Vào đầu công nguyên, dân cư ở vùng Quảng Nam ra sao?
Hiện không có nguồn tư liệu phim ảnh hay văn bia để biết về tình hình dân cư ở vùng Quảng Nam đầu công nguyên. Chỉ có thể suy đoán dựa vào các hiện vật khảo cổ và các ghi chép xa xôi trong sử sách Trung Hoa.
Dấu mốc lập Lâm Ấp
Về khảo cổ, ở Quảng Nam và Quảng Ngãi đã tìm thấy những khu mộ chum cùng với các công cụ sản xuất bằng sắt, những dọi xe sợi, đặc biệt là những đồ trang sức bằng thủy tinh, đá quý, những hạt mã não, trong đó có những loại có nguồn gốc Trung Hoa, Ấn Độ, niên đại được xác định khoảng 500 năm trước công nguyên (TCN) đến khoảng thế kỷ 1 sau công nguyên.
Qua đó có thể biết dân cư ở đây sinh sống bằng cả trồng trọt, khai thác lâm sản, thủy sản lẫn thủ công nghiệp và mua bán. Một số hiện vật quý hiếm tìm thấy trong các khu mộ táng thể hiện sự khác biệt về tích lũy của cải và sự xuất hiện tầng lớp thủ lĩnh tại các khu vực. Chính cuộc sống phát đạt nhất định của dân cư và nguồn tài nguyên dồi dào tại đây đã dẫn đến sự ham muốn khai thác, chiếm đoạt của các vua quan Trung Hoa.
Năm 111 TCN, nhà Hán (Trung Hoa) tiêu diệt nước Nam Việt của Triệu Đà, áp đặt chế độ đô hộ lên phần đất cũ của Nam Việt và mở rộng thêm về phía nam; lập thành 9 đơn vị quản lý cấp quận, trong đó có quận Giao Chỉ ở vùng Bắc Bộ Việt Nam ngày nay, quận Cửu Chân ở vùng Bắc Trung Bộ và quận Nhật Nam ở Trung Trung Bộ. Mỗi quận chia thành nhiều huyện.
Quận Nhật Nam có các huyện Tây Quyển, Tỷ Cảnh, Chu Ngô, Lô Dung, Tượng Lâm; trong đó địa bàn huyện Tượng Lâm ở xa nhất về phía nam, từ đèo Hải Vân đến khoảng đèo Cả. Theo số liệu ghi chép trong Tiền Hán Thư và Hậu Hán Thư, số hộ và số dân của quận Nhật Nam vào năm thứ 2 sau công nguyên là 15.460 hộ, 69.485 người; đến năm 140, số hộ là 18.263 và số dân là 100.678.
Nhà Hán đã tạo lập bộ máy quản lý xã hội có tính hệ thống, bổ nhiệm quan đến cấp huyện, dựng lỵ sở. Dưới cấp huyện là những thủ lĩnh người địa phương được cộng đồng tôn vinh theo tập tục.
Sự áp đặt về văn hóa và đặc biệt là sự áp bức để khai thác nguồn lực đã khiến dân cư địa phương phản kháng chính quyền đô hộ. Trong thế kỷ 2, những người địa phương ở quận Nhật Nam đã nhiều lần nổi lên phản kháng các quan lại cai trị và đều bị đàn áp.
Đến cuối đời Hán, khoảng năm 192, một cuộc nổi dậy dưới sự lãnh đạo của một “Khu Liên” tại huyện Tượng Lâm đã giành được thắng lợi. Họ đốt lỵ sở, giết huyện lệnh và tôn thủ lĩnh người địa phương lên làm vua. Bộ máy cai trị của nhà Hán đã không thể dập tắt cuộc nổi dậy và buộc phải thừa nhận sự ra đời của một “nước” tại Tượng Lâm, gọi là 林邑 (Lin-yi, Lâm Ấp).
Vài tư liệu trong sử, sách Tàu đã đề cập vấn đề này.
