Gia tài của bản làng
(VHQN) - Những vuông thổ cẩm, với nhiều bản làng, với rất nhiều phụ nữ vùng cao, chính là niềm tự tôn riêng có... Và đó cũng là ý thức về văn hóa dân tộc của những người say mê chất liệu này.
Nhân duyên dệt từ thổ cẩm
Tin ông Diego Chula - nhà thiết kế người nước ngoài nhưng nổi tiếng với bộ sưu tập các trang phục thổ cẩm của Việt Nam vừa qua đời như một nỗi buồn giăng ngang với những ai yêu quý vốn liếng thiêng liêng của cộng đồng người miền núi.
Năm 2020, bộ sưu tập “We love Tho Cam” (Chúng tôi yêu thổ cẩm) ra mắt tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm lần thứ 2. Lúc này, hầu hết bộ trang phục được thiết kế bởi Diego Chula - một kiến trúc sư người Tây Ban Nha sống gần 20 năm ở Việt Nam, với chất liệu và cảm hứng chủ đạo là thổ cẩm của các dân tộc Việt, đã khiến thổ cẩm Việt Nam nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới mộ điệu thời trang trên thế giới đến chất liệu này.
Nhưng đây không phải điều duy nhất Diego Chula làm với thổ cẩm Việt. Cũng như nhà thiết kế Minh Hạnh, Diego Chula từ rất sớm đã nhận thấy những “điều đặc biệt” ẩn trong các sản phẩm thủ công truyền thống của người Việt.
Từ năm 2007 trở về sau này, Diego Chula gần như lựa chọn hoa văn, sắc màu và chất liệu thổ cẩm để làm nên những sản phẩm thời trang ứng dụng và cả biểu diễn. Ông có một cửa hàng thời trang tại Hội An và đưa những sản phẩm may mặc ứng dụng từ chất liệu thổ cẩm của người Cơ Tu trình làng tại đây.
Diego Chula từng nói, hoa văn trên vải của người Cơ Tu đạt trình độ cao về nghệ thuật trang trí, nghệ thuật tạo hình. Những màu sắc thuần tự nhiên hình thành từ những loại cây bản địa, cùng tay nghề của người dân nơi này, đã để thổ cẩm Cơ Tu trở thành nghệ thuật đặc biệt.
Cùng với Diego Chula, năm 2012, lần đầu tiên những vuông thổ cẩm của người Cơ Tu được “xuất ngoại”. Minh Hạnh là nhà thiết kế có công đầu khi bà lựa chọn hoa văn thổ cẩm Cơ Tu đưa vào bộ sưu tập của mình và tham gia Tuần lễ thời trang quốc tế.
“Khi đi sâu vào tìm hiểu thời trang truyền thống, tìm hiểu chất liệu, kiểu họa tiết của các dân tộc thiểu số, mới hiểu được rằng bản sắc văn hóa ẩn chứa trong những sản phẩm này là vô giá.
Bằng cảm quan hiện đại, những sản phẩm mỹ nghệ thủ công truyền thống mang ý thức về văn hóa dân tộc khá sâu sắc. Trên sàn diễn thời trang quốc tế, chất liệu và hoa văn của những vuông thổ cẩm tạo nên những giá trị đặc biệt” - nhà thiết kế Minh Hạnh nói.
Theo bà, thổ cẩm là một trong rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống mà các làng nghề lâu đời đang sở hữu. Mỗi làng nghề là một sự kết tinh của nền văn hóa tộc người, xứ sở, với biểu tượng là sản phẩm.
Hàm lượng văn hóa và bản sắc trong mỗi sản phẩm của làng nghề, nếu biết tận dụng để sáng tạo trong các sản phẩm ứng dụng, thì đó cũng chính là một cách bảo tồn, trao truyền văn hóa đến với nhiều thế hệ, nhiều lớp người.
