Hương liệu, thổ sản một thời vang bóng
Cuối tuần qua, tại TP.Hội An diễn ra hội thảo khoa học “Hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam”. Hội thảo với mong muốn làm rõ hơn sự trù phú về hương liệu, thổ sản xứ Quảng cũng như vai trò, tác động của hương liệu, thổ sản trong tiến trình phát triển vùng đất, nhất là với cảng thị Hội An xưa.
Cảng thị “cộng sinh” hương liệu, thổ sản
Khoảng từ thế kỷ 16 - 18, xứ Quảng nói riêng và Đàng Trong nói chung là một vùng đất giàu có về tài nguyên thiên nhiên. Hàng hóa, sản phẩm từ Hội An xuất đi các nước có thể kể đến: gỗ, quế, song, mây, trầm hương, kỳ nam… (hàng lâm, thổ sản); hải sâm, đồi mồi, tổ yến, ốc hương… (thủy hải sản); tơ lụa, đường, mật mía… (hàng thủ công)…
Nghiên cứu ở tác phẩm “Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ 17 - 18” của tác giả Đỗ Bang cho thấy, khoảng 48% lượng hàng từ cảng thị Hội An xuất đi các nước là hàng lâm, thổ, hải, đặc sản và khoảng 27% là nông sản, thực phẩm, thủ công.
Theo ông Nguyễn Chí Trung - Chi hội Khoa học lịch sử Hội An, từ cuối thế kỷ 15, Hội An đã giữ ưu thế vượt trội hơn các nơi khác, trở thành vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Một mặt vừa khai thác, sản xuất nguồn thổ sản từ thời cư dân Chămpa đồng thời thu gom rất nhiều sản vật ở trong vùng, các khu vực trên thế giới về thương cảng Hội An để giao thương thông qua hội chợ quốc tế hàng năm.
Một số sản vật trên khắp Quảng Nam, bằng nhiều con đường, cách thức đã để lại dấu ấn đậm nét trong tiến trình hình thành thương cảng Hội An cũng như nương tựa vào Hội An để tìm đường trung chuyển ra thế giới.
Là dầu rái Đại Lộc gắn bó cùng nghề đóng ghe bầu Hội An. Là những chuyến hàng trĩu nặng hồ tiêu, trầm hương Tiên Phước, quế Trà My hối hả xuôi về phố để trao tay thương thuyền hải ngoại… Thơ ca dân gian địa phương còn ghi lại: “Tơ, cau thuốc chở đầy ghe/ Hội An buôn bán tiếng nghe xa gần/ Một ngàn chín trăm xã dân/ Ai ai cũng có một phần giang sơn”.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay: “Có thể nói rằng nếu không có hương liệu, thổ sản thì chắc chắn sẽ không có cảng thị Hội An phồn vinh mấy thế kỷ. Từ câu chuyện về hương liệu có thể dẫn dắt đến nhiều quy luật lịch sử, quy luật văn hóa thú vị”.
Chủ động bảo tồn, phục hồi
Cảng thị Hội An suy thoái cũng dần khép lại mấy trăm năm chộn rộn giao thương quốc tế của hương liệu, thổ sản xứ Quảng. Dù vậy, theo ông Nguyễn Chí Trung, kể cả ở thời kỳ hiện tại lẫn tương lai, nguồn hương liệu, thổ sản tự nhiên vẫn mãi là nguồn hàng đặc biệt quý giá với sức khỏe con người.
Cần đẩy mạnh việc nghiên cứu chuyên sâu về tính năng, công hiệu của hương liệu, thổ sản bản địa. Từ đó có kế hoạch đầu tư, khai thác, sản xuất, khuyến khích phát triển gắn với kinh tế du lịch, nhu cầu khách hàng.
Thông tin từ Sở Công Thương, đầu năm 2022 UBND tỉnh ban hành Chương trình đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm có khả năng cao của Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, đã xác định các mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu giai đoạn này gồm: sâm Ngọc Linh, măng cụt, dưa hấu, chuối.
Một số giải pháp chính để đẩy mạnh xuất khẩu thổ sản Quảng Nam như quy hoạch sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, đăng ký mã số vùng trồng, đăng ký mã số đóng gói sản phẩm, công nghệ truy xuất nguồn gốc vào từng khâu trong các giai đoạn tạo ra sản phẩm…
Một số thổ sản vang bóng của Quảng Nam đã và đang được phục hồi, lồng ghép công nghệ để nâng cao giá trị. Với cây quế, đến nay đã có 6 sản phẩm OCOP được chế biến từ cây quế gồm: hương dầu quế đặc biệt, tinh dầu quế Trà My, tinh dầu quế Tiên Phước, bột quế gia vị, túi thơm hương quế, đèn mỹ nghệ quế. Với trầm, những năm qua hoạt động trồng dó tại vườn đồi được các hộ gia đình chú trọng, theo đó hoạt động chế tác trầm mỹ nghệ trở nên sôi động, cho giá trị kinh tế khá cao.
Ông Quảng Văn Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An thông tin, chính quyền TP.Hội An hiện đã có chủ trương cho đơn vị thiết lập một bảo tàng chuyên đề về hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam. Bảo tàng này khi thành lập sẽ nghiên cứu, tập hợp các tư liệu liên quan về lịch sử, văn hóa, quá trình khai thác chế biến tiêu thụ để bảo tồn, lan tỏa các giá trị này được tiếp nối đến mai sau.