[eMagazine] - Gìn giữ mạch nguồn văn hóa Ca Dong
(QNO) – Trên khắp bản làng vùng cao Bắc Trà My, các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời gần như đều hiện diện trong sinh hoạt đời sống hằng ngày của đồng bào Ca Dong. Họ quý trọng và gìn giữ văn hóa truyền thống như lòng tôn kính dành cho thần linh, tổ tiên... Và những thế hệ cứ thế nối tiếp nhau gìn giữ, kế thừa, phát huy….
Với đồng bào Ca Dong, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống là tôn kính với trời, đất, thần linh và tổ tiên. Truyền thống ấy trở thành sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình và trong cộng đồng với nhau…
Ở Bắc Trà My nói chung và xã Trà Bui nói riêng, nếu tiếng trống, chiêng được ví như “linh hồn” của đời sống văn hóa tâm linh thì già làng Hồ Văn Dinh (thôn 3 xã Trà Bui) là một “kho tàng sống” về gìn giữ văn hóa Ca Dong. Gần nửa cuộc đời, già làng dành trọn cho việc răn dạy con cháu trong làng biết trân trọng, gìn giữ văn hóa truyền thống. Với ông, đó là cơ nghiệp tổ tiên, là trọng trách của một già làng.
Như mọi chàng trai, cô gái Ca Dong, già làng Hồ Văn Dinh lớn lên giữa đại ngàn. Tiếng trống, chiêng cùng những điệu múa của cha ông truyền lại dần ăn sâu vào tiềm thức... Và không biết từ bao giờ, những điều ấy trở thành một phần trong đời sống tinh thần của ông. Những năm tháng chiến tranh, tiếng súng kẻ thù phá vỡ không gian yên bình ấy. Thôn, nóc trơ trụi, trống, chiêng bị giặc Mỹ đập phá, dân làng li tán khắp nơi. Ông tham gia cách mạng, hăng hái chiến đấu giành lại bình yên cho quê hương... Đến 1975, đất thống nhất, ông cùng bà con mới trở về lập làng. Tiếng trống, chiêng lại rộn vang triền núi…
Đồng bào Ca Dong ở xã Trà Bui xưa nay luôn có ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống. Hầu như nhà nào cũng có trống, chiêng, phụ nữ đều biết dệt trang phục truyền thống. Họ dành một góc trang trọng trong nhà để trưng bày những vật quý này. Theo già làng Hồ Văn Dinh, người dân tự sắm trống, chiêng, trước tiên để cầu lễ cho gia đình, sau đó tham gia các ngày hội làng. Một bộ sẽ gồm 1 trống và 3 chiêng. Trống tượng trưng cho cụ, còn 3 chiêng tượng trưng cho 3 thành viên trong gia đình, gồm cha, mẹ và con.
“Vào hội, trong bộ trang phục truyền thống, nam đánh trống, chiêng còn nữ sẽ múa. Trống sẽ đánh trước, chiêng theo sau. Phụ nữ Ca Dong di chuyển theo vòng tròn, từng nhịp khoan thai. Giai điệu trống chiêng chuyển từ nhẹ nhàng sang thúc giục, rộn rã thì động tác múa các các cô gái cũng uyển chuyển theo. Trước đây múa cồng chiêng chỉ 2 điệu, sau này nâng lên thành 4 điệu. Từng điệu múa đều chứa sự tôn kính trời, thần linh, cầu mong cuộc sống no ấm. Đồng thời, múa cồng chiêng nói lên sự sung túc, yên ấm, sum họp, đoàn kết của gia đình, cộng đồng và khơi gợi cảm giác bồi hồi, mong ngóng...” – già làng Hồ Văn Dinh.
[Video] - Già làng Hồ Văn Dinh chia sẻ về nét độc đáo của văn hóa đồng bào ca Dong:
Trong trang phục truyền thống đồng bào Ca Dong, người phụ nữ đeo dây thắt lưng màu trắng thể hiện cho sự trẻ trung, phóng khoáng. Sa vát (vòng đẹp vùng thắt lưng) làm bằng đồng, tượng trưng cho sự cứng cáp. Người nhiều dây cườm thể hiện sự giàu có, sung túc. Riêng trong lễ mừng lúa mới, phụ nữ phải đeo dây cườm có hạt màu vàng, tượng trưng cho hạt thóc, hạt lúa. Và chỉ những người này mới được cột ché, giúp rượu được thơm, ngon hơn.
Chính sự am hiểu, tâm huyết với văn hóa Ca Dong và uy tín với bà con mà già làng Hồ Văn Dinh trở thành “hạt nhân” cùng chính quyền địa phương gìn giữ văn hóa truyền thống. Cả xã Trà Bui đã thành lập được 3 CLB cồng chiêng, gồm 1 CLB cấp xã và 2 CLB cấp thôn. Dù bà con thường xuyên bận bịu việc nhà, việc nương rẫy nhưng đều sắp xếp tham gia sinh hoạt mỗi tháng 1 lần. Trong những đợt sinh hoạt đó, gần như không vắng mặt già làng Hồ Văn Dinh...