Hậu Hán Thư: 永和二年,日南,象林徼外蠻夷區憐等數千人攻象林縣,燒城寺, 殺長吏. Vĩnh Hòa nhị niên, Nhật Nam, Tượng Lâm kiếu ngoại man di Khu Liên đẳng số thiên nhân công Tượng Lâm huyện, thiêu thành tự, sát Trưởng lại. (Năm Vĩnh Hòa thứ 2 - năm 137 -, ngoài biên giới huyện Tượng Lâm của quận Nhật Nam, bọn man di Khu Liên, cả ngàn người, đánh huyện Tượng Lâm, đốt cháy thành, giết Trưởng lại).
Thủy Kinh Chú : 象林功曹姓區,有子名逵,攻其縣殺令,自號為王。值世亂離,林邑遂. Tượng Lâm Công Tào tính Khu, hữu tử danh Quỳ, công kỳ huyện sát lệnh, tự hiệu vi vương. Trị thế loạn ly, Lâm Ấp tùy lập. (Công Tào huyện Tượng Lâm họ Khu, có con tên Quỳ, đánh huyện, giết huyện lệnh, tự xưng là vua. Đang buổi loạn ly, Lâm Ấp lập theo).
Những cứ liệu khoa học
Các cuộc khai quật khảo cổ từ Quảng Nam cho đến Phú Yên đã phát hiện những mảnh ngói và hiện vật có nguồn gốc, hoặc kiểu dáng Trung Hoa thời kỳ đầu công nguyên, rất có khả năng đó là dấu vết của các lỵ sở của chính quyền đô hộ Trung Hoa tại huyện Tượng Lâm.
Ở lưu vực sông Thu Bồn đã tìm thấy các mảnh đồ gốm kiểu Hồ (Trung Hoa) và sành Đông Hán. Ở di tích Thành Hồ (Phú Yên) cũng tìm thấy đầu ngói ống hình mặt hề niên đại Lục Triều sớm (thế kỷ 3), tương tự những đầu ngói ống ở Trà Kiệu và Cổ Lũy (cửa sông Trà Khúc, Quảng Ngãi) là dấu vết của chính quyền Hán tại đây (xem sách: “Sa huỳnh - Lâm Ấp - Chămpa” của Lâm Thị Mỹ Dung, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2017; “Quảng Nam thời tiền sử và sơ sử” của Hồ Xuân Tịnh, Sở VHTT&DL Quảng Nam, 2015).
Riêng đối với khu vực Gò Cấm (Trà Kiệu), chuyên gia khảo cổ học Lâm Thị Mỹ Dung đã nhận định: “Lý do tại sao Gò Cấm lại chấm dứt sự tồn tại của mình và liệu có thể gắn việc kết thúc của Gò Cấm với biến cố nào đó trong lịch sử, chúng ta khó có thể có câu trả lời cụ thể, tuy nhiên cần lưu ý nguyên nhân kết thúc của Gò Cấm có liên quan mật thiết tới vụ hỏa hoạn lớn mà kết quả không những cả tòa nhà cháy rụi mà dấu vết cháy còn thấy ở những hạt gạo cháy còn lại trong tầng văn hóa”.
Những chứng tích dưới lòng đất như trên phù hợp với những ghi chép trong sử Trung Hoa về những biến cố xảy ra ở huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam trong thế kỷ 1 và 2. Khu vực Gò Cấm, Trà Kiệu rất có khả năng đã từng là thủ phủ của huyện Tượng Lâm và là vùng đất đã chứng kiến những cuộc nổi dậy của người địa phương, đốt phá thành trì, giết huyện lệnh và tự xưng vương, lập ra nước Lâm Ấp.
Trong bối cảnh phản kháng Trung Hoa, ngay khi lập quốc, Lâm Ấp đã hướng về phía văn minh Ấn Độ, nhanh chóng tiếp nhận các kiểu thức tổ chức xã hội, tôn giáo cũng như chữ viết theo kiểu Ấn Độ, hình thành một vương quốc khác biệt với mô hình Trung Hoa.