Hội tụ sắc màu di sản

PHẠM QUỐC 12/07/2022 07:07

Triển lãm “Không gian di sản văn hóa Việt Nam” diễn ra từ ngày 8 đến 13.7 tại đô thị cổ Hội An đọng lại nhiều dấu ấn, trong đó mở ra thêm những suy ngẫm về khát vọng phát huy giá trị kho báu tài nguyên thông qua việc gắn với phát triển du lịch.

Biểu diễn múa rối ở khu trưng bày di sản văn hóa, danh thắng thành phố Hải Phòng. Ảnh: P.Q
Biểu diễn múa rối ở khu trưng bày di sản văn hóa, danh thắng thành phố Hải Phòng. Ảnh: P.Q

Cảnh sắc thiên nhiên, các giá trị truyền thống và những nét văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam là một kho tàng di sản vô cùng quý giá.

Trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 và ở không gian đô thị cổ Hội An đậm sắc màu di sản, triển lãm “Không gian di sản văn hóa Việt Nam” đã giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa, các di tích, danh lam thắng cảnh, các sản phẩm thủ công truyền thống với cộng đồng và du khách. Khẳng định tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch giữa các địa phương, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển du lịch.

Triển lãm “Không gian di sản văn hóa Việt Nam” có sự tham gia của 25 tỉnh, thành phố trên cả nước. Các nội dung chính tại triển lãm bao gồm: triển lãm ảnh chủ đề “Hành trình qua những miền di sản Việt Nam”, khu trưng bày “Du lịch qua những làng nghề truyền thống Việt Nam”, không gian “sắc màu di sản” của các tỉnh, thành, chương trình giao lưu nghệ thuật dân gian truyền thống sắc màu di sản.

Triển lãm trưng bày 160 ảnh nghệ thuật giới thiệu về những di sản được UNESCO vinh danh, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, di sản văn hóa, các phong tục, tập quán đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Triển lãm cũng giới thiệu về các làng nghề truyền thống và hơn 100 sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu như: gốm sứ, mây tre đan, đúc đồng, hoa giấy…

Hành trình du lịch của đất nước như được gói gọn ở Vườn tượng An Hội khi triển lãm sắp đặt hàng trăm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, di sản vật thể, phi vật thể trưng bày, trình diễn phục vụ du khách. Mọi người lúc chăm chú xem múa rối Hải Phòng, lúc thích thú trải nghiệm đánh đàn đá Khánh Hòa hay hòa mình vào vũ điệu cồng chiêng Tây Nguyên…

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông cho rằng, triển lãm giúp quảng bá hệ thống di sản phong phú, đặc sắc của quốc gia, tạo không gian cho các địa phương, các chủ thể gắn bó với di sản giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời mở ra cơ hội kết nối, thúc đẩy du lịch văn hóa, du lịch di sản, du lịch xanh.

Người dân và du khách thưởng thức một tiết mục múa rối của đơn vị Hải Phòng. Ảnh: P.Q
Người dân và du khách thưởng thức một tiết mục múa rối của đơn vị Hải Phòng. Ảnh: P.Q

Thời gian qua, trên nền tảng các di sản văn hóa kết hợp với danh lam thắng cảnh, những người làm du lịch đã tạo ra nhiều hành trình du lịch đặc sắc, tạo ra tiếng vang lớn như Quảng Bình - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sapa…

Ngành du lịch Việt Nam đã xác định văn hóa là một trong những loại hình có lợi thế lớn nhất để khai thác, nâng tầm thương hiệu du lịch nước ta. Trong 3 năm liên tiếp (2019 - 2021), Việt Nam được tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) vinh danh là “điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”.

Hội An cũng được vinh danh là “điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á” trong các năm 2019, 2021. Và di sản chính là chất liệu quan trọng để nâng tầm thương hiệu du lịch văn hóa của quốc gia cũng như các địa phương.

PHẠM QUỐC