Không chỉ thế hệ trẻ trong làng, ngay cả chúng tôi khi chứng kiến sự nhiệt tình của già Dinh thì cảm giác như thêm yêu cái văn hóa Ca Dong. Nhà già làng ở tận thôn 3, nằm bên kia dòng sông Tranh. Nhưng nghe thôn 2 có buổi tập múa cồng chiêng là già làng chèo ghe vượt sông đến dự. Gần 79 tuổi, già Dinh râu tóc bạc phơ, giọng nói vẫn sang sảng, đôi chân từng bước chắc khỏe, đôi tay vỗ trống dẫn nhịp. Con cháu trong làng nhìn theo, làm theo, đôi mắt không rời. Xong buổi tập luyện cùng CLB múa cồng chiêng thôn 2, già làng lại sang các CLB khác để hướng dẫn. Chẳng mấy chốc, cả 3 CLB trong xã có thể tham gia thi múa cồng chiêng với các đơn vị trên toàn huyện.
Chị Hồ Thị Diễm (ở thôn 4, xã Trà Bui) nói, bằng niềm tự hào với văn hóa Ca Dong, tiếp nối bản sắc mà thế hệ cha ông truyền dạy, thế hệ của chị luôn tìm cách gìn giữ, phát huy điệu múa cồng chiêng trong tương lai. CLB cồng chiêng thôn 4 sinh hoạt đều đặn vào ngày 15 hàng tháng, tham gia đầy đủ các ngày lễ, hội và những chương trình biểu diễn của xã, huyện… Và quan trọng nhất là sẽ tiếp tục gieo tình yêu văn hóa Ca Dong cho thế hệ kế cận.
Xã Trà Bui đang quyết tâm tiếp tục thành lập thêm 4 CLB ở các thôn còn lại trong năm 2023 để gìn giữ, phát huy bản sắc đồng bào ca Dong. Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui Hồ Văn Biên cho biết, lợi thế của xã là bà con các thôn rất tâm huyết, tự nguyện tham gia các hoạt động mà chẳng cần phải vận động. UBND xã thường xuyên tổ chức các chương trình thi múa cồng chiêng để các CLB tham gia, giao lưu, học hỏi và hoạt động bền vững hơn.
“Riêng trong những ngày này, bà con Ca Dong xã Trà Bui vô cùng háo hức, hăng say tập luyện để tham gia lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My. Không chỉ thi múa cồng chiêng giữa đồng bào Ca Dong trên địa bàn huyện, mà các CLB ở Trà Bui còn giao lưu với các đồng bào Co, Xê Đăng, Mơ Nông, Mường... đây là cơ hội để quảng bá nét văn hóa độc đáo đồng bào Ca Dong, lan tỏa niềm tự hào trong thế hệ trẻ, đồng thời nhận biết CLB mạnh, yếu chỗ nào để nỗ lực, phát huy hơn” – anh Biên nói.
[Video] - Điệu múa cồng chiêng của đồng bào ca Dong:
Nóc Xa Rơ (thôn 3, xã Trà Bui) là một trong những điểm đến đang được UBND Bắc Trà My chọn để phát triển du lịch cộng đồng.
Ông Hồ Văn Biên - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui cho rằng, định hướng của huyện rất phù hợp với cảnh quan, điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người Xa Rơ. Bởi nóc này hình thành lâu đời, kiến trúc nhà cửa đẹp mắt. Đồng bào Ca Dong nơi đây gìn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, thân thiện, mến khách và biết giữ rừng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên....
Gắn điều kiện tự nhiên sẵn có, văn hóa truyền thông với phát triển du lịch là định hướng lớn của huyện Bắc Trà My trong những năm đến. Điều này được cụ thể bằng 2 nghị quyết của HĐND huyện về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn Bắc Trà My giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết về phát triển du lịch trên địa bàn Bắc Trà My.
Bắc Trà My đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, địa phương hỗ trợ 50% thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trang bị trống, chiêng, trang phục, trang sức truyền thống... Định kỳ tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống cấp xã, cấp huyện luân phiên 2 năm/lần với các tục cưới hỏi, múa cồng chiêng, múa cà đáo, nghi lễ cầu mưa, nghi lễ dựng cây nêu, lễ cúng máng nước, lễ tết mùa, hát cheo của người Ca Dong...
Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Thái Hoàng Vũ nói, các điểm đến du lịch nằm trong quy hoạch sau khi được phê duyệt thì chính quyền địa phương sẽ tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách làm du lịch, phục vụ tốt nhất cho du khách. Mục tiêu là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương, tạo sức hút trong phát triển du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có ít nhất một sản phẩm đặc trưng địa phương phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng theo đề án “mỗi xã một sản phẩm”.
[Video] - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Thái Hoàng Vũ chia sẻ về định hướng gìn giữ văn hóa kết hợp du lịch: