Yêu văn hóa từ sắc màu thổ cẩm

ĐĂNG NGUYÊN 15/12/2022 10:42

(VHQN) - Tôi vừa dự đám cưới một người em ở Đông Giang. Cả cô dâu và chú rể hôm ấy rạng rỡ trong sắc phục truyền thống Cơ Tu. Nhiều bạn trẻ là khách dự tiệc cũng diện thổ cẩm, rực rỡ không khác gì một hội làng…

Sắc phục thổ cẩm Cơ Tu xuất hiện trong ảnh cưới của vợ chồng Ating Toàn. Ảnh: NVCC
Sắc phục thổ cẩm Cơ Tu xuất hiện trong ảnh cưới của vợ chồng Ating Toàn. Ảnh: NVCC

Vượt qua tâm lý e ngại

Ating Toàn, chủ nhân của bữa tiệc hôm đó nói, những năm gần đây, tại các sự kiện quan trọng, người dân miền núi, đặc biệt là người trẻ đều thích thú mặc trang phục truyền thống. Chừng vài năm trước, ngoài lễ hội, gần như lễ cưới, hay bất kỳ sự kiện nào diễn ra, hiếm khi thấy hình ảnh đẹp này.

“Đó là điều rất đáng mừng. Bởi người trẻ bây giờ đã biết yêu hơn văn hóa cội nguồn của dân tộc mình. Nhiều bức ảnh được chụp đăng tải trên facebook và các trang mạng xã hội, cũng đều thấy sắc màu thổ cẩm được trình diện với sự tự hào” - Ating Toàn tâm sự.

Ating Toàn sinh năm 1993, là thạc sĩ chuyên ngành tiếng Anh, một trí thức trẻ Cơ Tu rất được đồng bào miền núi yêu quý. Anh vừa cưới vợ, cũng là giáo viên tiếng Anh tại địa phương.

Ngày cưới, cả hai diện sắc phục truyền thống. Ating Toàn khoác trên người bộ ghi-lê được thiết kế bằng chất liệu thổ cẩm Cơ Tu đầy màu sắc. Vợ anh, cũng chọn cho mình bộ đầm may cách tân, nhưng vẫn giữ nét hoa văn độc đáo. Ating Toàn nói, ngày trọng đại của đời mình nên muốn lưu giữ khoảnh khắc đẹp nhất, để sau này có câu chuyện mà kể cho con cháu.

Những người trẻ ngày càng yêu hơn văn hóa của dân tộc mình. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Những người trẻ ngày càng yêu hơn văn hóa của dân tộc mình. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đó cũng là cách mà Ating Toàn muốn chia sẻ và truyền cảm hứng đến nhiều hơn với người trẻ. Bởi trước đây, rất nhiều người trẻ Cơ Tu bày tỏ sự e ngại khi mặc trang phục truyền thống để dự sự kiện hoặc đi ra ngoài.

“Của mình, có gì đâu phải ngại. Đây là sắc phục truyền thống nên phải càng tự hào mới đúng. Tôi muốn giới trẻ bây giờ hãy bỏ qua những tâm lý ngại ngùng và phải cảm thấy tự hào hơn, yêu hơn văn hóa của mình mỗi khi mặc thổ cẩm” - Ating Toàn nói.

Đưa thổ cẩm lên váy cưới

Trong cuộc hành trình “đưa thổ cẩm lên váy cưới”, thời gian gần đây ở miền núi xuất hiện ngày càng nhiều hơn các tiệm may do người dân địa phương làm chủ.

Từ những nơi này cho ra đời nhiều loại trang phục cách tân dành cho giới trẻ, nhất là trang phục váy cưới truyền thống. Đây được xem là kiểu thời trang mới, không chỉ giúp giới trẻ có cơ hội lựa chọn trang phục phù hợp theo lứa tuổi, mà còn là cầu nối để giới thiệu và quảng bá sản phẩm độc đáo, khuyến khích cộng đồng “gần hơn” với sắc phục truyền thống.

Những người trẻ ngày càng yêu hơn văn hóa của dân tộc mình. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Những người trẻ ngày càng yêu hơn văn hóa của dân tộc mình. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Những năm gần đây, Bh’nướch Thị Adam, cô gái trẻ Cơ Tu không còn xa lạ với cộng đồng miền núi, nhất là giới ưa chuộng thời trang thổ cẩm. Nhiều năm trước, sau thời gian học nghề may công nghiệp rồi đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, khi về nước, Bh’nướch Thị Adam đã gom góp vốn mở một tiệm may chuyên về thổ cẩm truyền thống. Bằng sự sáng tạo, chị Adam đã thiết kế hơn 100 mẫu trang phục thổ cẩm cách tân, phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Bh’nướch Thị Adam chia sẻ, khách hàng của chị chủ yếu là người trẻ, đa dạng lứa tuổi, ngành nghề. Ngoài phục vụ nhu cầu mua sắm thông thường, họ thường chọn đặt may trang phục cho mục đích chụp ảnh cưới, hoặc tham gia các sự kiện quan trọng. Vì thế, bên cạnh giữ các họa tiết truyền thống, chị Adam còn sưu tầm, tìm cách biến tấu vài gam màu trên nền thổ cẩm vốn có, giúp tạo sự đa dạng nhưng vẫn giữ được nét truyền thống.

“Người trẻ đang có xu hướng ưa chuộng trang phục thổ cẩm. Điều đó càng thôi thúc tôi nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm cách tân độc đáo vừa phù hợp với các gu thời trang trẻ, vừa đảm bảo tiếp nối giá trị truyền thống, nhất là trong việc chọn lựa họa tiết và cách phối màu vào sản phẩm” - Bh’nướch Thị Adam nói.

Nhiều người trẻ đã không còn e ngại khi mặc sắc phục của dân tộc mình, từ người Cơ Tu, Ve, Tà Riềng, cho đến người Bh’noong, Ca Dong, Xê Đăng… Nói như anh Pơloong Plênh - cán bộ Phòng VH-TT huyện Tây Giang, khi người trẻ không còn cảm thấy ngượng ngùng khi mặc trang phục truyền thống, đồng nghĩa với việc họ đã biết yêu hơn văn hóa cội nguồn. Đó là điều đáng trân quý và tự hào.

ĐĂNG NGUYÊN