Phố vãn dần lời ca
Khi những làn điệu, câu ca dân gian được biểu diễn đâu đó trôi qua hời hợt trong tâm thức của thị dân, cũng là lúc văn nghệ dân gian đã dần bị bào mòn trong nhịp sống của phố Hội.
Phố trong những mùa nhớ
Một ban trưa mùa hạ nắng chói chang, những góc phố, nếp nhà phố thị vẫn rêu màu xưa cũ. Nhưng thanh âm từ phố chỉ gợn tiếng lạo xạo rôm rả của du khách, đâu đó trong ngõ ngách phảng phất một bản nhạc quốc tế du dương không lời. Không còn câu ê a của người đàn bà vãn phiên chợ, chẳng vọng lại tiếng ru hời của bà đưa giấc lành cháu.
Chẳng phải vì Hội An đã thành phố thị mấy trăm năm mà không sở hữu được kho tàng giá trị văn nghệ dân gian đặc sắc.
Theo nhà nghiên cứu Trần Văn An - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Quảng Nam, có thể khẳng định sự xuất hiện số lượng lớn các đơn vị nói về nghề buôn, về hoạt động kinh tế thương nghiệp, ngoại thương và sinh hoạt của tầng lớp thị dân là một trong những đặc điểm riêng có của văn nghệ dân gian Hội An.
Thế hệ lớn tuổi từng buôn gánh bán bưng ngang qua phố Hội đều nằm lòng mấy lời ca như:
“Ghe xuôi đến bến Phó Thừa
Hội An đến đó trời vừa sáng ra
Hỡi người hoa nguyệt nguyệt hoa
Sớm mai xuống phố đôi ta trao lời”
hay
“…Hội An bán gấm, bán điều
Kim Bồng bán cải, Trà Nhiêu bán hành”.
Trước đây, văn nghệ dân gian bám rễ và truyền thừa một cách tự nhiên ngay cả trong quá trình mưu sinh, lao động sản xuất của cư dân phố thị. Giờ đây, sau mỗi quang gánh đi về, sau tiếng sột soạt kéo cửa tiệm là những nếp hằn của sinh kế, hối hả chạy đua với thời cuộc.
Văn nghệ dân gian xuất phát từ cộng đồng, nhưng khi chủ thể chính là cộng đồng không mấy mặn mà với nó thì rất khó để loại hình này có sức sống và len lỏi vào đời sống xã hội một cách tự nhiên.
Nhiều nghệ nhân cao tuổi đã mất, lớp trẻ không được ai hướng dẫn trao truyền, nhiều nhóm, câu lạc bộ tại những địa phương vốn có truyền thống như Cẩm Thanh, Cẩm Nam, Cẩm An không còn sinh hoạt thường xuyên thì phố thưa dần những làn điệu, tiếng ca êm đềm là điều tất yếu.
Nỗi niềm nơi góc phố
Từ lâu, rất nhiều lớp dạy dân ca, bài chòi, hát bội, múa dân gian được cơ quan quản lý địa phương tổ chức miễn phí cho cộng đồng, nhất là các em học sinh như để níu giữ lại tiếng vọng của phố.
Nhưng rồi, những thanh âm mộc mạc đó có lẽ cũng chỉ gói gọn trong lớp học. Bởi khi trưởng thành các em cũng đành lặng lẽ xếp lại hương vị quê nhà vào một góc nhỏ trái tim để cuốn vào nhịp sống hiện đại.
Ông Võ Phùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nói: “Lực lượng phục vụ cho công tác văn hóa - văn nghệ hiện có vấn đề. Từ những người thực hành trong đó có quản lý, đến đặc biệt là các nghệ nhân và diễn viên.
Tình trạng “đứt gãy” thế hệ đã diễn ra khi con cái các nghệ nhân ở Hội An đều đi theo ngành khoa học tự nhiên dẫn đến hụt hẫng rất lớn trong việc trao truyền, tiếp nối.
Phải có những chính sách hết sức cụ thể, có chiến lược và sự chăm sóc thực sự với nghệ nhân. Chưa nói đến vấn đề tài chính, bên cạnh những danh hiệu cơ quan quản lý cần có sự tôn vinh, trân trọng hơn để họ cảm thấy có động lực”.
Nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông cho hay, công chúng thưởng thức nghệ thuật truyền thống đã mai một rất lớn chứ chưa nói đến nghệ nhân. Hát bội hiện nay dường như đã mất hẳn công chúng; bài chòi thì gần như chỉ còn trong các buổi biểu diễn phục vụ du lịch, lễ hội.
Thế hệ thưởng thức một cách trọn vẹn còn rất ít. Cả hai phương diện công chúng và nghệ nhân đều đang mai một. Chúng ta có thể có tiền nhưng không biết sử dụng như thế nào. Không có em nào chịu đi học hát bội hết vì học không có đầu ra.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An, suy cho cùng Hội An chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện nên rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho văn hóa, nghệ nhân thành phố không thể quyết được.
Thực tế, không dễ gì để các địa phương cấp huyện khác có thể duy trì được đội ngũ nhân lực trung tâm VH-TT & TT-TH với số lượng lớn và làm được rất nhiều việc như Hội An thời gian qua.
Giữa cuộc trở mình của dáng phố để tìm lại những ngày hoàng kim chộn rộn bóng du khách, đâu đây còn nghe lời thì thầm tiếng lòng khác khuất lấp. Phố rồi cũng sẽ mau chóng chộn rộn trở lại, nhưng đâu dễ để hình hài của phố trọn vẹn như xưa...