Nết ăn người Việt
(VHQN) - “Học ăn học nói…”, nhưng từ bữa ăn cũng có thể học. Với người Việt, chuyện học ấy vượt khỏi không gian nhỏ hẹp của một mâm cơm để dần dà làm nên lối ứng xử riêng, thậm chí hình thành phong tục cho cộng đồng…
Bị đắm tàu và được cứu ở Đàng Trong, nhiều người ngoại quốc chỉ cần học phát âm cho được một chữ - chữ “đói”, là… đủ no. Đi ngang qua nhà ai đó, họ kêu “đói”, tức “tôi đói”, thì người dân địa phương động lòng thương và cho rất nhiều thức ăn.
Cristophoro Borri kể câu chuyện này trong cuốn du ký “Xứ Đàng Trong năm 1621” và gọi đấy là đức tính quảng đại của người dân bình dị khi đối xử với người lạ.
Ngược lại, ông cũng nhận thấy người Đàng Trong sẽ tự coi là “nết rất xấu” nếu ai ăn món gì mà không chia sẻ, không bẻ cho mỗi người một miếng. Vị giáo sĩ người Ý còn mô tả tỉ mỉ về bữa cơm. Người ta ngồi trên đất, chân xếp lại, phía trước mặt là một bàn tròn cao ngang bụng, biết khéo léo dùng đũa…
Vài thế kỷ sau, A.Pazzi, một người Ý khác (tạm gọi như thế) lại nhìn thấy ở người Việt óc thiết thực liên quan đến chuyện ăn uống. Tạm gọi, vì ai cũng biết người Ý ấy chính là Vũ Hạnh, một nhà văn gốc Quảng.
“Tác giả” A.Pazzi trong cuốn “Người Việt cao quý” đã đặt 2 câu tục ngữ sát cạnh nhau, “Khôn ăn cái, dại ăn nước” và “Ăn lấy đặc, mặc lấy bền”, để thấu triệt “tinh thần thiết thực trong cách ăn uống thường ngày của họ”. Khác với Cristophoro Borri dường như chỉ muốn lướt qua phần “hình thức”, mâm cơm người Việt trong góc nhìn của A.Pazzi (tức Vũ Hạnh) muốn đào xới kỹ hơn vào “nội dung”.
Mô tả của Cristophoro Borri về những chiếc mâm “được khắc vẽ chạm trổ tỉ mỉ, riềm bịt bạc hay vàng tùy theo gia thế” ở Đàng Trong hồi đầu thế kỷ 17 khiến tôi nhớ đến những ghi chép tương tự trong sách “Ô châu cận lục” do tiến sĩ Dương Văn An biên soạn sớm hơn, từ giữa thế kỷ 16, khi ông nhắc về phong tục “hậu nhiều, bạc ít” ở huyện Điện Bàn: “Phân biệt sang hèn, chén bát không vẽ rồng thì phượng”.
Nhưng rồi, khi xem lại bức ảnh tư liệu mà một người quen vừa chia sẻ về nhóm người Việt ngồi ngay ngắn bên mâm cơm (chắc quãng thế kỷ 18-19 nếu căn cứ trang phục), tôi lại thấy thiếu vắng những trau chuốt bên ngoài. Bữa cơm người Việt dân dã hơn, đầm ấm hơn nhưng cũng nghiêm cẩn hơn, thậm chí có hẳn một “luật ăn cơm” với 50 phép tắc bên mâm cơm Việt.
Một câu hỏi bật ra: Bậc trưởng thượng đã nói gì với đám con cháu trong mỗi bữa cơm như thế?
Biết bao nhiêu bài học quanh mâm cơm được tiền nhân gói ghém trong những câu thành ngữ, tục ngữ cô đọng. Những gì được kể lại bởi cuốn “Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ” (Viện Ngôn ngữ học Việt Nam – 2005) đã phải chọn lựa rất kỹ, bởi chỉ giải nghĩa hơn 300 thành ngữ, tục ngữ. Nhưng chỉ với 8 chữ này thôi, “học ăn học nói, học gói học mở”, đã đủ vạch một lối đi dài cho con cháu lần bước vào đời.
Những “lời dạy điển hình của tiền nhân” mà nhà bác học Lê Quý Đôn xếp ở phần đầu quyển 1 bộ “Kiến văn tiểu lục” khiến kẻ hậu sinh này ngờ rằng chính cụ đã từng nhiều lần dạy bảo con cháu quanh mâm cơm. Hãy nghe cụ Lê Quý Đôn trích lục trong phần “Châm cảnh” (khuyên răn): “Hạng người chỉ biết ăn cho sướng mồm, no bụng, (thì) bậc thần tiên coi là hạng ăn thối nuốt tanh” (Sđd, NXB Trẻ 2013, trang 22-23).
Nhiều bậc danh sĩ khác cũng viết sách gia huấn để lại cho con cháu, thấy thấp thoáng tia nhìn hiền từ và giọng điệu nghiêm khắc trong mỗi bữa ăn. Cứ thế, quanh mâm cơm người Việt không chỉ có mỗi chuyện ăn cho no. Mà ăn có quan sát, ăn có ý tứ, biết coi nồi coi hướng.
Từ mâm cơm nâng lên thành nếp nhà, thành phong tục. Người Việt dồn hết nỗi nhớ nhung, nỗi khát khao được gần gũi cho bữa ăn cuối năm. Háo hức quay về với bữa cơm đoàn tụ, đủ hình dung từ lúc rời đi những đứa con đã quyến luyến đến chừng nào quanh một chỗ ngồi nơi nhà cũ…
Đừng tưởng thế giới hiện đại “coi nhẹ” chuyện ăn uống. Hai tác giả người Mỹ, Keith Ferrazzi và Tahl Raz, mượn cả chuyện ăn uống để “giật tít” cho tác phẩm best-seller “Đừng bao giờ đi ăn một mình” (Never eat alone), dù sách viết về mạng lưới kinh doanh, về những bí mật dẫn đến thành công... Ở phương Đông, trong nết ăn người Việt, “bí mật” ấy không hẳn cứ phải dẫn-đến-thành-công, nhưng nhất thiết phải “phải đạo”.