Đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề gốm Thanh Hà
(QNO) - Trong khuôn khổ giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP.Hội An) năm 2022, sáng nay 7.8 diễn ra lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề gốm Thanh Hà.
Làng gốm Thanh Hà được thành lập khoảng thế kỷ 16, 17 do một số thợ thủ công từ Thanh Hóa, Nghệ An đến sinh sống làm ăn lập nên làng gốm.
Trong lịch sử, làng gốm chủ yếu chế tác các sản phẩm đồ gốm phục vụ sinh hoạt, tín ngưỡng, gia dụng, nhất là gạch, ngói xây dựng các công trình kiến trúc cổ Hội An. Sản phẩm gốm Thanh Hà được triều đình nhà Nguyễn ghi vào sách Đại Nam nhất thống chí phần thổ sản Quảng Nam.
Trải qua bao thăng trầm, làng gốm không ngừng phát triển lớn mạnh. Những năm gần đây, sản phẩm gốm Thanh Hà không còn bó hẹp thị trường trong nước mà đã theo chân khách đến khắp nơi trên thế giới thông qua các hoạt động du lịch. Ngày 27.8.2019, nghề gốm Thanh Hà được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Giỗ tổ nghề gốm được tổ chức hằng năm vào ngày 10.7 âm lịch. Truyền thống này được người dân làng duy trì hàng trăm năm qua. Đây không chỉ là nghi thức tín ngưỡng tinh thần tưởng nhớ các bậc tiền bối có công lập làng, lập nghề mà còn là một hoạt động quảng bá, thu hút khách du lịch tại Hội An.
[VIDEO] - Trình diễn làm gốm tại giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà:
Năm nay, dù sự kiện được tổ chức đơn giản nhưng không vì thế kém trang nghiêm, thành kính. Phần lễ chính với hoạt động rước kiệu tổ nghề từ miếu Lùm Bà Dàng về khu miếu tổ nghề gốm Nam Diêu (phường Thanh Hà) lễ bái nhằm tạ ơn công đức các bậc tiền hiền đã tạo dựng làng nghề, phù hộ dân làng bình an, làm ăn phát đạt.
Bên cạnh phần lễ, nhiều hoạt động văn hóa - thể thao cũng được tổ chức như đua ghe, thi chuốt gốm, trưng bày sản phẩm làng nghề...
Làng gốm Thanh Hà hiện có khoảng 32 cơ sở đỏ lửa. Trước dịch Covid-19, bình quân mỗi năm làng gốm thu hút gần 1 triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm - trở thành một trong các làng nghề thu hút đông đảo khách du lịch của miền Trung và Việt Nam.