Muối của biển
(VHQN) - Diện mạo văn hóa Quảng Nam khá phong phú, đa dạng với bề dày di sản nhiều giá trị. Đi cùng hành trình xây dựng, phát triển vùng đất con người nơi đây, các công trình nghiên cứu văn hóa ngày càng đầy đặn. Trong đó, có những cuốn sách về văn hóa biển như vị muối kết tinh tâm huyết và trí tuệ đã được ra đời.
Dải đất ven biển và vùng biển Quảng Nam bao trùm nhiều làng quê chân sóng, cửa sông, hải đảo, với hơn nửa số cư dân của tỉnh. Những nơi ấy ẩn tàng nhiều giá trị đặc trưng của sinh hoạt văn hóa, đời sống, đẫm đầy hương vị sông nước và biển cả.
Cá mắm các loại thấm vị muối. Còn đời thấm những câu hò nhân ngãi, hát bả trạo cầu ngư, lễ hội cầu mùa, tạ ơn thần biển. Đời cũng thấm bao tri thức nghề được trao truyền nhiều thế hệ. Đời cực khổ mà phóng khoáng trong nắng gió chang chang cồn cát, tiếng sóng ầm ào vang vọng nghìn xưa về các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt…
Trải nghiệm và làm việc nghiên cứu trên dải đất này, nhiều người khao khát tìm tòi các giá trị văn hóa biển, chắt chiu chưng cất thành sách để góp phần bảo tồn và phát huy vốn quý truyền thống.
Đã có những công trình mang tính địa chí của các địa phương ven biển như Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành, ít nhiều đề cập giá trị của văn hóa biển. Như cuốn “Địa chí Quảng Nam” là công trình nhiều tác giả đã cũng dành số trang đáng kể để khái quát về văn hóa biển, mô tả sơ bộ một số làng biển và lễ hội tiêu biểu vùng biển.
Tiếp cận sách nghiên cứu về văn hóa biển Quảng Nam một cách có hệ thống, nổi lên những tên tuổi đáng chú ý như Nguyễn Văn Bổn, Tôn Thất Hướng, Trần Văn An…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn là một trong những người tiên phong sưu tầm biên khảo về văn học dân gian của đất Quảng. Khởi sự từ sớm với bộ sách “Văn nghệ dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng” (2 tập) xuất bản vào các năm 1983, 1984. Đến 2001, ông cho xuất bản cuốn “Văn học dân gian Quảng Nam miền biển”.
Sau tập này, ông tiếp tục điền dã, sưu tầm, khảo sát, bổ sung để có thêm “Văn học dân gian miền núi” vào năm 2004 và đến tháng 1.2018 chỉnh sửa bổ sung, tái bản bộ sách đồ sộ trình bày sang trọng 4 tập “Văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng” với hơn 2.000 trang in. Quả đó là “bộ sách đời người” mà Nguyễn Văn Bổn tâm huyết dành tặng cho quê hương!
Tôn Thất Hướng cũng là tác giả biên khảo đáng chú ý về văn hóa Quảng Nam. Qua nhiều năm công tác trong ngành văn hóa, ông đã kỳ công sưu tầm, chắt lọc và khi sắp sửa nghỉ hưu kịp cho ra đời 2 cuốn sách về “Không gian văn hóa cồng chiêng” và “Quảng Nam - Truyền thống văn hóa biển”.
Khảo cứu văn hóa biển, Tôn Thất Hướng đề cập các giá trị cốt lõi của quá trình cộng sinh, hình thành làng xã và các sinh hoạt tín ngưỡng rất đặc thù ở hầu khắp huyện thị, thành phố ven biển Quảng Nam.
Chẳng hạn như về lễ hội cầu ngư, người dân làng biển đến với hát bả trạo “để trao truyền những kinh nghiệm, tái hiện cách thức lao động trên biển đầy bí ẩn; đồng thời cũng là chỗ dựa tinh thần về thế giới tâm linh khi con người đối mặt với thiên nhiên, với biển khơi đầy sóng gió”.
Hoặc tâm thức “đối diện với biển, họ cảm thấy mình thật nhỏ bé và đã có nhiều người gặp nguy hiểm, thậm chí không bảo toàn tính mạng nơi biển trong lúc đi đánh bắt xa bờ. Đó trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với cư dân biển và họ cần một chỗ dựa tinh thần trong những chuyến đánh bắt dài ngày ở biển khơi. Trong hoàn cảnh ấy tồn tại niềm tin tâm linh từ sự tôn thờ những vị thần biển…”.
Không đi vào phạm vi rộng như hai tác giả vừa kể mà nghiên cứu biển đảo ở một địa phương có nhiều giá trị đặc trưng, nhà nghiên cứu Trần Văn An đã xuất bản “Tri thức dân gian - nguồn tư liệu quý về biển đảo nhìn từ Hội An”. Công trình này đúc kết quá trình điền dã, sưu tầm, khảo cứu suốt 15 năm, từ 2000 đến 2016 mới hoàn thành, xuất bản.
Chi hội Văn nghệ dân gian Hội An, nơi ông Trần Văn An gắn bó, cũng đã tổ chức tập hợp cho ra đời cuốn sách “Trên nguồn dưới biển”. Trong đó có phần “Dạt dào biển cả” với các bài nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian, làng nghề truyền thống; nghệ thuật thơ, ca, hò, vè; các trầm tích văn hóa; sinh hoạt, lễ hội truyền thống... ở miền biển. Trần Văn An còn có tập khảo cứu “Biển đảo trong văn hóa văn nghệ dân gian Hội An” được trao Giải thưởng Văn học - nghệ thuật đất Quảng lần III (2014 - 2018).
Phùng Tấn Đông chưa ra sách riêng nghiên cứu về biển, nhưng ông đã tham gia viết chung trong nhiều tập sách của Chi hội Văn nghệ dân gian Hội An hay Văn nghệ dân gian Thăng Bình,… cũng như có các bài nghiên cứu về văn hóa biển xứ Quảng đăng tải trên nhiều tờ báo, tạp chí.
Những cuốn sách về văn hóa biển Quảng Nam của Nguyễn Văn Bổn, Tôn Thất Hướng, Trần Văn An… là vị muối kết tinh từ hành trình lao động điền dã, sưu tầm và biên khảo miệt mài suốt nhiều năm tháng. Dĩ nhiên với số đầu sách còn ít ỏi vẫn như… “muối bỏ bể” so với bề dày giá trị văn hóa biển Quảng Nam.
Vùng đất và con người nơi chân sóng ngửa mặt nhìn ra Biển Đông mênh mông trùng khơi những vỉa quặng tri thức cùng câu chuyện hàm chứa các giá trị nhân sinh quan, vũ trụ quan, sẽ còn tiếp tục “đặt hàng” cho giới nghiên cứu văn hóa xa gần.