Thị xã Điện Bàn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 420 năm Dinh trấn Thanh Chiêm
(QNO) - Tối 21.9, Thị ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Điện Bàn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 420 năm Dinh trấn Thanh Chiêm (1602 - 2022). Tham dự lễ có các đồng chí: Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Xuân Vinh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.
Từ nhận định chiến lược “đây là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”, năm 1602, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho lập dinh Thanh Chiêm bên bờ bắc sông Chợ Củi, tục gọi là Dinh Chiêm (Dinh Chàm, Cacium...) giao cho công tử Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ.
Năm 1604, Nguyễn Hoàng cho lập phủ Điện Bàn tách ra từ đất phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa lệ thuộc xứ Quảng Nam. Phủ Điện Bàn sáp nhập 3 phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn để thành lập Dinh Quảng Nam (phủ Điện Bàn quản 5 huyện gồm Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu), biến Quảng Nam từ vùng đất trù phú “ngoài biên ải” trở thành trung tâm chính trị, kinh tế lớn - một kinh đô thứ hai ở Đàng Trong (sau thủ phủ Phú Xuân).
Trong hai thế kỷ 17 - 18, Dinh trấn Thanh Chiêm đóng vai trò, vị trí nổi bật, là nơi các vị hoàng tử “tập dượt” cách trị vì đất nước trước khi kế nhiệm ngôi Chúa. Trở thành “hậu cứ” vững chắc để các Chúa Nguyễn đối phó với Đàng Ngoài và các thế lực thù địch, đồng thời là “bàn đạp” để hoàn thành công cuộc Nam tiến, mở mang bờ cõi cho dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, từ năm 1615, Dinh trấn Quảng Nam đã có “cơ duyên” để các nhà truyền giáo phương Tây đến Hội An, Thanh Chiêm mở đầu cho công cuộc truyền bá đạo Kitô. Tại đây, các giáo sĩ như Francisco de Pina, Alecxandre de Rhodes, Antonio de Fontes… đã nghiên cứu, sáng tạo và hình thành chữ Quốc ngữ. Lịch sử đã ghi nhận sự ra đời của “trường dạy” chữ Quốc ngữ đầu tiên tại Thanh Chiêm cũng như sự “cộng tác” đắc lực của người dân Thanh Chiêm và tiếng nói của người Quảng Nam trong quá trình ký âm mẫu tự La tinh thành tiếng Việt.
Trải qua thăng trầm lịch sử và sự tàn phá của thời gian, thiên tai, mặc dù vết tích lưu lại không nhiều, tuy nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa của Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ vẫn luôn được thế hệ ngày nay khẳng định và tôn vinh.
Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, kể từ năm 2000 đến nay, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, khảo cứu, khảo cổ… được triển khai. Qua đó, càng khẳng định vững chắc vai trò, vị trí, giá trị văn hóa, lịch sử của di tích Dinh trấn Thanh Chiêm trong tiến trình phát triển của dân tộc.
Hiện tại, thị xã Điện Bàn đã quy hoạch một không gian trong khu vực được ghi nhận là Dinh trấn xưa, bước đầu triển khai những nội dung lộ trình cụ thể để bảo tồn, phát huy giá trị di tích Dinh trấn và chữ Quốc ngữ. Ngoài ra, cũng đã đánh dấu khoanh vùng tọa độ theo bản đồ hiện trạng 10 dấu tích Dinh trấn để đưa vào bảo vệ cục bộ, từng bước xây dựng các hồ sơ di tích trình các cấp ngành liên quan công nhận, tôn tạo, bảo vệ.
“Với vị trí thuận lợi của Thanh Chiêm (Điện Phương), trên tuyến giao thông quốc lộ 1, gần sông Thu Bồn và các làng nghề truyền thống nên định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di tích Dinh trấn Thanh Chiêm sẽ gắn liền với phát triển du lịch của thị xã, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian đến” - ông Trần Úc nói.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh, Lễ kỷ niệm 420 năm Dinh trấn Thanh Chiêm là sự kiện lịch sử hết sức ý nghĩa nhằm tiếp tục khẳng định và tôn vinh các giá trị nổi bật của Dinh trấn; đồng thời cũng là sự kiện văn hóa đặc trưng trong chuỗi các hoạt động của Năm du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”.
Đây cũng là cơ hội quý báu để các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc hơn công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương Điện Bàn giàu đẹp, văn minh; góp phần hiện thực hóa khát vọng và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường trong một tương lai không xa.