Sản vật Quảng Nam qua văn thư ngoại giao Việt - Nhật

NGUYỄN VĂN THỊNH 12/09/2022 06:38

(VHQN) - Từ thế kỷ 17, sản vật Quảng Nam đã trở thành tặng phẩm trao đổi giữa chính quyền Đàng Trong và Nhật Bản.

Trầm hương được chế tác thành bộ sản phẩm lưu niệm. ảnh: X.H
Trầm hương được chế tác thành bộ sản phẩm lưu niệm. Ảnh: X.H

“Ngoại phiên thông thư” còn gọi “Ngoại phiên thư hàn” là tập thư từ ngoại giao giữa chính quyền Mạc phủ Tokugawa với chính quyền 12 quốc gia/vùng lãnh thổ qua các thời kỳ.

Tập văn thư này gồm 27 quyển, trong đó quyển 11-14 là tập “An Nam quốc thư”, gồm thư từ ngoại giao giữa Mạc phủ Tukugawa với chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài về vấn đề thương mại, quân sự, hay trao đổi việc bảo hộ công dân Nhật Bản giao thương ở Việt Nam.

Năm 1921, học giả người Quảng Nam là Lê Dư (hiệu Sở Cuồng, 1884 - 1967) đã giới thiệu nguyên văn 35 bức thư trong tổng số 56 bức thư trong tập “An Nam quốc thư” trên 2 số Nam Phong tạp chí (Hán văn) số 54, tháng 12.1921 và số 56, tháng 2.1922.

Đến năm 1958, trong Văn hóa Á châu số 3 (tháng 6) và số 4 (tháng 7), dịch giả Nông Sơn đã chuyển ngữ từ Hán văn sang tiếng Việt phần lời dẫn của Lê Dư và nội dung các văn thư trao đổi của Mạc phủ Tokugawa và chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.

Trong đó có 5 bức thư ghi chép các sản vật Đàng Trong gửi tặng Nhật Bản, gồm: Thư Nguyễn Hoàng gửi Đức Xuyên Gia Khang (Tokugawa Ieyasu) Nhật Bản năm 1601 (năm Khánh Trường thứ 6 Nhật Bản); Thư Nguyễn Hoàng gửi Đức Xuyên Gia Khang Nhật Bản năm 1605 (năm Khánh Trường thứ 10 Nhật Bản); Thư Nguyễn Hoàng gửi Bản Đa Thượng Dã Giới Chính Thuần (Honda Masazumi) năm 1605 (năm Khánh Trường thứ 10 Nhật Bản); Thư của Đại Đô thống nước An Nam gửi Trung Đảo Thị (Nakashimashi) Trà Ốc Tứ Lang Thứ Lang năm 1632 (năm Khoan Vĩnh thứ 9 Nhật Bản); Thư nước An Nam gửi Trung Đảo Thị (Nakashimashi) Trà Ốc Tứ Lang Thứ Lang năm 1635 (năm Khoan Vĩnh thứ 12 Nhật Bản). Nội dung các bức thư cho thấy các tặng vật được chính quyền Đàng Trong gửi đi gồm có kỳ nam, lụa, mật ong, gỗ lớn, gương, hương, sáp hương, hỏa hương (?), trầm hương, đoạn mùi, đại sam lĩnh, rượu.

Trong số các sản vật tặng phẩm thì kỳ nam (kỳ lam hương), trầm hương được gửi tặng số lượng nhiều. Quảng Nam, Đàng Trong được coi là xứ sở của kỳ nam, trầm hương, đây là hai sản vật nổi tiếng chất lượng và có giá trị thương mại cao được các thương gia nước ngoài ưa chuộng.

A.de Rhodes nhận xét về trầm hương rằng: “Ở khắp thế giới, chỉ có ở Đàng Trong là có thứ cây có danh tiếng gọi là trầm hương, gỗ rất thơm, dùng làm thuốc. Có tất cả ba loại: loại quý nhất là Camlamba hương thơm tuyệt diệu, có tác dụng bổ tim và chống hết các thứ nọc độc. Ở xứ này giá trầm như giá vàng”.

