Ở lại với núi
(VHQN) - Lịch sử chồng lớp những cuộc thiên di từ nguồn xuống bể, từ biển lên rừng. Nhưng những đời người xa xưa hay hiện tại, lên rừng và ở lại với núi, kết mối nhân duyên Kinh - Thượng được bền lâu là nhờ ở đâu? Thẳm sâu là từ văn hóa...
Rừng núi vùng Tây Quảng Nam bao đời chở che cho đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng, Xê Đăng, Co, Ca Dong… Những năm gần đây lại có thêm đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào đây sinh sống.
Và xa xưa hơn, phía núi từng dung nạp cả những người từ miệt biển, từ đồng bằng lên rừng. Sự bao dung của đại ngàn Trường Sơn, qua năm tháng đã hình thành cộng đồng với đa dạng bản sắc văn hóa.
Nhưng văn hóa bản địa, với tâm thức ứng xử hài hòa thiên nhiên, ở trong lòng suối nguồn sự hàm ơn thần núi, mẹ rừng cho cái ăn, cái mặc, cái vết khắc của niềm tin thiêng liêng truyền thừa bao thế hệ ẩn hiện trong bếp lửa, hình tượng gươl, áo vỏ cây, váy thổ cẩm, âm vang cồng chiêng, câu lý thì thầm…
Rì rầm trong tro bếp
Đọc lại những câu chuyện thời kháng chiến, cảm nhận trong tro bếp lịch sử còn ủ những ngọn lửa yêu thương của miền Thượng dành cho cán bộ người Kinh, cả sự kính trọng nữa.
Như với thầy Trợ Xân, tức Quách Xân - Bảy Thảo, A-xốp, A-ma-hoa. Từ miền quê Đại Lộc, thầy Xân đã đi khắp nơi gieo hạt mầm cách mạng, rồi đến kháng chiến chống Pháp ông lên miền Tây Quảng Nam, “ba cùng” với đồng bào.
Để hiểu những người anh em miền Thượng, ông đã tìm tòi học hỏi tiếng nói của họ, tìm cách ký âm rồi soạn ra bộ chữ phiên âm tiếng Cơ Tu, mở lớp dạy cho con em Cơ Tu để trao truyền tri thức mới, xóa bỏ hủ tục lạc hậu.
Cán bộ công tác ở Ban cán sự miền Tây Quảng Nam cũng đều phải học tiếng nói của đồng bào, sau khi học được cách phiên âm tiếng Cơ Tu, thì phát triển thêm việc phiên âm tiếng Ca Dong vào vùng núi phía tây nam.
Nhờ đó, bằng cách đi vào văn hóa, hiểu tiếng nói của đồng bào mà vận động đoàn kết dân tộc, xây đắp tình cảm nhân văn khi tập trung xóa nạn “giặc mùa” với tục săn máu trả đầu.
Hình ảnh và tấm lòng của thầy Quách Xân đã được người Cơ Tu yêu quý, kính trọng đặt tên cho ông là Loong A Xơơp, nghĩa là “cây lau” gần gũi bên sông suối, mang biểu tượng thân thuộc và tình cố kết cộng đồng.
Không riêng thầy Quách Xân, thời kháng chiến còn có nhiều người từ đồng bằng lên núi, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ ngọt bùi với đồng bào bên bếp lửa.
Nhiều người đã đóng khố, “cà răng căng tai”, ăn trầu, để tóc dài, mình trần, tay cầm đong, lưng đeo tà léc, nói tiếng dân tộc, hiểu biết sâu thẳm những vui buồn của đồng bào. Lịch sử sẽ còn nhắc đến những người như thế, là Tường Tự, Vũ Văn Đoàn, Trịnh Trâm, Hai Non, Ba Đen, Sáu Do (Phạm Xuân Thâm), Bảy Nùng, Tám Tố...
Làm sao quên được hình ảnh của những người như ông Trịnh Trâm sẵn sàng lấy thân mình làm “con mồi” để một bản làng có máu cúng Giàng trước khi xuất quân đi làm “giặc mùa”.
Tấm lòng và nghĩa khí đó của Trịnh Trâm đã thuyết phục được người dân bỏ hủ tục gây bao chết chóc đau thương cho các bản làng. Người Cơ Tu quý trọng đặt tên Trịnh Trâm là ông Áp Lò (tiếng Cơ Tu nghĩa là tro bếp), thể hiện tình cảm ấm áp, như bếp lửa luôn gợi lên sự nồng ấm yêu thương, đoàn kết.
Tiếp dòng suối ngọt
Không phải kiểu ra đi và có dáng hình sừng sững như lớp người kháng chiến, nhưng những năm đầu đất nước hòa bình thống nhất, dòng suối ngọt phía tây xứ Quảng vẫn thu hút thêm những người con của biển, của đất đồng phù sa. Lên và ở lại với núi, một quãng đời dài, rất dài, sinh con đẻ cháu, gắn bó máu thịt với rừng.
Nhớ ở đất “cao sơn ngọc quế” ấy vào những năm đầu tái lập tỉnh, lên đó thường gặp anh Kích, người con của biển lên rừng, sau nhiều năm công tác trở thành Phó Chủ tịch UBND huyện. Hay như từ đồng đất Điện Bàn có anh Trần Duy Dũng lên núi, sống trải mấy chục năm, giờ là Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My.
Cũng vậy, anh Lê Văn Hường lên Nam Giang, anh Đỗ Tài lên Đông Giang, giờ đều là Bí thư Huyện ủy. Những người ấy, chỉ là đơn cử thôi, đều gắn bó gần như trọn hết tuổi thanh xuân với núi rừng, ở lại đó không chỉ vì công tác, làm việc mà có lẽ đã thấm, đã gắn chặt vui buồn cùng đời sống đồng bào vùng cao.
Cơ duyên cho những người trẻ không rõ bắt đầu từ đâu, nhưng tầm tuổi 50 cũng có những anh em bạn bè tôi từng học trường làng ở đồng bằng nhiều năm lên núi công tác, rồi bén duyên, cắm rễ vào bản làng đồng bào. Là làm rể thật, với người con gái Co, hoặc sơn nữ Xê Đăng ở đất Trà My, hay Cơ Tu ở Đông Giang, Tây Giang...
“Hiểu đồng bào không? Biết nói tiếng đồng bào không? Yêu núi và ở lại núi thì sống thế nào?”, những câu hỏi đại loại thế thường gặp với người trẻ bây giờ. Và khi nghe ai đó từ đồng bằng làm “cán bộ tăng cường” cho núi, cảm giác chờn vờn xuất hiện nỗi lo về khoảng cách của họ tới với tâm hồn đồng bào ở núi, với văn hóa đại ngàn.
Bởi nếu vài ba năm luân chuyển, “cưỡi ngựa… xem rừng” rồi về lại đồng bằng e rằng khó mà hiểu sâu đời sống, tâm tư, tình cảm của người dân, để giúp họ hiệu quả.
Từ những thế hệ cha anh đi trước cho thấy một điều cốt lõi là không có cán bộ tốt, hiểu cái bụng đồng bào, ăn ở như người thân của dân thì đường lối, chính sách, dù mục tiêu tốt bao nhiêu cũng không thể nào hiện thực hóa.
Nước từ nguồn đổ xuống. Uống nước ở đồng bằng mà hướng nhìn về phía dãy Trường Sơn hùng vĩ. Nơi ấy có đạo lý, nghĩa tình đã chở che, vun đắp và luôn cần người ở lại với núi, gắn bó như thuở “con đường muối” xa xưa…