Văn hóa cồng chiêng qua "nghiệm sinh" của già làng
(VHQN) - Vùng Trường Sơn đại ngàn phía tây Quảng Nam là nơi lưu giữ văn hóa cồng chiêng, linh hồn của văn hóa làng các dân tộc thiểu số. Về với cộng đồng làng miền núi để khảo cứu cồng chiêng, không thể bỏ qua tri thức bản địa của già làng, họ chính là báu vật của văn hóa miền núi.
Hội tụ về tính thiêng
GS.Trần Quốc Vượng khi đi điền dã văn hóa dân gian những năm 1990, đã nói về sự tích tụ văn hóa ở các già làng, đó chính là quá trình từng trải suốt cả đời người “nghiệm sinh”.
Khi khảo cứu về văn hóa cồng chiêng, nhiều già làng các dân tộc thiểu số cho rằng, tiếng cồng chiêng là lời cầu nguyện, sự che chở của các vị thần, thể hiện lòng kính cẩn của cộng đồng làng với đất trời. Âm thanh cồng chiêng thấu gọi hồn thiêng sông núi, tạo chất men nối kết cộng đồng.
Già làng Hồ Văn Nhong (người Bh’noong ở xã Phước Năng, huyện Phước Sơn) nói: “Cồng chiêng có đường tròn biểu tượng cho thần mặt trời (K’nantroc) - vị thần có quyền lực cao nhất, luôn che chở, bảo vệ cho người dân trong cuộc sống hằng ngày. Đường tròn cho tiếng của mọi cái chiêng đều đến được trung tâm thiêng, nơi các vị thần linh bay về ngự trị”.
Người có nhiều cồng chiêng trong làng được tôn trọng không phải họ có nhiều của cải vật chất mà chính là người ấy đang được hộ trì bởi nhiều “thần chiêng”.
Già làng Cơlâu Nâm ở Tây Giang cho biết: “Không có tiếng chiêng, con người như lạc vào rừng sâu không lối ra, sức sống con người như bị cạn kiệt. Khi tiếng chiêng ngân lên, con người trở về với bản tính hướng thiện. Cồng chiêng kết nối con người quá khứ với hiện tại và tương lai, kết nối con người với thần linh, mang lại bình yên cho cuộc sống”.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cồng chiêng là vật thiêng. Họ tin rằng, trong mỗi cái chiêng đều có thần linh trú ngụ, cồng chiêng càng lâu năm, sức mạnh càng lớn. Ai có công giữ gìn cồng chiêng, người đó được thần linh phù hộ và ngược lại, ai đem bán cồng chiêng, bán linh hồn cộng đồng làng thì sẽ bị thần linh trừng phạt.
Không có tiếng chiêng, con người như lạc vào rừng sâu không lối ra...
Trong quan niệm của đồng bào, cồng chiêng được ví như con người, vì vậy cồng chiêng càng lâu đời càng có giá trị và càng trở nên quý.
Cồng chiêng càng cổ càng có nhiều thần chiêng trú ngụ và sức mạnh thiêng của cồng chiêng càng lớn. Đối với loại chiêng này đồng bào không bao giờ bán đi, bởi bán nó tức là bán đi sự linh thiêng, bán đi ân phúc mà thần linh ban cho. Nó được cất giấu rất kỹ với những nghi lễ quy định rất nghiêm ngặt, thường là cất trong hang núi mà chỉ chủ nhà mới biết.
Hiện hữu sự phồn thực
Văn hóa cồng chiêng như lá chắn, bảo vệ sự trường tồn của vùng miền núi. Con người sống trong không gian đó sẽ tạo dựng cuộc sống đúng với bản tính và nền nếp của luật tục, tập quán. Xét từ góc độ văn hóa cổ truyền, âm nhạc cồng chiêng chuyển tải vẻ đẹp hoang sơ, huyền thoại trong cuộc sống khiến cho con người giữ được phẩm chất “bản thiện” của cộng đồng.
Cách đây hơn 5 năm, khi chúng tôi đến Đông Giang, gặp già làng A Tùng Vẽ, ông nói: “Cồng chiêng là hình bầu vú phụ nữ căng đầy, rắn chắc ở giữa. Núm vú là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực của cư dân trồng lúa”.
Rồi ông ngẫu hứng hát một đoạn dân ca “Cha chấp” mà ông đã biết khi còn niên thiếu, lời hát liên hệ giữa cồng chiêng và tín ngưỡng phồn thực: “Lật ngửa cồng ra. Đổ cho đầy rượu. Lật ngửa chiêng ra. Sắp thị cho đầy. Mời Giàng về ăn với dân làng. Cho bầu sữa căng tràn, cho con suối nhiều nước, cho mưa về ngô lúa xanh tươi”.
Cũng theo quan niệm về phồn thực, già làng Đinh Thập ở Trà Cang (Nam Trà My) từng nói: “Người Xơ đăng khi đánh chiêng phải quay về hướng Đông, hướng mặt trời mọc, là nơi sinh ra Mẹ lúa. Họ cho rằng chỉ khi quay về hướng này thì họ mới giao tiếp được với thần linh để ban cho vụ mùa tươi tốt”.
