Tấm bia chữ Sanskrit sớm nhất tại Quảng Nam
Ra đời trong bối cảnh phản kháng sự đô hộ của Trung Hoa, nước Lâm Ấp đã hướng về một nền văn minh khác Trung Hoa để tìm nguồn động lực xây dựng đất nước. Hai yếu tố căn bản là tư tưởng - tín ngưỡng và chữ viết.
Tiếp thu tư tưởng Ấn Độ
Về tư tưởng - tín ngưỡng, Lâm Ấp đã tiếp thu đạo Bà la môn (Brahmanism) của Ấn Độ, thờ hệ thống thần linh khác với tín ngưỡng của Trung Hoa. Các nhà chép sử Trung Hoa gọi các đền tháp thờ thần linh Bà la môn của Lâm Ấp là “đền thần, tháp quỷ”; gọi các vị thần của đạo Bà la môn là “Hồ thần”, các vị thần từ xứ “Hồ”, tức là vùng phía tây của Trung Hoa.
“Thủy Kinh Chú” cho biết, năm 446, Đàn Hòa Chi tấn công Lâm Ấp ở vịnh Bành Long (vịnh Đà Nẵng ngày nay), đã cho quân đổ bộ lên “quỷ tháp”: Nguyên Gia nhị thập tam niên, Giao Châu Thứ sử Đàn Hòa Chi phá Khu Túc dĩ, phi tinh cái hải, tương chỉ Điển Xung, vu Bành Long loan, thướng quỷ tháp, dữ Lâm Ấp đại chiến).
Dịch nghĩa: Niên hiệu Nguyên Gia năm thứ 23 (năm 446), Thứ Sử Giao Châu Đàn Hòa Chi đánh phá Khu Túc, cờ bay rợp biển, hướng đến Điển Xung, vào vịnh Bành Long, lên tháp quỷ, đánh nhau to với người Lâm Ấp.
Ở đoạn miêu tả kinh đô Điển Xung của Lâm Ấp (vùng Trà Kiệu - Triền Tranh bên sông Thu Bồn), “Thủy Kinh Chú” cũng nhắc đến “đền thần, tháp quỷ”: “Nhà có hơn 50 khu, thành dãy dài liên tiếp, nhà cửa nối tiếp nhau. Đền thần, tháp quỷ lớn nhỏ tam ngôi, trên đài cao có tạ tầng, hình giống như chùa thờ Phật”.
Đội quân của Đàn Hòa Chi đánh vào Lâm Ấp đã cướp bóc, phá hủy các tượng thờ, trong đó có những tượng thờ thần bằng vàng, bị nấu chảy để mang đi. Cuốn “Nam Tề Thư”, do Tiêu Tử Hiển 蕭子顯 biên soạn năm 537, chép rằng về sau Đàn Hòa Chi đã bị bệnh chết và cho rằng do “Hồ thần” ám hại.
(Hòa Chi tiến binh phá kỳ bắc giới, khuyển nhung Khu Túc thành, hoạch kim bảo vô toán, hủy kỳ kim nhân, đắc hoàng kim số vạn cân, dư vật xưng thị. Hòa Chi hậu bệnh tử, kiến Hồ thần vi túy. Dịch nghĩa: Hòa Chi tiến binh, vượt biên giới phía bắc (của Lâm Ấp), cướp phá thành Khu Túc, thu vô số đồ quý bằng vàng, phá hủy tượng người bằng vàng, được mấy vạn cân vàng ròng và nhiều vật khác. Về sau, Hòa Chi bi bệnh chết, (mơ) thấy thần “Hồ” ám hại).
Văn khắc Đông Yên Châu
Cùng với việc tiếp thu tư tưởng - tín ngưỡng Bà la môn, Lâm Ấp cũng sử dụng loại chữ Phạn có nguồn gốc Ấn Độ trong giao dịch ngoại giao và văn khắc. “Tấn Thư”, do Phòng Huyền Linh 房玄齡 biên soạn giữa thế kỷ 7, chép việc vua Phạm Văn của Lâm Ấp (thế kỷ 4) “Cử sứ dâng biểu vào cống vua (nhà Tấn), viết toàn bằng chữ Hồ”. (Khiển sử thông biểu nhập cống, kỳ thư giai Hồ tự).
Cũng vào thế kỷ 4, ở địa bàn Quảng Nam đã có một văn khắc trên đá, dùng kiểu chữ Ấn Độ cổ, được giới nghiên cứu phát hiện ở châu Đông Yên, Duy Xuyên, gọi là Văn khắc Đông Yên Châu. Văn khắc gồm 3 dòng chữ khắc trên một phiến đá, được ông R. P. Lalanne, tu sĩ ở nhà thờ Trà Kiệu, tìm thấy vào năm 1935, cách khoảng 1km về phía tây của Trà Kiệu.
Phiến đá nằm trên một gò đất thấp, cạnh một dòng suối nhỏ, khô nước vào mùa hè, người địa phương gọi là “Suối tre xứ”. Trong phạm vi cách phiến đá 25 đến 40m còn tìm thấy một linga, một chóp tháp hình bát giác và những mảnh đổ nát của một ngôi tháp gạch.
Văn khắc Đông Yên Châu không chỉ có tiếng Sanskrit mà còn ghi cả tiếng Chăm cổ. Trong bài báo công bố năm 1939, Geogre Coedes nhận định đây là một văn khắc cổ nhất ghi tiếng Chăm, niên đại khoảng thế kỷ 4.
Văn khắc được phiên âm như sau: siddham° ni yaṅ nāga puñ putauv ya urāṅ spüy di ko (Cầu thành tựu! Thành kính Thần Xà Vương. Những ai đối xử dịu dàng); kurun ko jmāy labuḥ nari svarggaḥ ya urāṅ paribhū di ko (sẽ nhận được châu báu trời rơi xuống. Những kẻ xúc phạm); kurun saribū tkūn ko davam di naraka dṅan tijuḥ kulo ko (bị đày địa ngục ngàn năm cả bảy dòng họ).
Trong 3 dòng văn khắc, những từ có nguồn gốc Sanskrit: siddham (thành tựu), nāga (rắn), svarggaḥ (cõi trời), paribhū (xúc phạm), naraka (địa ngục), kulo (gia đình). Bên cạnh đó là những từ có thể tìm thấy trong tiếng Chăm hoặc tiếng Mã lai (hệ ngôn ngữ Nam Đảo), có thể xem là tiếng Chăm cổ: ni (này, đây), yaṅ (thần), putauv (vua), urāṅ (người), spüy (dịu dàng), jmāy (châu báu), labuḥ (rơi) saribū (ngàn), tkūn (năm), tijuḥ (bảy).
G. Coedes phỏng đoán Văn khắc Đông Yên Châu nhằm thờ một vị thần bảo hộ nguồn nước và những dấu vết gạch đổ nát gần đó có thể là của ngôi đền thờ thần Naga, như là thần của nguồn nước thiêng.