Bộ khuyên tai văn hóa Sa Huỳnh ở Bảo tàng Quảng Nam
Tại không gian trưng bày chủ đề văn hóa Sa Huỳnh của Bảo tàng Quảng Nam, bộ sưu tập khuyên tai khiến không ít khách tham quan ngạc nhiên về tư duy thẩm mỹ, kỹ năng và trình độ chuyên môn hóa cao của người cổ Sa Huỳnh.
Hiện vật Sa Huỳnh ở xứ Quảng
Bản đồ phân bố di tích khảo cổ học Quảng Nam cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh đã thám sát, khai quật khảo cổ học hơn 45 di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh; phân bố từ vùng núi đến đồng bằng ven biển, trên các dạng địa hình như vùng đồi gò, cồn cát ven sông, ven biển.
Hiện nay sưu tập khuyên tai do Bảo tàng Quảng Nam lưu giữ và trưng bày còn thiếu loại hình khuyên tai hai đầu thú và các loại hình khuyên tai bằng thủy tinh (do Bảo tàng Đà Nẵng lưu giữ). Thiết nghĩ, Bảo tàng Đà Nẵng cần chia sẻ một số loại hình khuyên tai còn thiếu cho Quảng Nam để mọi người có cơ hội chiêm ngưỡng đầy đủ sưu tập khuyên tai của cư dân Sa Huỳnh trên vùng đất xứ Quảng, từ đó góp phần bảo tồn, phát huy tốt hơn giá trị di sản văn hóa, lịch sử truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Hiện vật thu được trong các đợt khai quật được trưng bày trong tủ kính theo loại hình, chất liệu hoặc theo cụm: công cụ lao động, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt, mộ chum, đồ trang sức. Qua đó giúp người xem dễ dàng hình dung địa bàn sinh sống và đời sống xã hội của cư dân Sa Huỳnh cách đây 2.000 - 2.500 năm.
Theo nội dung bảng trích giới thiệu về đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh: “Đồ trang sức khá phong phú thể hiện ở số lượng, loại hình, chất liệu như: khuyên tai hình vành khăn, khuyên tai ba mấu, khuyên tai hai đầu thú… bằng các chất liệu thủy tinh, các loại đá quý như mã não, amethyst, nephrite,… vàng, bạc, đồng được chôn trong các mộ táng đã phản ánh đời sống vật chất, thẩm mỹ, địa vị của cư dân; đồng thời thể hiện sự phát triển của nghề chế tác đồ trang sức.
Những sản phẩm bằng thủy tinh ở dạng bán thành phẩm, phế phẩm hay các vụn thủy tinh nguyên liệu được tìm thấy là chứng cứ của việc chế tác thủy tinh. Trong khi đó, trang sức bằng chất liệu mã não là sản phẩm ngoại nhập hoặc được chế tác tại chỗ. Đồ trang sức bằng vàng có mặt trong một số di chỉ như Gò Mả Vôi, Lai Nghi, An Bang, Gò Mùn…”.
Năm 1997 trở về trước, Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng (Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay) đã đào thám sát và khai quật nhiều di tích trên địa bàn Quảng Nam và thu được nhiều loại hình hiện vật khá phong phú.
Trong đó, có khuyên tai hai đầu thú bằng đá, thủy tinh (dùng cho nam giới); khuyên tai ba mấu bằng đá, thủy tinh tại di tích Đại Lãnh, Gò Mùn, Gò Chùa (huyện Đại Lộc) và di tích bãi mộ chum Pa Xua (thuộc địa phận làng Pa Xua, xã Tà Bhing, Nam Giang), Gò Mả Vôi (huyện Duy Xuyên)… Hiện nay, Bảo tàng Đà Nẵng lưu giữ và trưng bày những hiện vật này.
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Bảo tàng Quảng Nam tiếp tục đào thám sát và khai quật hàng chục địa điểm, di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh thu được nhiều hiện vật có giá trị.
Bảo tàng hiện lưu giữ và trưng bày sưu tập khuyên tai hơn 40 chiếc các loại bằng đá; bao gồm: khuyên tai ba mấu, khuyên tai hình vành khăn, khuyên tai hình con đỉa, khuyên tai tròn có ren xoắn, khuyên tai hình vuông thu được trong các mộ chum đều là đồ tùy táng (chôn theo người chết).
