Di sản thế giới trong vòng xoáy thách thức
Dung hòa giữa bảo tồn với phát triển trong bối cảnh đối diện với hàng loạt thách thức hậu Covid-19 là bài toán khó đối với các di sản thế giới ở nước ta hiện nay.
Nhiều thách thức
Từ chỗ đón hơn 18 triệu lượt khách với tổng doanh thu bán vé tham quan, dịch vụ đạt khoảng 2.322 tỷ đồng (năm 2019), 8 khu di sản thế giới ở Việt Nam rơi vào cảnh đìu hiu trong hai năm 2020 và 2021 bởi tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và chỉ khởi sắc bước đầu trong năm 2022.
Theo bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa xã hội (Văn phòng UNESCO tại Hà Nội), đại dịch Covid-19 đã dần trôi qua nhưng hệ thống di sản thế giới ở nước ta vẫn đứng trước 2 thách thức là dung hòa giữa bảo tồn với phát triển và biến đổi khí hậu.
“Hiệu ứng lò xo trong các hoạt động du lịch, tham quan, khai thác dịch vụ hậu đại dịch Covid-19 sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho di sản. Trong khi đó, nguồn lực tái thiết, nguồn nhân lực, khả năng thích nghi và các biện pháp ứng phó sau thời gian dài hạn chế mở cửa vẫn là dấu hỏi lớn đối với các khu di sản” - bà Hường nói.
Chiều 14.9, tại TP.Hội An diễn ra hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị các khu di sản thế giới tại Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19 và quản lý di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới ở Việt Nam. Hội thảo nhân kỷ niệm 50 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Tại Việt Nam, hiện có 8 khu di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới. Quảng Nam có 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Hiện nay, tất cả di sản thế giới ở Việt Nam đều đã có quy hoạch được phê duyệt. Dù vậy, một số quy hoạch như quần thể di tích cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Khu đền tháp Mỹ Sơn đã kết thúc vào năm 2020, đến nay đang tiếp tục xây dựng hoặc đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện.
Đối với Khu đền tháp Mỹ Sơn, trong giai đoạn 2008 - 2020 kinh phí đầu tư bảo tồn, trùng tu di tích từ ngân sách rất thấp, chủ yếu là các dự án tài trợ nước ngoài và chỉ đạt 15 - 20% so với quy hoạch được phê duyệt vào năm 2008.
Các khu di sản thế giới đóng góp rất lớn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả một khu vực mà nó tọa lạc, đồng thời cũng rất dễ bị tổn thương. Cơ chế để bảo vệ các di sản này vẫn chưa được hoàn thiện.
Ông Nguyễn Viết Cường - Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) cho hay, thực tế một số ban quản lý di sản thế giới ở nước ta còn thiếu các bộ phận chức năng đảm bảo thực thi nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới.
Các ban quản lý này là đơn vị sự nghiệp công lập, không có chức năng quản lý nhà nước nên không thể trực tiếp xử lý biện pháp hành chính để xử lý kịp thời các hành vi xâm hại với di sản.
Cần tiếp cận di sản ở góc độ “kinh tế học”
Theo PGS-TS.Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, từ góc nhìn kinh tế thị trường, di sản văn hóa được thừa nhận là “nguồn vốn” cả về vật chất lẫn tinh thần cho sự phát triển bền vững.
Đã là “nguồn vốn” thì cần có cách tiếp cận mới là “kinh tế học” di sản để tạo lập sự cân bằng giữa bào tồn và phát triển. Đã đến lúc tất cả khu di sản thế giới ở nước ta cần nghiên cứu nghiêm túc giới hạn chịu tải của môi trường và giới hạn chịu tải về du lịch làm cơ sở xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa với môi trường sinh thái - nhân văn của các khu di sản.
Thời gian qua, nguồn lực đầu tư kinh phí cho các di sản thế giới có xu hướng giảm dần vì nhiều lý do. Theo đánh giá của các đơn vị quản lý 8 khu di sản thế giới, kinh phí hiện tại cơ bản đảm bảo cho công tác quản lý và một phần hoạt động bảo tồn trong giai đoạn trung hạn. Tuy nhiên, về dài hạn các khu di sản này cần được hỗ trợ nhiều hơn để có thể hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Với không gian, giá trị đặc thù của các khu di sản thế giới thì rất cần các cơ chế đặc thù để phát huy tối đa giá trị của nó. Thực tế, Quảng Nam vẫn đang tích cực xây dựng cơ chế đặc thù bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Ông Quảng Văn Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, cần có một hành lang pháp lý vững chắc hơn nữa từ Trung ương đến cơ sở để điều tiết được các mối quan hệ nảy sinh giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển, đồng thời phù hợp với đặc thù của các khu di sản văn hóa thế giới.