Phát triển lễ hội dân gian theo hướng du lịch
(VHQN) - Thật thú vị khi Hội An và Nagasaki có chung lễ hội được tái hiện và duy trì cho đến ngày nay: lễ rước công nữ Ngọc Hoa.
Nhật Bản và nỗ lực gìn giữ lễ hội
Nhật Bản là một trong những quốc gia điển hình ở châu Á có sự quan tâm sâu sắc đến sự tồn tại của các lễ hội cộng đồng. Từ năm 1950, Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành “Luật Bảo vệ di sản văn hóa”; trong đó bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Đối với việc bảo tồn lễ hội, Nhật Bản chủ trương bảo toàn nguyên vẹn giá trị gốc (authenticity) của loại hình di sản văn hóa này.
Cùng với sự biến chuyển không ngừng của thời đại, lễ hội ở Nhật Bản cũng có nhiều thay đổi. Ngoài các lễ hội cung đình liên quan trực tiếp đến hoàng gia là vẫn giữ nguyên giá trị gốc, phần lớn các địa phương có sự thay đổi về mặt hình thức phục vụ cho khía cạnh xã hội.
Phần lễ được tổ chức ngắn gọn tại đền thờ Thần đạo và do các tu sĩ Thần đạo thực hiện. Trong khi đó, phần hội thường chiếm từ 70% đến 80% thời gian lễ hội, diễn ra ngay trên đường phố với những chiếc kiệu rước thần Mikoshi, Hoko hay Dashi được trang hoàng lộng lẫy.
Nếu như trước đây, những chiếc kiệu rước thần là hình ảnh mang đến sự tôn nghiêm thì ngày nay, Mikoshi và Dashi là hình ảnh thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng và truyền bá cho hoạt động du lịch của nơi diễn ra lễ hội.
Đến với một lễ hội cộng đồng ở Nhật Bản, mỗi lứa tuổi đều có thể tìm thấy niềm vui và sự hứng khởi của mình. Đối với trẻ em, lễ hội là dịp để các em vui chơi thỏa thích. Theo đó, việc tham gia lễ hội hàng năm sẽ trở thành thói quen.
Đối với thanh niên trong độ tuổi từ 20 đến 30, việc tham gia một lễ hội là dịp để giao lưu cũng như tăng thêm các mối quan hệ cộng đồng và xã hội. Đối với người trung niên và người già, lễ hội là công cụ hiệu quả trong việc giáo dục con cháu về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Do đó, họ cảm thấy có trách nhiệm thực hiện điều tương tự với thế hệ kế cận. Hơn nữa, việc tham gia lễ hội còn giúp họ hồi tưởng quá khứ cũng như nhìn thấy được sự đổi thay và phát triển của đất nước...
Điểm nhấn lễ rước công nữ Ngọc Hoa
Quảng Nam là vùng đất lưu giữ nhiều di sản. Khu đền tháp Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An… là những di sản văn hóa có được từ sự cọ xát, giao lưu tiếp biến của nhiều nền văn hóa ngoại lai trên tầng văn hóa bản địa qua các thời kỳ, từ người Bàu Dũ của thời kỳ đồ đá cũ đến người Sa Huỳnh của thời đại kim khí, người Chăm của văn hóa Chămpa, cho đến văn hóa Trung Hoa và văn hóa Nhật Bản.
Về mặt vị trí địa lý, Quảng Nam có nhiều thuận lợi trong việc đón nhận những luồng dịch chuyển văn hóa mạnh mẽ từ bên ngoài cũng như trở thành một trạm trung chuyển giữa các di sản văn hóa thế giới (Huế, Hội An, Mỹ Sơn).
Quảng Nam cũng có nhiều lễ hội giá trị đang được tổ chức như Lễ hội rước Cộ Bà chợ Được, Lễ Cầu bông, Lễ Mục đồng, Lễ hội Cầu ngư, Lễ giỗ tổ nghề mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, đồng Phước Kiều...
Trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa, vốn là một cảng thị nên phố cổ Hội An đã có sự giao lưu rất sớm với Nhật Bản từ thế kỷ 17 mà dấu ấn là Châu Ấn thuyền thời Mạc phủ Tokugawa. Thậm chí lịch sử bang giao hai nước cũng đã có một mối lương duyên tốt đẹp giữa thương nhân Sotaro Araki và công nữ Ngọc Hoa, con gái nuôi của chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
Thật thú vị vì cho đến tận ngày nay, tại thành phố Nagasaki, màn trình diễn tái hiện quang cảnh người dân Nagasaki chào đón công nữ Ngọc Hoa về quê chồng là một trong những nội dung của lễ hội Nagasaki-Kunchi được tổ chức vào các ngày 7, 8, 9 tháng 10.
Đồng thời tại Hội An, từ năm 2016 cho đến nay, hoạt cảnh đám cưới của công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Sotaro Araki được tái hiện trong khuôn khổ sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản, là một điểm nhấn minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai cảng thị Hội An và Nagasaki trong suốt 400 năm qua.
Kể từ lần đầu tiên sự kiện giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản được tổ chức vào năm 2003 cho đến nay, mặc dù có hai năm 2020, 2021 bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19 nhưng sức hút vẫn không suy giảm.
Đây không chỉ là một sự kiện thường niên nhằm củng cố mối quan hệ thân thiết và tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước mà còn là cơ hội quảng bá di sản văn hóa của Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung đến với du khách Nhật Bản.