Mắt rừng
(VHQN) - Trên bàn thờ nhà ông Bríu Pố ở xã Lăng (huyện Tây Giang) có một bức tượng nhỏ màu xanh. Ông nói đó là Mẹ Rừng.
Chuyện cổ Cơ Tu kể rằng, hồi xưa ở núi A Dương có hai cha con tham lam, tung tin là rừng ma nhiều lắm nên dân làng sợ không dám vào săn. Thế là cha con ông tha hồ bắt chim, thú.
Một đêm mưa gió, đứa con lười biếng không muốn đi gỡ bẫy nhưng sợ cha nên vừa đi vừa chửi. Đến bẫy cuối cùng, nó thấy một bà già tóc xanh như lá, chân như rễ cây, bị mắc bẫy. Nó gỡ giúp. Bà chỉ vào giỏ bảo nó lấy hết chim, rồi quát: “Mày chửi cha mẹ, thần linh, trời đất, không ra gì mà…”.
Nó sụp xuống lạy, bởi biết đó là thần linh. “Ta là mẹ rừng đây - bà nói - rừng là của ta, muốn lấy gì, phải được ta cho phép”, rồi bắt nó lấy cây đầy gai xát vào người tươm máu mới cho về làng. Tới nhà, nó kể lại chuyện rồi lăn ra chết. Cả làng thất kinh, tin rằng có mẹ rừng linh thiêng, nên từ đó muốn làm chi ở rừng thì phải cúng xin, thần linh gật đầu mới dám vào…
Quan niệm về thần linh ở người Cơ Tu xưa nay đều vậy. Sinh ra từ rừng và chết ở rừng, nên mắt rừng cũng chính là mắt thần.
Liệu quan niệm trên có duy trì đến bây giờ không, khi mọi thứ trở nên nhộn nhạo hết rồi, khi lớp người mới với nếp nghĩ và đời sống đã khác? “Không” - ông Pố nói - “quan niệm về thần linh ở người Cơ Tu xưa nay đều vậy, mọi thứ ta có được là của thần, mình nghĩ, làm chi, thần biết hết, nếu ta muốn gì mà thần không chịu thì tốt mấy cũng không được.
Họ tin tưởng tuyệt đối, bởi sinh ra từ rừng và chết ở rừng, nên mắt rừng cũng chính là mắt thần. Chìa khóa mở cánh cửa suy nghĩ của người Cơ Tu là đây. Ví dụ muốn làm rẫy, thì phát miếng đất mình thích, rồi lấy cái trứng gà sống lột bỏ một phần ba để trên cái cây và đốt trứng cho sôi lên, rồi nói tôi thích miếng đất này tốt tươi, xin thần cho tôi làm để được no ấm.
Nếu nước từ trứng đổ ra phía sau cây, tức là phía thần, thì được, mà chảy về phía mình thì thôi bởi thần không chịu. Mà người đó xin không được, thì chẳng ai xin nữa, bởi coi chừng gặp họa… Vậy đó”. “Vậy là làm được?” - tôi hỏi. “Chưa, việc quan trọng thứ 2 là tối đó chiêm bao, nếu người xin thấy chiêm bao đẹp thì được, chứ thấy việc xấu, ác, thì bỏ”.
Ông Pố nói: “Nhà ta ở, miếng cơm ta ăn, cái gùi đi rẫy, cũng của thần. Ngày xưa áo quần làm chi có kim khâu, phải lấy cây nứa cứng mà luồn ra lỗ, xỏ dây gai vào. Cây che thân ta, cũng của thần.
Đứa trẻ chưa sinh ra cha mẹ khấn xin thần cho nó lành lặn, sinh ra rồi, là con rừng, xin thần cho nó nên người, biết yêu thương, sống có ích… Nước đầu nguồn, hòn đá lạ, cây cổ thụ… đều làm họ sợ hãi, bởi có thần, nói chi đến đất rẫy mà thần không cho. Nhà cửa cũng vậy, như em vào nhà anh, bước vào ngay là không được, mà phải đứng ở cửa, xin thần rừng trên bàn thờ, nếu không chủ nhà không chịu”.
Lớp sương huyền ảo phủ kín vòng đời người Cơ Tu. Cơn vặn mình của văn minh ào đến rừng. Khỏi phải nhắc lại những tai họa khi rừng bị thảm sát. Người ta chỉ nói đến số lượng cây bị triệt bỏ, lũ lụt, khí hậu nóng lên, dân tình nguy ngập an sinh, chứ chẳng ai đào sâu chuyện trái tim rừng, hay nói đúng hơn, mắt của người ở rừng đã phải khác.
Họ không còn là họ, khi mối liên hệ với thần linh bị chặt đứt, khiến họ khi chưa hội nhập hoàn toàn được với văn minh đồng bằng, trở thành kẻ ngơ ngác, bơ vơ. Họ, như ông Pố, như người già vốn đã sống với con suối của hoang dại linh thiêng, chỉ biết thở dài.
“À, còn chuyện Bố Rừng nữa” - ông nói - “xưa có hai anh em mồ côi đi bẫy chim, bị người làng đuổi không cho bẫy nơi có cây to chim đậu nhiều. Họ phải ra bìa rừng, cây xơ xác, không có chim bén mảng. Có một ông già ăn mặc rách rưới, đi đến từng cái bẫy của người làng xin chim ăn, nhưng ai cũng xua đuổi, ông bèn đến bẫy của hai anh em, nói “bác đói quá, hai cháu có chi cho bác ăn...”.
Người anh nói: “Anh em cháu bị đuổi, chỉ bắt được con chim sẻ nhỏ”. Người em nói với anh là thương ông quá, nướng mời ông thôi. Họ nướng, lấy gan chim tung lên trời, rồi đưa con chim cho ông già. Ông nói: “Ta ăn rồi, để ta trèo lên cây coi có chim không”.
Ông trèo đến đâu, chim xúm lại đến đó, khiến giỏ của hai người đầy chim dính bẫy. Nhưng họ nghĩ lạ, ông này là ai, mời không ăn mà nói ăn rồi? Họ về làng kể lại, già làng nói dân làng: “Trời, Bố Rừng đấy, thần linh đấy. Chúng mày từ nay đừng sống ác với với nhau nữa, nếu không bố không cho ăn đâu”.
“Tại sao tung gan lên trời?”. “Gan chim, thú, người Cơ Tu quan niệm là thức ăn của thần, khi ta ăn, phải mời thần trước” - ông Pố nói và bật cười “Tau còn cái tượng mẹ rừng ác nữa, là phù thủy, sẽ đem triển lãm, may ra con người biết sợ…”.
Họ sợ không, tôi không biết, chỉ gặp những đôi mắt hau háu văn minh, những đôi mắt trĩu buồn tiếc nuối lo sợ. Có những người Cơ Tu chưa đến 40 tuổi, khi tôi hỏi tuổi tác, họ nói rằng không biết, hồi đó không có khai sinh, ông già cứ lấy rựa mà khắc vào cây cột hoặc nhớ mấy mùa rẫy.
Rừng ở trong họ khi mở miệng, và không biết điều này đúng không, mỗi lần họ đối diện mình, gặp câu hỏi hay vấn đề khó, tôi hay thấy họ ngước nhìn trời và phóng ra xa. Bao lần họ nói: “Không nói ở đây, vào duông tôi sẽ trả lời”. Duông là căn nhà trong rừng, ở đó họ có rẫy. Cả tuần lăn lộn với công việc, cuối tuần họ vào đó, lội suối, đi rừng. “Ở duông mình mới sống…”. Có lẽ, ở đó họ có thần làm cho sáng ý…