Bảo tồn tiếng nói, chữ viết đồng bào dân tộc thiểu số

ĐĂNG NGUYÊN 30/08/2022 13:49

Tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ mai một và biến dạng. Từ thực trạng đó, nhiều năm qua, các địa phương, đơn vị đã có nhiều việc làm cụ thể nhằm hạn chế tối đa việc “lai tạp” ngôn ngữ, góp phần bảo tồn văn hóa cộng đồng vùng cao.

Đưa chương trình tiếng DTTS vào giảng dạy được xem là một trong các giải pháp nâng cao hiểu biết về tiếng nói, chữ viết cho đồng bào địa phương. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Đưa chương trình tiếng DTTS vào giảng dạy được xem là một trong các giải pháp nâng cao hiểu biết về tiếng nói, chữ viết cho đồng bào địa phương. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

"Ngôn ngữ suy yếu"

Sau rất nhiều cuộc khảo sát của Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam về tình hình sử dụng tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn Quảng Nam, các chuyên gia đánh giá, ngôn ngữ của đồng bào đang “dần suy yếu” và “bị đe dọa nghiêm trọng”.

Đây là hệ quả sau quá trình giao thoa văn hóa lâu dài, cũng như việc bảo tồn ngôn ngữ trong cộng đồng DTTS chưa được chú trọng khiến giá trị văn hóa đặc trưng, cụ thể là tiếng nói và chữ viết đang dần bị mai một, thậm chí có nguy cơ biến dạng theo xu hướng pha trộn “phổ thông hóa”.

Theo PGS-TS.Tạ Văn Thông (Viện Từ điển học và bách khoa toàn thư Việt Nam) - chủ nhiệm đề tài khoa học “Khảo sát tình hình sử dụng tiếng Co ở Quảng Nam - Nghiên cứu biên soạn từ điển Việt - Co, Co - Việt” vừa được nghiệm thu, qua các cuộc điền dã thực tế, thu thập tài liệu nghiên cứu và đối chiếu với cách phân loại của các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ các DTTS, nhóm chuyên gia xếp tiếng Co ở nhóm mức thứ 4 - “ngôn ngữ suy yếu” hay “ngôn ngữ đang bị đe dọa nghiêm trọng”.

Đây là ngôn ngữ có từ vài nghìn đến chục nghìn người sử dụng, phần lớn là người già, cư trú tương đối tản mạn và thường xen kẽ với các dân tộc khác. Ngoài ra, không có nhiều trẻ em học tiếng mẹ đẻ, có xu hướng dễ bị “hòa” tự nhiên vào các ngôn ngữ có vị thế cao hơn.

Các địa phương miền núi đang nỗ lực tìm cách bảo tồn và phát triển tiếng mẹ đẻ cho học sinh. TRONG ẢNH: Các thiếu nữ đồng bào Co ở Bắc Trà My. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Các địa phương miền núi đang nỗ lực tìm cách bảo tồn và phát triển tiếng mẹ đẻ cho học sinh. TRONG ẢNH: Các thiếu nữ đồng bào Co ở Bắc Trà My. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Tại Quảng Nam, tiếng Co chưa được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường, mà chỉ được truyền lại theo hình thức khẩu ngữ tự nhiên trong cộng đồng.

Trong khi đó, tiếng Co có xu hướng dùng giảm dần ở các thế hệ, trong đó thế hệ trẻ đang có xu hướng “ưu tiên” tiếng Việt và các ngoại ngữ, mà ít sử dụng hoặc không thành thạo tiếng mẹ đẻ. Điều đó dẫn đến tình trạng tiếng Co dần bị sai lệch, thậm chí rất ít được sử dụng trong đời sống cộng đồng.

“Qua nghiên cứu, các chuyên gia đánh giá, có thể xem đây là những dấu hiệu báo động về nguy cơ suy yếu. Nếu không có những biện pháp thực tế để bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, thậm chí trong tương lai tiếng Co có nguy cơ biến mất trong cộng đồng. Đó cũng là trăn trở của nhiều cán bộ đang công tác ở vùng có đồng bào Co sinh sống, đặc biệt là các trí thức người Co bản địa” - PGS-TS.Tạ Văn Thông nói.

Tìm cách bảo tồn

Từ thực trạng báo động về nguy cơ suy yếu hệ ngôn ngữ đồng bào DTTS, các chuyên gia cho rằng, cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá mức độ nguy cấp, từ đó có hướng bảo tồn và phát triển.

Một trong các phương án được đưa ra, là dạy học tiếng nói và chữ viết đồng bào DTTS theo hình thức song ngữ hoặc riêng biệt như một môn học bắt buộc. Ngoài ra, tiếng nói và chữ viết của đồng bào DTTS cũng cần được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Tiếng nói và chữ viết Cơ Tu đang được giảng dạy trong trường học tại Tây Giang. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Tiếng nói và chữ viết Cơ Tu đang được giảng dạy trong trường học tại Tây Giang. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Để trang bị kiến thức về bảo tồn tiếng nói và chữ viết đồng bào DTTS, năm 2021, tại Nam Giang, Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH-TT&DL) đã chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT&DL và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức lớp tập huấn về bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Cơ Tu.

Lớp tập huấn thu hút hơn 100 học viên tham gia, tìm hiểu các nội dung bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, thông qua phương pháp truyền dạy tiếng nói, chữ viết trong đồng bào Cơ Tu.

Trong đó, chú trọng đến vai trò của tiếng nói, chữ viết đối với bảo tồn văn hóa truyền thống; những tác động của ngôn ngữ trong đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội tại các địa phương miền núi hiện nay.

Nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm tiếng nói và chữ viết đồng bào Cơ Tu, năm 2017, ông Bh’riu Liếc - nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho ra mắt cuốn “Prá Cơ Tu”, phục vụ nhu cầu việc dạy học tiếng Cơ Tu cho cán bộ, nhân dân và học sinh địa phương.

Cuốn sách này sau đó được Sở GD-ĐT chọn làm tài liệu phục vụ giảng dạy, nghiên cứu cho giáo viên khi dạy ngôn ngữ Cơ Tu trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của đồng bào Cơ Tu trong đời sống cộng đồng.

Tuy nhiên, để triển khai giảng dạy tiếng nói và chữ viết Cơ Tu, trước hết phải đào tạo đội ngũ giáo viên có đủ khả năng đứng lớp, truyền đạt kiến thức đến với người học. Riêng đối với học sinh phổ thông, cần sử dụng phương pháp dạy song ngữ Cơ Tu - Việt và Việt - Cơ Tu, giúp các em nắm bắt đầy đủ kiến thức cần thiết.

Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, các công trình nghiên cứu, biên soạn từ điển về chữ viết, tiếng nói của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thời gian qua xuất phát từ nhu cầu thực tiễn về công tác bảo tồn bản sắc truyền thống.

Đây cũng là định hướng chung nhằm bảo lưu, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc trong đời sống cộng đồng DTTS hiện nay. Việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết của đồng bào không chỉ làm phong phú ngôn ngữ DTTS, mà còn mang ý nghĩa phát huy vai trò di sản ngôn ngữ đối với bản sắc văn hóa, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát triển tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng xã hội vùng đồng bào DTTS.

ĐĂNG NGUYÊN