Cảm hứng từ thời trang thổ cẩm

TẤN VỊNH 13/08/2022 08:39

(VHQN) - Dân tộc Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam hiện còn bảo lưu bộ trang phục truyền thống in đậm bản sắc tộc người với những đặc trưng về màu sắc, kiểu dáng, các loại hoa văn. Trong đó, kỹ thuật kết cườm là kiểu trang trí hoa văn độc đáo, có giá trị thẩm mỹ cao.

Thiếu nữ Cơ Tu trình diễn trang phục thổ cẩm tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung năm 2018.
Thiếu nữ Cơ Tu trình diễn trang phục thổ cẩm tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung năm 2018.

Cùng với sắc chàm cổ điển, những hàng cườm sáng chói là chất liệu làm nên dấu ấn của thời trang thổ cẩm dân tộc Cơ Tu. Đây chính là chi tiết được khai thác và tạo niềm cảm hứng cho các nhà thiết kế thời trang chuyên và không chuyên trong sáng tạo thời trang thổ cẩm.

Từ chiếc áo chui đầu truyền thống của phụ nữ Cơ Tu đã được cải tiến thành áo khoác, áo choàng hoặc áo cài nút. Trên ngực và vai áo được đắp nối, thêm thắt những miếng vải tạo đường nhấn. Ngoài những sợi bông vải, trên chiếc áo, chiếc váy còn điểm xuyết những sợi len ngũ sắc, đường kim tuyến làm cho bộ trang phục nổi bật, bắt mắt hơn.

Đặc biệt, trong các lễ hội truyền thống ở thôn bản hay giao lưu văn hóa lớn như Lễ hội văn hóa các dân tộc miền núi của tỉnh Quảng Nam, Lễ hội văn hóa các dân tộc miền Trung, Festival làng nghề… đều thấy xuất hiện áo dài thổ cẩm. Trong các cuộc thi người đẹp, áo dài thổ cẩm cũng được các thí sinh chọn trình diễn.

Các nhà thiết kế thời trang trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm đến chất liệu thổ cẩm dân tộc. Thổ cẩm nguyên bản màu chàm điểm xuyết những hàng cườm của dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi là tinh chất làm nên bức tranh thời trang thổ cẩm đặc sắc dưới bàn tay của các nhà thiết kế tài hoa. Nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Diego Chula và Minh Hạnh là những người tiên phong đưa thổ cẩm các dân tộc thiểu số lên nhiều sàn diễn thời trang trong nước và quốc tế.

Không riêng gì ở Việt Nam, thổ cẩm của người Cơ Tu tại Sê Kông, Salavan (Lào) cũng được nhà thiết kế sưu tầm, tái hiện ở các bộ sưu tập thời trang mang phong cách hiện đại, được trưng bày, trình diễn tại thủ đô Viêng Chăn, cố đô Luang Prabang và giới thiệu tại các sự kiện thời trang danh giá ở châu Âu như Pháp, Thụy Sĩ…

Thời trang thổ cẩm gây được hứng thú cho các nhà thiết kế và người sử dụng vì có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Tấm thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu sớm trở thành “thổ cẩm ứng dụng”, tạo “đất sống” cho nghề dệt truyền thống, phát huy giá trị di sản thời trang mang đậm dấu ấn của núi rừng Trường Sơn.

TẤN VỊNH