Nhịp chiêng vọng giữa non ngàn
Một lễ hội của núi. Chủ đạo là cồng chiêng. Vang vọng khắp cánh rừng là âm sắc đại ngàn. Nơi vùng “cao sơn ngọc quế”, nhiều ngày qua hội tụ sắc màu truyền thống, như một dịp để cộng đồng các dân tộc huyện Bắc Trà My gần nhau hơn sau tháng ngày “co cụm” vì dịch bệnh.
Chúng tôi đang sống cùng không gian Lễ hội Văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My, chứng kiến đủ đầy câu chuyện và nghe văng vẳng bên tai thanh âm của núi vọng về.
Đã hơn 8 năm, kể từ khi Bắc Trà My đăng cai Lễ hội VH-TT các huyện miền núi của tỉnh vào năm 2014, nơi này lại được nghe nhịp chiêng trống và dòng người đổ về đông đúc.
Nói như ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, sẽ rất thiếu nếu không một lần đắm mình trong hương vị ẩm thực đặc trưng của núi và hòa trong âm vang chiêng cồng, cùng điệu múa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Và đây còn là cơ hội để du khách hòa quyện vào hương thơm ngạt ngào của Quế Trà My - loài cây đã làm nên thương hiệu và địa danh vùng đất “cao sơn ngọc quế”.
Về nghe giai điệu của rừng
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh, thời gian qua, Bắc Trà My đã có nhiều nỗ lực trong công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện. Đây là nền tảng vững chắc, là động lực quan trọng để địa phương phát triển nhanh, toàn diện, bền vững trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc thời gian đến. Lễ hội lần này không chỉ dừng lại ở hoạt động lễ hội cồng chiêng theo kế hoạch tỉnh giao mà còn mở rộng về quy mô thành lễ hội văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện với những chuỗi hoạt động đặc sắc, góp phần quảng bá, tạo điểm nhấn cho sự kiện Năm du lịch quốc gia.
Phố núi Trà My những ngày qua đón hàng nghìn lượt du khách đến từ các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Bà Nguyễn Thanh Hà - một người dân ở TP.Đà Nẵng nói với chúng tôi, dù đã nhiều lần đặt chân đến Trà My nhưng hễ lần nào địa phương này có lễ hội, bà cũng sắp xếp thời gian để tham gia.
Vì thế, suốt thời gian ở lại thị trấn Trà My, bà Hà gần như không bỏ sót chương trình lễ hội nào, từ trình diễn cồng chiêng, tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng, cho đến tham gia khu phố ẩm thực, tham dự sự kiện rước vật thiêng, mừng ngày hội mới.
“Lễ hội được tổ chức sau những ngày dịch bệnh kéo dài nên kích thích sự tò mò của du khách. Đến đây, không chỉ trải nghiệm không gian văn hóa của đồng bào, mà chúng tôi biết được thêm thông tin, ở địa phương này có rất nhiều thành phần dân tộc. Chính sự đa dạng đó đã góp phần làm nên giá trị văn hóa cộng đồng nhiều màu sắc, rất thú vị” - bà Hà chia sẻ.
Đêm khai mạc lễ hội diễn ra vào tối 22.8, mở màn cho các chương trình nghệ thuật, là hành trình rước vật thiêng của đồng bào huyện Bắc Trà My. Những cây nêu được di chuyển dọc tuyến đường từ trung tâm huyện, ngược xuống cầu sông Trường, rồi về quảng trường văn hóa trung tâm.
Phía sau là đoàn người, với sắc phục thổ cẩm lộng lẫy, múa reo theo vũ điệu truyền thống cộng đồng. Khi dòng người lắng lại, già làng hú lên một hồi, giục chiêng trống mừng vui.
“Hỡi pơlây dết, hỡi pơlây xi ngai, hỡi tamoi Ca Dong, Co, Xê Đăng, Mơ Nông… Pít tập trung lít à có, pít tô chít táp xí gân, pít ta mốp ri nhót, pít mừng pry Bắc Trà My pa róp lếp!”
(Hỡi bản gần, hỡi nóc xa, hỡi người Ca Dong, Co, Xê Đăng, Mơ nông… hãy cùng hội tụ về đây kết nối mối đại đoàn kết dân tộc; hãy cùng đánh cái chiêng, đánh cái trống lên, múa để mừng quê hương Bắc Trà My ngày càng giàu đẹp).
Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Trung tâm VH-TT &TT-TH huyện Bắc Trà My nói, với đồng bào dân tộc thiểu số, cây nêu có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh, được xem như điểm giao kết thông linh giữa các vị thần và thế giới con người, thể hiện lòng thành kính của cộng đồng, mang nguyện ước cầu xin thần linh ban cho cuộc sống yên bình và no đủ.
Hội vùng cao gắn kết
Những ngày ở núi, chúng tôi lại gặp những người bạn cũ. Họ nói, nhiều tháng qua, đồng bào chờ đợi lễ hội không khác gì mong ngày được mùa lúa chín. Là để có dịp sum họp, tăng thêm tình đoàn kết anh em bền chặt. Vẫn sắc phục Ca Dong thường thấy trong rất nhiều lễ hội, già Hồ Văn Dinh (thôn 6, xã Trà Bui) miệt mài cùng các học trò tập luyện chương trình biểu diễn cồng chiêng, phục vụ lễ hội.
Già Dinh bảo, ông còn khỏe nên không thể bỏ qua lễ hội cộng đồng. Vì thế, ông tham gia như để làm gương, khuyến khích cộng đồng cùng góp sức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống độc đáo.
Theo ông Thái Hoàng Vũ, địa phương có đến 27 thành phần dân tộc sinh sống, vì thế đã tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu với những giá trị văn hóa vừa phong phú, đa dạng vừa đặc sắc, độc đáo, mang đậm dấu ấn đất và người Bắc Trà My. Tính đa dạng và độc đáo ấy thể hiện ở những bộ trang phục, trang sức; những kho tàng văn học dân gian; những làn điệu dân ca; nghi lễ truyền thống.
“Từ bao đời nay, cộng đồng các dân tộc xem rừng là người mẹ, môi trường tự nhiên là lẽ sống, văn hóa là cội nguồn nên ra sức gìn giữ. Vì thế, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp đã và đang trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo, góp phần giảm nghèo, tạo sự phát triển bền vững xã hội tại địa phương” - ông Vũ nói.
Xuyên suốt thời gian diễn ra lễ hội, dưới mái nhà truyền thống cộng đồng đều luôn xuất hiện hình ảnh đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Như bản tình ca kết đoàn, chương trình nghệ thuật “Âm vang đại ngàn” trong đêm khai mạc đã tái hiện đủ đầy câu chuyện sinh động về tình anh em, cộng đồng.
Những vòng tròn kết nối bàn tay được xòe ra hệt như những sợi chỉ xếp đều trên chiếc váy thổ cẩm mà họ đang mặc trên người. Từ tinh thần gắn kết cộng đồng, người Co, Xê Đăng, Ca Dong… cùng nhau quyết tâm làm nên điều kỳ diệu mới: bảo lưu các giá trị bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, mở hướng thoát nghèo bền vững.