Hiệp Đức bảo tồn văn hóa truyền thống

TÂM ĐAN - MAI NHI 27/10/2022 08:25

Trước nguy cơ mai một của nhiều loại hình văn hóa truyền thống, tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, HĐND huyện Hiệp Đức (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết số 60 (ngày 30/9/2022) về khôi phục, bảo tồn và phát huy một số loại hình văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện đến năm 2026.

Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống được huyện Hiệp Đức chú trọng đầu tư, hỗ trợ triển khai từ trong trường học. Ảnh: P.V
Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống được huyện Hiệp Đức chú trọng đầu tư, hỗ trợ triển khai từ trong trường học. Ảnh: P.V

Những chuyển biến

Trên địa bàn huyện Hiệp Đức có 3 dân tộc chính là Kinh, Ca Dong, Mơ Nông, sống ở 11 xã, thị trấn, trong đó người dân tộc thiểu số tập trung chủ yếu ở 3 xã Phước Gia, Phước Trà và Sông Trà, chiếm khoảng 13% dân số toàn huyện. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, cùng với quá trình cộng cư đã giao thoa, tiếp biến tạo nên nhiều giá trị văn hóa mới làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần trên địa bàn huyện.

Ông Huỳnh Đức Viên - Phó Chủ tịch HĐND huyện Hiệp Đức cho biết, trước Nghị quyết số 60, HĐND huyện Hiệp Đức (khóa VII) đã ban hành Nghị quyết 40 (ngày 1/8/2017) về cùng nội dung này. Sau khi Nghị quyết 40 ra đời, UBND huyện đã ban hành đề án và định kỳ hàng năm xây dựng kế hoạch, tham mưu HĐND huyện bố trí kinh phí triển khai thực hiện.

Qua 4 năm triển khai Nghị quyết 40 (2018 - 2021), nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể có chuyển biến tích cực, nhất là đã phát huy được vai trò chủ thể của người dân và huy động được các nguồn lực đầu tư cho bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Theo Nghị quyết 60 của HĐND huyện Hiệp Đức, từ 2023 - 2026, bên cạnh đầu tư xây dựng 1 làng văn hóa truyền thống, huyện sẽ hỗ trợ trang bị cồng chiêng cho 7 thôn của 3 xã vùng cao (trừ thôn Trà Sơn, xã Sông Trà) và Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức, với kinh phí 50 triệu đồng/bộ; hỗ trợ mua sắm trang phục múa cồng chiêng 60 triệu đồng/CLB; hỗ trợ người dạy cồng chiêng cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức 20 triệu đồng/năm; hỗ trợ mỗi CLB dân ca, đua thuyền 5 triệu đồng/năm; mỗi CLB tuồng, hát ru 10 triệu đồng/năm; hỗ trợ 50% kinh phí đóng mới thuyền đua để khôi phục hoạt động đua thuyền truyền thống...

Ông Nguyễn Phước Niên - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Hiệp Đức cho biết, đến nay cả 8 thôn của 3 xã vùng cao có nhà sinh hoạt cộng đồng, trong đó 7 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng theo mô hình nhà làng truyền thống.

Huyện đã trang bị cồng chiêng cho 3 xã vùng cao và thành lập CLB múa cồng chiêng ở các xã Phước Gia và Sông Trà. Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức đã tổ chức tốt việc dạy múa cồng chiêng cho học sinh, 100% học sinh của trường sau khi tốt nghiệp THCS đều biết múa cồng chiêng, trong đó có 70% học sinh múa thành thạo.

Trong khi đó, các xã vùng thấp đã phát huy truyền thống văn hóa phi vật thể vốn có của địa phương để dần khôi phục và phát triển, nhất là vận động những người có tâm huyết, có năng khiếu và yêu thích dân ca bài chòi, hát tuồng, đua thuyền để tập luyện, tham gia.

Đến nay, toàn huyện đã thành lập 4 CLB đàn hát dân ca, 1 CLB hát tuồng, 4 CLB đua thuyền; 7/7 trường đã thành lập được CLB hát dân ca bài chòi trong nhà trường, làm nòng cốt trong phong trào văn hóa văn nghệ của các trường học.

Giữ văn hóa từ con người

Trước khi trình đề án để HĐND huyện ban hành nghị quyết mới, UBND huyện Hiệp Đức đã có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 40. Trong đó, một trong những hạn chế được nhìn nhận đó là nguồn lực con người.

Hiện nay, các nghệ nhân nghệ thuật truyền thống còn ít, tuổi cao, nên khó khăn trong việc khôi phục, bảo tồn, nhất là nghệ thuật tuồng, văn học, nghệ thuật truyền thống dân tộc thiểu số.

Đây cũng là nỗi niềm của những người yêu thích văn hóa truyền thống như vợ chồng ông Hồ Văn Minh và bà Hồ Thị Hà (thôn Trà Va, xã Sông Trà). Nhiều năm qua, vợ chồng ông bà tích cực đóng góp trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Ca Dong.

Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống được huyện Hiệp Đức chú trọng đầu tư, hỗ trợ triển khai từ trong trường học. Ảnh: PV
Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống được huyện Hiệp Đức chú trọng đầu tư, hỗ trợ triển khai từ trong trường học. Ảnh: PV

Bà Hồ Thị Hà cho rằng, khi đời sống người dân ngày càng phát triển thì nhiều tập tục, văn hóa truyền thống của đồng bào có nguy cơ lai tạp, mai một. Những cá nhân am hiểu sâu sắc về văn hóa truyền thống ngày càng vơi dần; trong khi vốn quý văn hóa truyền thống của đồng bào thì không thể cảm thụ được trong vài ngày, mà là quá trình dài.

Còn theo ông Hồ Văn Minh, động lực để tiếp tục tâm huyết gìn giữ vốn quý truyền thống chính là sự đồng hành của huyện khi ban hành nhiều chủ trương liên quan lĩnh vực này. Đáng chú ý là chính sách hỗ trợ, phát huy văn hóa truyền thống trong trường học...

Tiếp nối kết quả của Nghị quyết 40, nội dung Nghị quyết 60 của HĐND huyện Hiệp Đức tiếp tục xác định chủ thể con người với hai giá trị chính gồm văn hóa vật thể và phi vật thể. Tổng nguồn kinh phí thực hiện Đề án khôi phục, bảo tồn và phát huy một số loại hình văn hóa trên địa bàn huyện từ năm 2023 - 2026 hơn 8,3 tỷ đồng.

Bên cạnh kinh phí để trang bị dụng cụ, trang phục, hỗ trợ đào tạo cho các thôn, trường học, CLB, huyện sẽ đầu tư xây dựng làng văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại thôn Trà Va, xã Sông Trà với kinh phí hơn 5 tỷ đồng.

TÂM ĐAN - MAI NHI