Nét hoa nghề Hội An

LÊ QUÂN 17/07/2022 06:33

Danh hiệu “thành phố sáng tạo” trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian đang tiệm cận hơn với đô thị cổ Hội An. Những làng nghề, nghề truyền thống có vị thế xứng đáng hơn, trong hành trình phát triển của phố thị này...

Trong tương lai, tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo toàn cầu sẽ tạo nên nhiều cơ hội để Hội An phát huy được các giá trị thủ công và nghệ thuật truyền thống.
Trong tương lai, tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo toàn cầu sẽ tạo nên nhiều cơ hội để Hội An phát huy được các giá trị thủ công và nghệ thuật truyền thống.

Đây cũng chính là mục tiêu để sự kiện “Nét hoa nghề Hội An”, tổ chức vào cuối tuần này (15 - 17.7) với hàng loạt hoạt động ngõ hầu trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề, tôn vinh nghệ nhân cũng như thông qua các cuộc gặp gỡ tìm kiếm hướng phát triển trong tương lai...

Vốn liếng di sản

Giữa tháng 4 năm nay, làng rau Trà Quế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Một di sản nghề rau vừa được định danh bằng danh hiệu. Nhưng vốn dĩ, làng rau Trà Quế cùng với gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, tre dừa nước Cẩm Thanh... từ mấy trăm năm nay mặc nhiên là di sản với từng người Hội An và cả người xứ Quảng.

Những làng nghề gắn với bãi bồi sông mẹ vẫn còn đó, như bảo chứng về sự trường tồn của những giá trị lịch sử. Sức sống bền bỉ của những giá trị đặc biệt này đã góp phần làm nên bản sắc cho xứ Quảng Nam.

Cho đến bây giờ, Hội An có 4 làng nghề và 1 phố nghề được công nhận, gồm làng mộc truyền thống Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng nghề tre dừa Cẩm Thanh, phố nghề đèn lồng Hội An. Và nhiều hơn những tiềm năng thủ công từ chính vùng tài nguyên bản địa mà đất này đang sở hữu.

Cùng môi trường sinh thái phong phú của vùng đồng bằng cửa sông - ven biển, khu phố cổ Hội An là một loại hình di sản văn hóa đặc biệt, với không gian đô thị thương cảng xưa có sự kết hợp hài hòa giữa các công trình kiến trúc độc đáo, bến cảng, thiên nhiên, những giá trị văn hóa phi vật thể và con người.

Chưa kể, bên cạnh loại hình nghệ thuật bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, Hội An vẫn còn có các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như hát múa bả trạo, hát múa sắc bùa, múa tứ linh, hò đưa linh... bén rễ sâu bền trong đời sống dân cư. Điều này cho thấy rõ ràng vốn liếng văn hóa dân gian mà đất này sở hữu là quá nhiều.

Không chỉ vậy, chính tinh thần của “vùng đất mở” tạo cơ hội cho rất nhiều người tìm đến và dựa trên chính tài nguyên bản địa để phát triển.

Bà Đỗ Thị Thanh Thúy - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, thành viên của Ban soạn thảo Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo do Bộ VH-TT&DL xây dựng cho rằng, tiềm năng của Hội An trong việc tham gia mạng lưới, chính là ở Hội An có tương tác mật thiết giữa các bên liên quan như doanh nghiệp, chính quyền, cộng đồng cư dân, các tổ chức nghiên cứu, tư vấn, các nhà thực hành nghệ thuật, đối tác truyền thông, giữa các ngành và lĩnh vực khác nhau. Chính điều này đã tạo nên không khí cởi mở và mang tính tham dự, hỗ trợ cho văn hóa sáng tạo nơi đây.

Hành trình tiếp nối

Hội An là một trong 7 thành phố nằm trong Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo do Bộ VH-TT&DL chủ trì thực hiện. “Đô thị đẹp đẽ này hội đủ các yếu tố cần và đủ cho một thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thủ công và nghệ thuật dân gian”. Và, ngay từ bước khởi động đầu tiên, các chủ thể từ chính quyền đến nghệ nhân, nghệ sĩ, người dân, doanh nghiệp đã tích cực tham gia hành trình này.

 

Tôi thực sự ấn tượng với những nghệ sĩ trẻ ở Hội An, về cách họ chủ động gắn kết và chuyển tải giá trị truyền thống vào tác phẩm nghệ thuật đương đại. Chúng tôi hy vọng Hội An sẽ trở thành thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á và tiến tới là châu Á” - bà Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nói.

“Nét hoa nghề Hội An” chính là sự kiện để Hội An định danh trở lại những không gian làng nghề cũng như sự phát triển của nghề nghiệp truyền thống, những đóng góp quý giá có từ chính các di sản trăm năm của mỗi người dân.

Trong câu chuyện tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, Hội An được lựa chọn phát triển ở lĩnh vực “Thủ công và nghệ thuật dân gian” chính vì những định hướng phát triển dựa trên vốn liếng bản địa.

Đây chính là hai lĩnh vực mà cộng đồng bản địa phải được hưởng lợi đầu tiên, cũng đồng thời là giá trị đầy tiềm năng từ cộng đồng mà lâu nay vẫn chưa được phát huy đúng mức.

Ở góc độ không gian sáng tạo, Hội An là vùng đất được lựa chọn để trở thành “sân khấu” cho nghệ thuật đương đại phát triển. Còn nhớ, hồi năm 2021, tại Hội An, một cuộc trình diễn quy tụ hơn 20 nghệ sĩ và 50 tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau.

Công chúng được dịp thưởng thức một festival nghệ thuật đương đại, bao gồm nhiều thể loại, từ mỹ thuật, nhiếp ảnh, trình diễn, múa, phim, video art, thị giác. Hay mới đây nhất, các tuần lễ thời trang chọn đường phố là không gian biểu diễn...

Chính những hoạt động này được nhìn nhận là cơ hội để Hội An tăng cường góc nhìn của nghệ sĩ địa phương với các hoạt động nghệ thuật ở khu vực khác, phát triển Hội An không chỉ là một thành phố du lịch mà còn là thành phố của văn hóa và các hoạt động sáng tạo.

Một nhà thiết kế có tiếng cho rằng, với bề dày văn hóa và số lượng làng nghề, Hội An đã có chất liệu quá tốt cho những sản phẩm thiết kế từ gốm, tre, dừa, gỗ... “Nơi đây chính là ngôi nhà lớn cho những nhà thiết kế trẻ với những art work mang tính ứng dụng cao và rất Hội An, thay vì những vật phẩm nghèo nàn, na ná nhau du nhập từ các nơi” - vị này chia sẻ.

LÊ QUÂN