Cồng chiêng hiện diện hầu hết ở các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam, mỗi cộng đồng làng dùng cồng chiêng để biểu dương sức mạnh trong chiến đấu và sản xuất. Qua âm thanh của cồng chiêng, mỗi cá nhân, cộng đồng làng đều gửi gắm những suy nghĩ, những ước mơ bình dị.
Tiếng cồng chiêng luôn gắn chặt với bước đi, từng sinh hoạt văn hóa theo suốt cuộc đời mỗi người. Họ yêu quý gìn giữ như vật báu của gia đình, của cộng đồng làng. Cho nên cồng chiêng luôn có sức sống trường tồn từ ngàn xưa cho tới nay.
Những bí mật trong luật lục
Sống giữa đại ngàn, những tập tục, quy định của làng về cồng chiêng luôn được đồng bào tuân thủ nghiêm ngặt. Không phải lúc nào cũng có thể đánh cồng chiêng và không phải trong nghi lễ nào cũng sử dụng cồng chiêng. Trong gia đình, chỉ có chủ nhà mới được quyền lấy cồng chiêng để sử dụng, người lạ không được phép sờ vào khi chưa có sự đồng ý của gia chủ.
Cồng chiêng của làng thì chỉ có già làng mới cho phép đánh trong các lễ hội, nếu làm thần linh nổi giận, gia đình và làng sẽ gặp tai họa như mất mùa, bệnh tật. Vào những ngày thường, không có lễ hội, tuyệt đối không đánh cồng chiêng, vì đánh cồng chiêng lúc này sẽ làm kinh động đến thần linh, trời đất.
Trong lễ hội mừng lúa mới, lễ lập làng, lễ kết nghĩa thì làng quy định cách đánh cồng chiêng cụ thể dựa vào con vật hiến tế cùng các bài chiêng tương ứng. Việc cất giữ cồng chiêng cũng phải tuân thủ theo luật tục. Khi treo cồng chiêng, bụng phải ngửa lên trên, núm tựa vào vách.
Già làng người Ca Dong - Hồ Văn Dinh cho biết: “Bởi vì chiêng có linh hồn biểu hiện qua âm thanh phát ra từ miệng chiêng (bụng chiêng và thành chiêng được coi là miệng chiêng). Nếu đặt úp chiêng thì họ cho rằng sẽ úp miệng chiêng lại, hồn chiêng không còn. Dùi đánh cũng được đặt trong bụng chiêng, như đứa con được ấp ủ trong bụng mẹ”.
Luật tục Cơ Tu cũng quy định, trong lễ hội nào có ăn heo 3 gang tay trở lên, trâu 12 gang tay, bò 5 gang tay thì mới sử dụng cồng chiêng có núm và trống cái, vì họ tin sẽ mời được các vị thần lớn nhất về dự lễ hội với dân làng.
Già làng Priu Pố ở Tây Giang nói rằng: “Người Cơ Tu có quy định sử dụng cồng chiêng khi săn bắt được thú rừng, nếu con vật bắt được là chồn, mang và những con thú nhỏ thì đồng bào không đánh cồng chiêng.
Tùy theo loại thú để có cách đánh chiêng khác nhau. Nếu là con thú không nguy hại như sơn dương, nai thì đánh chiêng chậm. Nếu con thú dữ như gấu, hổ thì chiêng sẽ được đánh nhanh.
Theo quan niệm của đồng bào, những con thú hung dữ nên phải đánh chiêng nhanh để nó nhanh chết và không làm hại con người. Khi bắt được con mang, tuyệt đối không đánh cồng chiêng, vì theo họ tiếng tác của nó báo hiệu sẽ mang đến điềm xấu, điềm dữ.
Giữ gìn hồn cốt dân tộc
Ở Quảng Nam, văn hóa cồng chiêng gắn với núi rừng như là tất yếu của tạo hóa. Chỉ có núi rừng mới sản sinh và nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa cồng chiêng, như già làng Bling Hạnh ở huyện Nam Giang đã nói: “Còn núi rừng còn cồng chiêng, mất núi rừng mất cồng chiêng. Cồng chiêng là linh hồn của văn hóa làng, nơi hội tụ cái tinh khiết của đất trời, cái rắn rỏi của đất núi và cái trong veo của mạch nguồn suối sông. Cồng chiêng là tiếng lòng của con người theo suốt từ thuở mới sinh ra cho đến khi nhắm mắt”.
Đồng cảm với những trăn trở của các già làng, những người làm văn hóa chúng tôi cảm thấy tiếc nuối khi bản sắc văn hóa của các dân tộc đang có nguy cơ mai một vì hiện nay còn khá ít không gian để văn hóa cồng chiêng tồn tại, đó chính là mối quan hệ giữa cộng đồng làng - con người - thiên nhiên đã trở thành đơn điệu, không còn gắn kết như xưa, lễ hội có khi chỉ là miễn cưỡng, không còn sức mê hoặc, thăng hoa bởi mất đi tính thiêng của không gian văn hóa.
Và sự thất truyền các bài nhạc chiêng cổ, việc vắng bóng các nghệ nhân, già làng - kho tàng “văn hóa sống” ở miền núi làm tăng thêm sự lo âu trước những mất mát di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam.