Phụ nữ Quảng Nam giữ gìn câu hát ru và trang phục truyền thống

ĐẶNG TRƯƠNG 20/10/2022 08:48

(QNO) - Người phụ nữ Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng bao đời nay không thể thiếu những làn điệu dân ca, hát ru và trang phục truyền thống trong các lễ hội lớn. Cho nên, Liên hoan hát ru, dân ca và trang phục truyền thống dân tộc do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức lần thứ 3 năm 2022 như cách giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của xứ Quảng. 

Trang phục của phụ nữ Cơ Tu tại Liên hoan hát ru, dân ca và trang phục truyền thống dân tộc tổ chức tại Tam Kỳ hồi tháng 8.2022
Trang phục của phụ nữ Cơ Tu tại Liên hoan hát ru, dân ca và trang phục truyền thống dân tộc tổ chức tại Tam Kỳ hồi tháng 8.2022

Ngày hội văn hóa

Phát biểu khai mạc Liên hoan hát ru, dân ca và trang phục truyền thống dân tộc toàn tỉnh lần thứ 3, được tổ chức tại TP.Tam Kỳ hồi đầu tháng 8/2022, bà Đặng Thị Lệ Thủy - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam, khẳng định: “Nhiều năm nay, bên cạnh việc lồng ghép hoạt động văn hóa - văn nghệ trong các câu lạc bộ, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn áo dài, trang phục truyền thống, trang phục ngành.

Đây là sân chơi ý nghĩa, bổ ích để chị em phụ nữ có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, phát hiện những hạt nhân của phong trào văn hóa - văn nghệ, nâng cao hiệu quả tuyên truyền của các cấp Hội phụ nữ, đưa nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp đi vào cuộc sống…”.

Qua ba lần tổ chức ở quy mô toàn tỉnh, liên hoan nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía các cấp Hội phụ nữ, sự hào hứng tham gia của chị em ở cơ sở và được đánh giá như những cuộc hội ngộ đầy màu sắc của giai điệu, lời ca và trang phục truyền thống.

Mỗi vùng miền xứ Quảng mang một làn điệu hát ru, hát lý, dân ca riêng, tạo nên sự đa dạng về thể loại, màu sắc trong âm nhạc truyền thống, được các tầng lớp nhân dân, trong đó đặc biệt là phụ nữ lưu truyền qua bao đời nay.

Tuy nhiên, trong thời đại phát triển mạnh các loại hình giải trí hiện đại, phong trào hát ru, hát dân ca có lúc bị mai một, lãng quên. Thế hệ trẻ, đặc biệt là những người mẹ trẻ với cuộc sống bận rộn dẫn đến việc truyền dạy những giá trị thẩm mỹ truyền thống tốt đẹp cho con trẻ không được thường xuyên và hiệu quả.

Chính vì thế, tổ chức Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn áo dài, trang phục truyền thống các dân tộc đất Quảng hằng năm có thể xem là việc làm hết sức thiết thực của Hội LHPN tỉnh, như làn gió mát lành để dưỡng nuôi sức sống cho các giá trị văn hóa - nghệ thuật truyền thống.

Một tiết mục hát ru tại liên hoan
Một tiết mục hát ru tại liên hoan

Có dịp tham gia hoạt động này của Hội LHPN tỉnh nhiều năm nay, chúng tôi nhận thấy rằng, đến với liên hoan, người xem không chỉ đơn thuần được thưởng thức những khúc hát ru có từ ngàn đời, mà còn được đắm chìm vào không gian, thời gian xưa cũ, vào những tình huống, bối cảnh qua từng kịch bản có kết cấu nội dung hoàn chỉnh, những tiểu phẩm dân ca, hát ru xúc động lòng người.

Từ đó, người xem có dịp tìm hiểu nhiều bài hát ru, hát dân ca, những nét đẹp truyền thống của dân tộc, để thêm yêu quý những thành quả sáng tạo nghệ thuật của các thế hệ đi trước và nhận thức được trách nhiệm cần gìn giữ những làn điệu âm nhạc độc đáo, những giá trị văn hóa truyền thống của quê xứ.

Gìn giữ "vốn quý" cho muôn đời sau

Bà Trần Thị Mỹ Phương - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nói: “Bản thân tôi lúc nhỏ cũng đã từng được nghe ông, bà mình hát ru, bây giờ nghe lại qua trình diễn của chị em phụ nữ rất xúc động, thấy nhung nhớ một thời đã xa…”.

Còn Nhạc sĩ Lê Xuân Bá - Hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh, nhiều năm được mời tham gia Ban giám khảo Liên hoan hát ru, hát dân ca nhìn nhận: “Liên hoan bao giờ cũng tạo nên bữa tiệc âm nhạc truyền thống. Với những tiết mục hát ru, dân ca từ miền đồng bằng, ven biển cho đến miền núi, tạo nên sự đa thanh và đa sắc, đậm đà hương vị xứ Quảng, nhân lên tình yêu tha thiết trong chị em phụ nữ cũng như người xem với vốn quý truyền thống quê hương…”.

“Thế hệ phụ nữ như chúng tôi, lớn lên từ lời ru của bà, của mẹ bên cánh nôi. Vì thế, được tham gia sân chơi này hằng năm do Hội LHPN tỉnh tổ chức là điều hết sức quý giá, vừa giúp ôn lại những lời ru câu hát vừa tạo nên sự gắn kết cần thiết giúp chị em chung tay gìn giữ và phát huy những giá trị thẩm mỹ tốt đẹp mà cha ông để lại…”.

 (Chị Nguyễn Thị Khánh Hà - Hội LHPN thị xã Điện Bàn)

Năm 2022, cùng với Liên hoan hát ru, hát dân ca, lần đầu tiên Hội LHPN tỉnh tổ chức phần thi trình diễn áo dài và trang phục truyền thống các dân tộc, trang phục ngành. Những màn trình diễn này làm nên ngày hội của sắc màu lung linh, chị em có dịp thăng hoa trong cái đẹp về dáng dấp, sự uyển chuyển, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam.

Đặc biệt, với các địa phương miền núi, dịp này, chị em đồng bào các dân tộc thiểu số đã mang đến nét đẹp đặc trưng riêng có nơi đại ngàn Trường Sơn bằng hoa văn, họa tiết của trang phục và trang sức. Dù vẫn quen với cái nương, cái rẫy, nhưng chị em đã biểu diễn khá duyên dáng trên sân khấu, toát lên sự tự tin cần có của người phụ nữ trong xã hội hiện đại.

Trang phục truyền thống làm nên nét duyên dáng của người phụ nữ Cơ Tu
Trang phục truyền thống làm nên nét duyên dáng của người phụ nữ Cơ Tu

“Với đồng bào Cơ Tu, tất cả trang phục, âm nhạc, đạo cụ trang sức…, đều gắn liền với đời sống sinh hoạt hằng ngày, với thiên nhiên đất trời. Do đó, đồng bào, nhất là chị em phụ nữ luôn ý thức gìn giữ, bảo vệ và tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống ấy. Mỗi dịp tham gia liên hoan là một lần chị em chúng tôi như được khoe sắc hương, được thăng hoa trong điệu lý ngàn đời của cha ông…”.

(Chị Lê Thị Huế - Hội LHPN huyện Tây Giang)


ĐẶNG TRƯƠNG