Giữ âm vang từ đại ngàn

XUÂN HIỀN 14/08/2022 07:30

Là tín hiệu vui với giới âm nhạc khi ngày càng nhiều hơn các hội lễ văn hóa ở miền núi được tổ chức. Bởi đây chính là điều kiện để họ tiếp cận với vốn văn hóa truyền thống đồng thời tỏ bày bằng giai điệu về giá trị quý báu của những vùng đất đặc biệt này.

Những lễ hội truyền thống là cách để bảo tồn các giá trị di sản âm nhạc truyền thống của vùng núi. Ảnh: A.N
Những lễ hội truyền thống là cách để bảo tồn các giá trị di sản âm nhạc truyền thống của vùng núi. Ảnh: A.N

Cơ hội cho người sáng tác

Nghệ thuật âm nhạc dân gian gắn kết với lễ hội tại các địa phương miền núi Quảng Nam được nhìn nhận khá đa dạng, phong phú và giàu có về bản sắc. Từ hệ thống nhạc cụ đến các làn điệu dân ca như hát lý - nói lý, hát ru, hát đối đáp, hát giao duyên, hát tế lễ... vẫn còn được bảo tồn trong đời sống cộng đồng.

Bên cạnh đó, bộ cồng chiêng, trống và các nhạc cụ... của từng tộc người vẫn còn đó, giữa vang vọng núi rừng trong các đợt hội lễ truyền thống của mỗi vùng miền.

Nhạc sĩ Văn Thu Bích - Hội Âm nhạc TP.Đà Nẵng cho rằng, âm nhạc truyền thống của đồng bào thiểu số đang sinh sống ở Quảng Nam vẫn còn bảo tồn tương đối đầy đủ, nhất là các tộc người Cơ Tu, Co, Xê Đăng, Giẻ Triêng. Phần lớn các nghi lễ, lễ hội ở vùng cao Quảng Nam vẫn còn lưu giữ khá nguyên vẹn, do vậy, các sinh hoạt âm nhạc truyền thống vẫn tồn tại song hành.

Trong mạch chuyện về bảo tồn âm nhạc truyền thống miền núi, nhạc sĩ Dương Trinh - người con của dân tộc Co, cho biết người Xê Đăng ở Trà Nam, Trà Linh (Nam Trà My) vẫn còn giữ được nhiều loại nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là các bộ cồng chiêng.

“Với người Co, người Xê Đăng, cồng chiêng là thước đo phẩm chất của gia đình và dòng họ nên được gìn giữ rất cẩn trọng. Cồng chiêng, hay còn gọi là chéc tok, chéc tup, chỉ dùng trong những dịp lễ hội, có tính chất thiêng liêng. Còn đàn đá hay trống đất là những nhạc cụ thường được dùng khi đi lên rẫy, cảnh báo con thú hay thậm chí là để ứng phó những cơn thịnh nộ của đất trời.

Với những phụ nữ Co ngày xưa, đêm đêm, họ thường trải lòng mình với tiếng kèn a máp, mang những nỗi niềm, vất vả của ban ngày ra để “kể” với bếp lửa, với rừng núi” - nhạc sĩ Dương Trinh nói.

Cũng chính từ các ngày hội văn hóa truyền thống ở vùng núi, cơ hội để các nhạc sĩ tiếp cận và có môi trường sáng tác âm nhạc về miền núi mở ra. Mới đây, tại Ngày hội văn hóa sâm Ngọc Linh (Nam Trà My), một cuộc thi sáng tác ca khúc về Nam Trà My được tổ chức.

Nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải - Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc, Hội VH-NT tỉnh cho biết, chính những cuộc thi như vậy tạo điều kiện và cả động lực để các nhạc sĩ cho ra đời các ca khúc sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống của đồng bào. Đây cũng là một trong những cách thức để phát huy và bảo tồn giá trị về âm nhạc dân gian của người miền núi.