Về chất lượng và công dụng của kỳ nam, học giả Lê Quý Đôn đánh giá: “Kỳ nam hương xứ Quảng Nam là tốt nhất, Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai. Kỳ nam có thể chữa bệnh trúng phong, đàm suyễn, cấm khẩu trước mọi chứng, mài vào nước mà rỏ và đốt khói cho hơi hương vào mũi thì tỉnh lại ngay. Đau bụng đầy tức thì ngậm là khỏi ngay. Lại có thể trừ được tà khí uế khí...”.

Cùng với kỳ nam, trầm hương thì tơ lụa, đoạn mùi, đại sam lĩnh là mặt hàng thủ công nổi tiếng của Quảng Nam. Ở Đàng Trong, nông tang (nghề làm ruộng và nghề trồng dâu nuôi tằm) sớm phát triển và đạt đến trình độ kỹ thuật cao. Ngay từ năm 1553, trong tác phẩm “Ô châu cận lục” của Dương Văn An cho biết: Vườn làng Mạc Xuyên trồng nhiều hoa hồng, khung cửi Lang Châu (Mã Châu) dệt nhiều lụa trắng…

 Sự giàu có về tơ lụa ở Đàng Trong đã được giáo sĩ C.Borri ghi nhận: “Họ có vô vàn tơ lụa đến nỗi tiều phu, thợ thủ công cũng dùng vải rất tùy tiện... Họ trồng dâu trên những cánh đồng mênh mông như ta trồng gai dầu. Tằm ăn lá dâu sẽ nhả tơ rồi đem tơ đó đến dệt lụa.

Dâu cũng mộc như gai dầu, sau vài tháng, người ta thả tằm lên lá dâu cho chúng ăn thỏa thích để nhả tơ bọc kén. Lượng tơ tằm này phong phú đến nỗi không những đủ dùng cho người dân xứ Đàng Trong mà còn cung cấp cho cả Nhật Bản và đưa sang xứ của người Ai Lao, từ nơi đó được chuyển đi Tây Tạng, bởi vì thứ lụa này tuy không mỏng và mịn như lụa Trung Quốc nhưng lại bền hơn nhiều”.

 Một sản vật cũng rất phổ biến ở Quảng Nam đó là mật ong. Trong “Phủ biên tạp lục”, Lê Qúy Đôn có liệt kê mật ong cùng với các sản vật nổi tiếng ở Thăng Hoa, Điện Bàn như trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông, sáp, đường, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá muối, gỗ lạt.

Về gỗ, xứ Quảng nổi tiếng các loại gỗ như gỗ hoa lê, thai bài, hồng (sơn), giáng hương, lim, mun. C.Borri còn cho biết thêm: “Những ai từng tới đây đều không ngoa khi bảo rằng xứ này có thứ gỗ tốt nhất trần đời. Trong vô vàn thứ gỗ thì có hai loại thường được dùng trong xây dựng, và chúng chắc bền tới mức ngâm nước cũng không hề hấn gì cho nên người ta cũng dùng làm mỏ neo cho tàu thuyền. Một trong hai thứ gỗ này màu đen, nhưng không đen như gỗ mun, thứ còn lại màu đỏ, cả hai đều rất nhẵn và bóng, không cần dùng tới rìu để tách vỏ. Những cây này gọi là “tin” (gỗ lim)”.

Ở Đàng Trong, rượu là thức uống phổ biến. C.Borri đã cho biết rằng: “Đàng Trong không có nho, và thay vì uống rượu vang thì họ dùng rượu gạo chưng cất có mùi vị như “eau de vie”, và giống từ màu sắc, vị mạnh, tinh chất tới nồng độ.

Họ có nhiều rượu tới nỗi họ thường uống bao nhiêu tùy thích và họ say rượu như ta say vang vậy”. Hằng năm, chúa Nguyễn cho thu nạp rượu ở các phủ, huyện để lưu kho và làm tặng phẩm: “Xứ Quảng Nam, phủ Quảng Ngãi, huyện Mộ Hoa, xã Thanh Hảo hằng năm nộp rượu cho ty Lệnh sử 5 chĩnh”...

Có thể nói, “An Nam quốc thư” là tư liệu có giá trị không chỉ nghiên cứu về mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản mà còn góp phần làm sáng tỏ, khẳng định giá trị, vị thế của sản vật Quảng Nam trong các thế kỷ 17 - 18.

NGUYỄN VĂN THỊNH