành về lối hát này. Phần lớn họ chỉ biết hát bài chòi là hát các câu hô thai theo từng lá bài mà thôi.
Nghệ thuật hát bài chòi được giới nghệ sĩ các tỉnh Nam - Ngãi - Bình - Phú mang ra Bắc sau năm 1954, họ đã xây dựng và hoàn thiện bộ môn hát bài chòi và sau này xây dựng các vở diễn có lớp lang (gọi chung là dân ca kịch bài chòi). Như vậy loại hình “bài chòi kịch nghệ” mới ra đời sau này nên không - phải - là - di sản văn hóa nhân loại.
Hô thai góp phần cho việc chơi bài chòi sống động, đem lại tiếng cười vui vẻ trong kỳ dịp lễ hội. Nhưng nên biết rằng các anh/chị hiệu mắn miệng, nhờ thuộc nhiều ca dao, quen viết văn biền ngẫu, trông mặt mà bắt hình dong, nên đặt lời hô thai có vần điệu như ca dao, với lục bát chuẩn hay biến thể. Anh hiệu ứng khẩu rất nhanh với ngay với lá bài mà anh vừa rút ra. Người nghe thấy ngồ ngộ, vui vui, tuy ý nghĩa nội dung không đúng với ý của tiền nhân ta khi thiết lập lá bài đó.
Tôi vẫn giữ một quan điểm rằng bộ Bài Tới mang giá trị minh triết là để bảo tồn “cái gien văn hóa” Lạc Việt, coi trọng hàng đầu hình tượng “từ mẫu”, tục thờ Mẹ, tinh thần nữ quyền lấy tuyến nhân vật trung tâm là phụ nữ với những đau khổ vui buồn đời họ, cùng đức hy sinh, lòng quả cảm, những tâm tình sâu kín, lời dặn về sự khôn/dại ở đời.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!