Hội tụ bản sắc vùng “cao sơn ngọc quế”
Nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My – năm 2022 với chủ đề “Âm vang đại ngàn” (diễn ra từ ngày 22 - 23.8) đang được huyện Bắc Trà My chuẩn bị khẩn trương, chu đáo với nhiều hoạt động mới lạ, hội tụ bản sắc vùng “cao sơn ngọc quế” phục vụ du khách gần xa.
Háo hức chờ đợi
Hòa mình với không khí háo hức chung trước ngày diễn ra lễ hội, tại xã vùng cao Trà Bui, già làng, nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Dinh tập hợp con cháu tập dợt trình diễn, múa cồng chiêng; làm cây nêu đúng theo bản sắc gốc của người Cadong để tham gia lễ hội.
“Già nói thiệt là cái lễ hội lần này do huyện tổ chức thật ý nghĩa. Quan trọng nhất là từ đó, dân làng các dân tộc anh em khắp cả huyện cùng hưởng ứng. Chuẩn bị và tham gia lễ hội để mà ngẫm lại, nhìn lại, nắm thêm, biết được bản sắc của dân tộc mình, cái quý vẫn là bản sắc gốc để còn lưu giữ cho mai sau” - già Dinh bộc bạch.
Cũng theo già Dinh, ngoài đồng bào Cadong thì đồng bào M’nông trong xã cũng đang nô nức chuẩn bị sản vật, trang phục, nhạc cụ, ẩm thực… theo đúng bản sắc của họ để tham gia lễ hội ở huyện.
Theo Ban tổ chức Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My – năm 2022, điểm nhấn của lễ hội lần này là tại khu phố đi bộ (bờ kè sông Trường) quy tụ nhiều hạng mục công trình có kiến trúc mới, lạ trên nền tảng không gian tự nhiên. Cây cầu treo kính, nối liền 2 bờ sông Trường sẽ khiến nhiều cư dân địa phương và du khách ngạc nhiên khi lần đầu tiên xuất hiện tại vùng cao Quảng Nam. Cạnh đó, khu vực này còn có nhiều mô hình check-in phỏng theo bản sắc văn hóa người vùng cao...
Xã Trà Kót có dân số gần 1.600 khẩu, đa phần là người Co; công tác chuẩn bị tham gia lễ hội cũng diễn ra khẩn trương. Theo ông Phạm Tuấn - Chủ tịch UBND xã Trà Kót, đến nay việc phục dựng cây nêu để trình diễn, rước vật thiêng căn bản hoàn tất.
“Cuối tháng 7 vừa rồi, đoàn nghệ nhân, diễn viên người Co của xã chuẩn bị lực lượng múa cồng chiêng, đấu chiêng; các loại ẩm thực, nhạc cụ, dụng cụ, vật dụng đan, lát truyền thống, tranh ảnh… trình diễn, giới thiệu phục vụ du khách rất thành công tại Khu vui chơi Vinwonders Nam Hội An. Bởi vậy, xã thuận lợi trong công tác chuẩn bị tham gia lễ hội lần này và hầu như mọi công việc đã xong, chỉ chờ ngày khai hội” - ông Tuấn cho biết.
Còn ông Lễ Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Trà Giang cho hay, toàn xã có dân số gần 3.500 khẩu; trong đó có nhiều đồng bào thiểu số từ vùng núi phía Bắc như Mường, Nùng, Tày… vào ngụ cư và mang theo, lưu giữ những nét văn hóa khá độc đáo. Xã xét chọn đồng bào Mường có số lượng cư dân đông, phong trào văn hóa nổi trội, chuẩn bị cây nêu và đội cồng chiêng về tham gia lễ hội.
“Ngoài tham gia đầy đủ các nội dung của lễ hội theo kế hoạch của ban tổ chức, đồng bào Mường còn tái hiện hoạt động múa sạp, trò chơi ném còn cùng với nhiều trò chơi dân gian vui nhộn khác của người Kinh, Co, Cadong… để phục vụ du khách” - ông Bình nói.
Mới lạ, ấn tượng
Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Thái Hoàng Vũ - Trưởng ban Tổ chức lễ hội nói, đây là dịp hội tụ bản sắc văn hóa vùng đất và con người các dân tộc anh em Bắc Trà My. Qua đó, từng bước khơi dậy, bảo tồn, tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống bản địa.
Lễ hội lần này diễn ra với 6 nhóm hoạt động chính gồm: triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội, hội chợ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp huyện Bắc Trà My và triển lãm ảnh “Bắc Trà My - Điểm hẹn vùng ngọc quế”; liên hoan cồng chiêng “Âm vang đại ngàn”; thi “Trình diễn cồng chiêng - Tiếp nối truyền thống”; thi ẩm thực truyền thống và thi “Hương sắc vùng ngọc quế”.
Ông Vũ cho biết: “Lễ hội được tổ chức ở 3 địa điểm chính thuộc khu vực trung tâm huyện Bắc Trà My gồm Quảng trường văn hóa, Trung tâm triển lãm giới thiệu, trưng bày sản phẩm Trà My và khu phố đi bộ bờ kè sông Trường.
Không gian tổ chức được thiết kế, bài trí gắn kết, gần gũi, thân thiện với cảnh quan tự nhiên rừng núi, sông suối, kết hợp tinh tế, hài hòa với một số yếu tố hiện đại. Đến nay, công tác chuẩn bị đang được gấp rút hoàn thiện và sẵn sàng chờ ngày khai hội”.
Bà Đoàn Thị Xuân Hành - Trưởng Chi hội múa tỉnh Quảng Nam, đạo diễn chính chương trình trọng tâm của lễ hội chia sẻ, nhiều hoạt động tại lễ hội sẽ rất mới lạ. Đáng chú ý là nghi thức rước vật thiêng (rước cây nêu và nhà sàn truyền thống) của đồng bào các dân tộc thiểu số, diễu hành đường phố trình diễn trống chiêng của 10 đội ở các địa phương về tham gia lễ hội theo lộ trình gần 1km từ khu đồi vọng cảnh, trung tâm hành chính về huyện qua cầu Trà Sơn, kết nối đại lộ chính và về Quảng trường văn hóa huyện.
Tiếp đó là tiết mục sinh hoạt cộng đồng “Âm vang đại ngàn”. Những hoạt động này thu hút hàng nghìn nghệ nhân, diễn viên tham gia, đa dạng và lung linh sắc màu văn hóa bởi trang phục, vật thiêng, nhạc cụ, âm nhạc …