Trình độ chế tác tinh xảo
Theo các nhà khoa học, khuyên tai bằng đá được cư dân Sa Huỳnh chế tác thủ công, sử dụng kỹ thuật cưa, cắt gọt, giũa, khoan, đánh bóng... Đầu tiên là tạo mẫu đá có kích cỡ và hình dáng gần với khuyên tai, sau đó dùng dụng cụ cắt khía, khoan tách lõi tạo mấu đeo (được định vị để khoan tách lõi từ hai mặt, dùng cưa để cắt khe hở của mấu đeo), cắt, gọt cẩn thận, tỉ mỉ và sau cùng là mài chuốt lại cho nhẵn. Đây là sản phẩm đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh do người Sa Huỳnh sáng tạo; kỹ thuật chế tác và phong cách sử dụng là một trong những thành tựu của văn hóa Sa Huỳnh.
Khuyên tai ba mấu (17 chiếc) là đồ trang sức của phụ nữ; khuyên tai được chế tác bằng đá màu trắng đục có vân xanh, đá màu xanh ngọc; toàn bộ các bộ phận của khuyên tai đều được mài nhẵn; có cấu tạo tương đối phức tạp và độc đáo, tạm chia thành 3 phần: thân, mấu đeo và 3 mấu nhọn.
Khuyên tai hình ô-van, mấu đeo được khoét lỗ tròn ở 1/3 của thân và cắt hở một bên nhằm đeo vào tai thuận lợi; thân khuyên tai hình ô-van hơi vát hẹp ở phần mấu đeo, xung quanh thân dưới có 3 mấu nhọn hình chữ V ngược cách đều nhau nhô ra; phần giáp giữa thân với mấu nhọn là đường rãnh lõm và đường gờ nổi sắc cạnh, đầu nhọn của mấu cũng sắc cạnh và ngắn. Có một số khuyên tai phần thân có khoét mấu đeo không vát hẹp mà tròn đều, đường gờ và đầu nhọn của mấu không sắc cạnh mà được chuốt tròn.
Khuyên tai hình vành khăn (hơn 25 chiếc) là đồ trang sức của phụ nữ; có dáng là một vòng nhỏ, bản rộng và mảng dẹp, có khe hở trên vành, được chế tác từ đá trắng đục có vân xanh, đá màu xanh ngọc.
Loại khuyên tai này được tìm thấy trong nhiều di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh. Khuyên tai hình vuông, chế tác bằng đá màu trắng đục, không có khe hở ở vành, chính giữa có khoan lỗ hình tròn. Loại khuyên tai này chỉ phát hiện 1 chiếc tại di tích Bình Yên (xã Quế Phước, huyện Nông Sơn).
Khuyên tai hình con đỉa (2 chiếc), bằng đất nung, có màu nâu đen, lớp áo bên ngoài nhẵn, ở giữa phình to, mặt cắt ngang thân có hình hơi tròn, nhỏ và cong dần về hai đầu (giống như con đỉa đang no máu), được phát hiện ở di tích Gò Chùa (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn) và di tích Lai Nghi (phường Điện Nam Đông, Điện Bàn). Các nhà nghiên cứu cho rằng khuyên tai hình con đỉa là sự biến đổi về mặt hình thái, chất liệu, kỹ thuật chế tác trong các loại hình khuyên tai của văn hóa Sa Huỳnh.
Khuyên tai hình tròn có ren xoắn (4 chiếc), được làm bằng kim loại vàng, tiết diện tròn, toàn thân có ren xoắn, có khe hở ở thân; thu được trong mộ chum ở di tích Lai Nghi (Điện Nam Đông, Điện Bàn) cùng với những đồ trang sức bằng đá quý, thủy tinh và đồ tùy táng khác.
Loại khuyên tai này phát hiện rất ít, đây có thể là trang sức của thành phần giàu có trong xã hội. Các nhà nghiên cứu cho rằng khuyên tai này chế tác theo kỹ thuật hàn kín nhiều đĩa nhỏ với nhau hoặc bằng một công cụ hình chữ V, song để xác định chắc chắn thì cần phải tiếp tục nghiên cứu.