Di sản trao truyền và sống động
Một cách ngoạn mục nhất, những nhà thiết kế đã nhìn thấy ở các vuông thổ cẩm của đồng bào các dân tộc miền núi của Việt Nam là một “kho báu”. Tại Quảng Nam, thổ cẩm của người Cơ Tu được xem như bản tổng hòa những giá trị văn hóa của đồng bào đặt lên vuông vải.
Và cũng theo một cách nào đó, có lẽ giá trị của thổ cẩm được nhận chân rõ nét hơn ở chính những thiết kế lấy cảm hứng từ vốn liếng bản địa của những người làm nghệ thuật trong và ngoài nước.
Nên có lẽ khi Diego Chula mất đi, một nỗi buồn lớn với giới mộ điệu và với những cộng đồng miền núi đã từng cùng người đàn ông Tây Ban Nha này dệt nên những phục trang “vintage” từ chất liệu của thổ cẩm.
Có gần 30 dân tộc thiểu số miền núi trên khắp nước Việt còn sở hữu nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Bản Tả Phìn của những cô gái Dao Đỏ hay khung dệt zèng của người Tà Ôi cho đến những nhóm dệt của phụ nữ Cơ Tu,... ở từng bản làng vẫn như những đốm lửa nhỏ bền bỉ giữ nghề truyền thống của người miền núi.
Qua những nghiên cứu văn hóa, thổ cẩm ra đời cùng lúc với lịch sử của từng dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Chất liệu thổ cẩm vì thế được xem là biểu tượng thể hiện đời sống văn hóa và tinh thần của các dân tộc thiểu số.
Mỗi loại vải thổ cẩm mang nét văn hóa riêng, gắn liền với thuần phong mỹ tục của nơi sản xuất ra nó. Nghề dệt thổ cẩm là một trong những di sản văn hóa phi vật thể được trao truyền từ lâu đời. Nghề dệt của người Cơ Tu và nghề dệt zèng của người Tà Ôi đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần lượt vào các năm 2014 và 2016.
Tại Quảng Nam, nghề dệt thổ cẩm được khôi phục, duy trì và phát triển tập trung chủ yếu ở một số địa phương như Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang với gần 190 hộ, hơn 260 lao động đang tham gia cộng đồng dệt thổ cẩm cùng cả nước. Phụ nữ cũng như nghệ nhân dệt thổ cẩm ở mỗi cộng đồng làng, đã phải nỗ lực không ngừng, để giữ “kho báu” của chính tộc người mình.
Một “mạng lưới dệt” khu vực miền Trung và Tây Nguyên với sự tham gia từ 17 nhóm dệt của 7 nhóm dân tộc ở 5 tỉnh thành Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Đắc Nông, Kon Tum đã hình thành được hơn 3 năm.
Các “trưởng nhóm” dệt ở từng cộng đồng làng đã kết nối với nhau, bằng “dải thổ cẩm”. Từ trước đó, thổ cẩm Cơ Tu nằm trong số các loại hình văn hóa phi vật thể nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ để giúp “tinh hoa” này bừng thức trong đời sống.
Thổ cẩm đã đi vào thời trang cao cấp, vào những sản phẩm ứng dụng hằng ngày. Những cộng đồng dệt, dù ít nhiều, đã dự phần vào câu chuyện phát triển du lịch ở miền núi, khi trở thành những điểm đến trên cung đường du lịch hoặc là sản phẩm lưu niệm được bày bán tại các không gian khác, ngoài bản làng mình.
Nhưng còn đó là nỗi buồn cứ luẩn quẩn với sản phẩm thủ công truyền thống, vì sản phẩm thiếu đầu ra, vì nhiều phụ nữ Cơ Tu trẻ tuổi bây giờ dần xa khung dệt, vì những phục trang truyền thống của cộng đồng làng với mật độ sử dụng ngày một ít đi... Nhưng đâu đó, còn những người say mê, thì còn đó là cả gia tài của bản làng vùng cao.