Đánh thức tiếng cồng chiêng

PHÚ THIỆN 07/08/2022 06:10

Sau nhiều năm tưởng chừng chỉ còn văng vẳng thưa thớt sau rừng già, giờ đây tiếng cồng tiếng chiêng đã được đánh thức nhờ tâm huyết giữ vốn quý truyền thống của đồng bào Ca Dong sự vào cuộc của chính quyền huyện Nam Trà My.

Một buổi học cồng chiêng của đồng bào Ca Dong.
Một buổi học cồng chiêng của đồng bào Ca Dong.

Chờ đợi

Ông Hồ Văn Thọ (42 tuổi ở thôn 1) được biết đến là nghệ nhân cồng chiêng hiếm hoi của xã Trà Dơn (Nam Trà My). Với niềm đam mê nhạc cụ truyền thống từ nhỏ, ông Thọ đã có quãng thời gian dài trau dồi, học hỏi nghệ thuật đánh cồng chiêng từ những người già giàu kinh nghiệm của làng.

“Lớp 5, lớp 6 tôi đã đam mê đi theo những người già tới các hội, các làng để xem đánh cồng chiêng, kiến thức tích lũy theo đó dần dày lên qua năm tháng. Bây giờ lứa tuổi như tôi trở xuống rất hiếm người am hiểu và chơi được cồng chiêng theo kiểu truyền thống của người Ca Dong ngày xưa” - ông Thọ chia sẻ.

Theo già làng Y Xia (thôn 1, xã Trà Dơn), cồng chiêng có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của người Ca Dong, thể hiện bản sắc văn hóa cũng như đời sống tâm linh của đồng bào.

“Mỗi năm cồng chiêng chỉ được đánh hai lần vào dịp lúa mới và tỉa hạt, nhà có điều kiện hơn thì đánh tại rẫy quế để chào đón thần linh phù hộ mùa màng. Ở những làng xa, chiêng còn được mang ra để giao duyên, thể hiện tình cảm của các chàng trai đối với cô gái mà họ để ý. Còn lại nếu không có dịp gì đặc biệt thì cồng chiêng chỉ được treo ở trong nhà, rất hiếm khi sử dụng” - già Xia nói.

Tại xã Trà Dơn, người Ca Dong hiện nay chiếm 91,56% dân cư toàn xã. Thời gian qua, địa phương tập trung phát triển kinh tế, đường sá, xe cộ nhộn nhịp, ai cũng hối hả mưu sinh.

Thế nhưng, nếu có dịp vào sâu trong bản làng khuất sau núi cao, chúng ta vẫn có thể bắt gặp sắc màu cuộc sống vùng cao tưởng chừng chỉ còn được nghe qua lời kể. Ở đó, người Ca Dong vẫn nỗ lực gìn giữ văn hóa của mình, để chờ ngày khai hội.

Quan tâm kịp thời

Sau thời gian dài sử dụng tạm bộ cồng chiêng đã cũ với những vết hoen gỉ và sứt mẻ trên vệt đồng, nay đồng bào Ca Dong của hai xã Trà Dơn và Trà Don phấn khởi tiếp nhận bộ cồng chiêng mới do huyện tặng.

Nghi thức cúng chiêng mới.
Nghi thức cúng chiêng mới.

Vội trở về từ buổi gặp mặt người có công ở huyện, già Y Xia chưa kịp thay bộ trang phục truyền thống của đồng bào mình vì giờ lành để cúng thần linh đã đến. Khoác trên mình bộ trang phục cựu chiến binh, ông không giấu được sự xúc động khi ra mắt thần linh bộ chiêng bóng loáng được huyện gửi về cho xã.

Trong lễ cúng, già Xia cất giọng dõng dạc mời gọi thần linh, đất trời và tụ họp dân làng, lời cúng hòa với tiếng chiêng, tiếng trống vang xa. Vây quanh ông, những cô gái Ca Dong thể hiện điệu múa sum vầy đầy sức sống. Những tiếng chiêng, điệu múa ấy phấn khởi như niềm vui của đồng bào khi được sống dậy ngày hội làng ngay giữa mùa oi ả.

“Có chiêng có cồng mới phải gọi Giàng đến chung vui, phù hộ cho dân làng vụ mùa bội thu, cuộc sống no ấm. Tiếng cồng tiếng chiêng đem đến niềm vui, cầu mong trời đất cho nắng ít mưa nhiều, mùa màng xanh tốt” - già Xia tâm sự.

Ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Dơn cho biết: “Công tác bảo tồn văn hóa nói chung và cồng chiêng nói riêng mặc dù được quan tâm nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là những người am hiểu người thì không còn sống, người thì lớn tuổi, không đảm bảo sức khỏe truyền dạy. Do đó việc huyện hỗ trợ cồng chiêng và mời nghệ nhân tập luyện cho đồng bào đã tạo điều kiện thuận lợi cho xã có nguồn lực, cơ sở để duy trì nét văn hóa truyền thống này”.

Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho hay bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể là hoạt động thường xuyên của huyện, thông qua triển khai nhiều đề án liên quan.

“Hiện nay chúng tôi tiếp tục cân đối ngân sách từ đầu năm để phân bổ cho các xã triển khai nội dung nêu trên. Để làm được việc này đòi hỏi huyện phải có sự đầu tư kinh phí, nghiên cứu, tìm tòi học hỏi, bảo đảm cho nghệ nhân tập huấn, bồi dưỡng.

Chúng tôi cũng sẽ chú trọng đưa văn hóa cồng chiêng vào trường học để thế hệ trẻ tiếp cận sớm, không bỏ quên văn hóa truyền thống của đồng bào mình” - ông Phước nhấn mạnh.

PHÚ THIỆN