Di tích Mỹ Sơn trên một bản đồ cổ
Trước khi được người Pháp phát hiện, khu đền tháp Mỹ Sơn đã được một người vẽ bản đồ vào thời chúa Nguyễn biết đến và ghi lại trong “Giáp Ngọ Bình Nam Đồ”.
Khu đền tháp Chăm tại Mỹ Sơn, Duy Xuyên đã được UNESCO tôn vinh Di sản thế giới từ năm 1999. Nơi đây từng là môt trung tâm thờ tự của toàn vương quốc Chămpa, với nhiều đền tháp được các vua Chămpa xây dựng trong gần 10 thế kỷ, từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 14.
Khu đền tháp được những nhà thám hiểm người Pháp chú ý từ cuối thế kỷ 19 và được Trường Viễn Đông Bác Cổ tiến hành khai quang, nghiên cứu, công bố trên tạp chí của trường (BEFEO).
Thật ra, khu đền tháp Mỹ Sơn đã được một người vẽ bản đồ vào thời chúa Nguyễn biết đến và ghi lại trong “Giáp Ngọ Bình Nam Đồ”, trước khi được người Pháp “phát hiện”.
Tương truyền bản đồ này do Đoan quận công Nguyễn Hoàng cho vẽ và tiến dâng lên vua Lê vào năm Giáp Ngọ, 1594. Các nhà khảo cứu văn bản nhận định tập bản đồ còn lại đến ngày nay là bản vẽ trong khoảng 1653 - 1690, thời chúa Nguyễn Phúc Tần.
Ở trang bản đồ khu vực từ cửa biển Đại Chiêm lên thượng nguồn Thu Bồn, có ghi những chú thích đáng chú ý, như “Hội An Khố” (Kho Hội An), “Chiêm Dinh” và đặc biệt là di tích mộ Đoàn Quý Phi và khu di tích của vua Chăm ở Duy Xuyên.
Di tích mộ Đoàn Quý Phi được chú “Hiền Mẫu Tổ Mộ” - Mộ của (tổ tiên) Hiền Mẫu, ở vị trí phía tây dinh Chiêm. Di tích của vua Chăm nằm tiếp theo về phía tây của mộ Đoàn Quý Phi và ghi chú “Chiêm Thành Chủ Tổ Mộ” - Mộ của (tổ tiên) chúa Chiêm Thành, kèm theo hình vẽ một tháp 3 tầng, nằm giữa ba bên là núi, thể hiện địa hình thung lũng Mỹ Sơn.
Đoàn Quý Phi là thôn nữ làng dâu tằm dệt lụa ven sông Thu Bồn, trở thành vợ của chúa Nguyễn Phúc Lan và là mẹ của chúa Nguyễn Phúc Tần. Bà mất năm 1661 và được an táng tại quê nhà. Hiện nay lăng mộ của bà thuộc địa phận xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, cách khu di tích Chăm Mỹ Sơn khoảng 10km đường chim bay.
Khu đền tháp Chăm tại Mỹ Sơn được người vẽ bản đồ nghĩ là khu lăng mộ của các vua Chiêm Thành (Chămpa). Cách nghĩ đó vào thế kỷ 17 cũng dễ hiểu, bởi cho đến hôm nay, giới học thuật vẫn còn đặt nghi vấn liệu chức năng của tháp Chăm là đền thờ hay lăng mộ?
Điều đáng chú ý là tập bản đồ cổ “Giáp Ngọ Bình Nam Đồ” cho thấy, sau hai trăm năm từ khi vua Lê Thánh Tông lập Quảng Nam Thừa Tuyên Đạo (1471) thì vùng đất Quảng Nam vẫn còn lưu giữ nhiều di tích của Chămpa và được ghi nhận một cách trang trọng, không chỉ trong tên gọi một lỵ sở của chúa Nguyễn (Dinh Chiêm) mà cả trong bản đồ với bản vẽ và chú thích khu “lăng mộ của chúa Chiêm Thành”, cùng với việc ghi lại di tích lăng mộ của mẹ chúa Nguyễn.