“Nhân cuộc thi sáng tác ca khúc về Nam Trà My mới đây, Chi hội Âm nhạc tổ chức một đợt thực tế sáng tác. Có thể xem đây như một trại sáng tác đầu tiên của giới nhạc sĩ Quảng Nam từ sau ngày bùng phát dịch Covid-19 hồi năm 2020 đến nay. Chính từ chuyến đi này, cảm xúc được khơi mở để chúng tôi có nhiều hơn những sáng tác về chủ đề miền núi dựa trên chất liệu âm nhạc truyền thống của đồng bào tại đây” - nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải nói.

Lực lượng sáng tác tại chỗ

Dù nhìn nhận âm nhạc miền núi nói chung trong những năm gần đây được quan tâm và đầu tư thông qua các hoạt động lễ hội, vận động sáng tác, nhưng nhiều nhạc sĩ vẫn cho rằng, tiềm năng giá trị văn hóa và âm nhạc miền núi vẫn còn rất lớn.

 

“Đa số nhạc sĩ hiện vẫn viết theo phong trào, các giá trị văn hóa truyền thống vẫn chưa được khai thác ở mức độ lớn hơn. Cũng dễ hiểu vì các nhạc sĩ hiện nay chủ yếu là người đồng bằng, giai điệu trong các ca khúc về miền núi vẫn chung chung, chưa đi sâu vào từng tâm tư, đời sống của người miền núi. Ngoài ra, chất liệu về âm nhạc truyền thống vẫn dừng lại ở mức khai thác cơ bản, chưa chạm đến ngưỡng” - một nhạc sĩ có nhiều sáng tác về miền núi nói.

Thực tế cho thấy, trong các cuộc vận động sáng tác ca khúc về chủ đề miền núi, vì cùng khai thác một chất liệu nên rất dễ giống nhau. Giống nhau về tiết tấu, về khúc thức, ngôn ngữ âm nhạc, đến biểu cảm ca từ, chính điều này dễ gây sự đơn điệu.

Nhạc sĩ Dương Trinh cho rằng, để di sản âm nhạc truyền thống có cơ hội vươn xa và được phát huy mạnh mẽ hơn, cần có lực lượng sáng tác tại chỗ. Đó chính là người bản địa, sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa miền núi thì mới thấu hiểu được để truyền tải đến số đông bằng âm nhạc.

Giữ được tinh thần của vùng đất, đồng thời phả vào nó bằng cảm thức của đương đại, thông qua hòa âm phối khí, lấy âm hưởng dân tộc làm chủ đạo cũng là một trong những cách thức để mang được hàm lượng của di sản âm nhạc truyền thống miền núi vào âm nhạc đương đại.

Nhưng để tìm được người bản địa lựa chọn việc bảo tồn và phát huy di sản của đồng bào mình là mục tiêu của cuộc đời, đồng thời sở hữu năng khiếu về nghệ thuật quả là thật khó...

Nhạc sĩ Trọng Đài - người khá thành công với những ca khúc mang chất liệu âm nhạc dân gian cho rằng, cũng đã đến lúc từ phía tỉnh Quảng Nam, cùng những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, người làm văn hóa cơ sở, nhạc sĩ ở địa phương, phải tự mình chủ động có những động thái về công tác sưu tầm.

“Anh Tô Ngọc Thanh, nhạc sĩ một đời tâm huyết với văn hóa dân gian, từng cảnh tỉnh sự mất mát của vốn dân gian bởi các nghệ nhân già đang dần mất đi. Điều đầu tiên cần phải làm ngay, với âm nhạc, là ghi âm, viết lại lời nhạc, học lại nghệ thuật diễn xướng từ chính những con người này. Điều thứ hai là đào tạo.

Bên cạnh đó, sự tương hỗ giữa các loại hình nghệ thuật, như văn học, hội họa, điêu khắc… sẽ giúp cho âm nhạc có những chất liệu truyền thống, nếu họ cùng tâm ý hướng tới bảo tồn các giá trị truyền thống” - nhạc sĩ Trọng Đài nói.

Dù thế nào, để giữ âm vang đại ngàn, cần đào tạo lực lượng sáng tác tại chỗ, đồng thời tạo điều kiện cho các nhạc sĩ địa phương nhiều hơn, từ các đợt sáng tác thực tế, tiếp cận với vốn liếng truyền thống từ đời sống của người vùng cao...

XUÂN HIỀN