Người Việt xưa gìn giữ biển đảo
(VHQN) - Nhận thức về chủ quyền đối với biển đảo của người Việt đã được hình thành rất sớm. Điều này được ghi nhận từ sử sách, cũng như thể hiện trong nhiều tư liệu đang được lưu truyền trong các đình miếu làng xã, đền thờ tộc họ ở nhiều nơi.
Trong công tác sưu tầm và nghiên cứu những sử liệu liên quan đến quá trình chiếm hữu, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, chúng tôi đã tiếp cận nhiều tư liệu phản ánh công cuộc khai chiếm và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của người dân nước Việt. Song hành là hoạt động xác lập và hành xử chủ quyền đối với biển đảo do các nhà nước Việt Nam thực hiện.
Những sử liệu này cho thấy người dân không chỉ xem biển đảo là môi trường sống, nơi cung cấp sinh kế cho họ, mà còn là cương vực quốc gia mà họ có bổn phận phải bảo vệ với tư cách công dân. Do vậy họ đã tham gia công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia bằng những hành động thiết thực và cụ thể.
Tờ đơn xin tái lập đội Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn thời Tây Sơn
Tại nhà thờ họ Võ ở thôn Tây (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), lưu giữ tờ đơn đề ngày 15 tháng Giêng năm Cảnh Hưng 36 (1775), do ông Hà Liễu, Cai hợp phường Cù Lao Ré (thuộc xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi đương thời) đứng tên, gửi chính quyền Tây Sơn để xin tái lập đội Hoàng Sa.
Nội dung tờ đơn viết: “Nguyên xã chúng tôi xưa đã có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương. Vào năm Tân Mùi (1631), Đốc chiến là Võ Hệ đã đệ đơn tâu xin, được cho lập hai đội nữa là đội Đại Mạo Hải Ba và đội Quế Hương Hàm, với nhân số là 30 người.
Hàng năm thường nạp thuế bằng 10 [thạch] đồi mồi, hải ba, năm lượng quế hương. Đến năm Quý Mão (1723), vâng lệnh truyền rằng: Dân trong thuộc Hà Bạc ai có bằng son, đơn son thì nạp thuế biệt nạp và mang theo sổ sách.
Thế là dân số phải bổ sung, dân binh cũng bắt đầu. Đến đó quân nhân xã chúng tôi còn 23 người, phải bổ sung người và chi tiền đi đường như trước, nên Cai đội mới đốc suất được công việc từ đó đến nay.
Bây giờ, chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ, gồm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng: đồng, thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu xin dâng nạp.
Nếu như có tờ truyền báo xảy ra chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm. Xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm nhặt báu vật cùng thuế quan đem phụng nạp. Xin dốc lòng làm theo sở nguyện chẳng dám kêu ca. Chúng tôi cúi đầu mong ơn”.
Tờ đơn được gửi cho chính quyền Tây Sơn và được Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc xem xét, chuẩn thuận.
Theo chúng tôi, đây là một sử liệu rất giá trị, chứng minh rằng các đội Hoàng Sa và Quế Hương tổ chức khai thác các nguồn lợi từ Hoàng Sa - Trường Sa (bấy giờ gọi chung là Bãi Cát Vàng), đặt dưới sự quản lý của các chúa Nguyễn, đã hình thành từ đầu thế kỷ 17.
Khi chính quyền Tây Sơn thay thế họ Nguyễn cai quản Đàng Trong, thì dân chúng ở quê hương của những “hùng binh Hoàng Sa” đã xin phép tái lập những đội này, chịu sự quản lý của nhà Tây Sơn, tiếp tục ra Hoàng Sa - Trường Sa khai thác các nguồn lợi có từ lâu đời. Đồng thời họ cũng tình nguyện trở thành “chiến binh trên biển”, sẵn sàng chiến đấu chống lại những kẻ xâm phạm lãnh hải, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Từ hoạt động dân sự...
Hoạt động khai thác và chiếm hữu Hoàng Sa - Trường Sa đã được các nhà nước phong kiến Việt Nam thực thi từ rất sớm. Các sử liệu như “Đại Việt sử ký tục biên”, “Phủ biên tạp lục”, “Đại Nam thực lục tiền”… được biên soạn trong các thế kỷ 17 - 19 cho biết: Việc khai thác nguồn lợi trên các đảo ở Biển Đông, lúc đầu là những hoạt động tự phát của dân chúng. Về sau mới được triều đình chúa Nguyễn tổ chức quy củ nhằm mục đích khai thác sản vật quý hiếm trên các đảo này để cung tiến cho triều đình nhà chúa ở Phú Xuân.
“Toản tập An Nam” lộ (do Nho sinh Đỗ Bá biên soạn vào năm 1686) ghi nhận: “Mỗi năm đến tháng cuối đông [chúa Nguyễn] đưa 18 chiếc thuyền đến đó [Bãi Cát Vàng] nhặt vàng bạc”.
Thích Đại Sán, một nhà sư người Trung Hoa có mặt ở Đàng Trong vào cuối thế kỷ XVII đã phản ánh trong “Hải ngoại kỷ sự”: “Các quốc vương thời trước [tức các chúa Nguyễn trước Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725)], hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo các bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư hỏng dạt vào”.
Dần dần, chúa Nguyễn đã biến các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, Thanh Châu, Quế Hương Hàm… được thành lập ở các làng xã ven biển miền Trung thành các đội chuyên nghiệp, vừa khai thác hải vật từ biển đảo; vừa tham gia kiểm soát, tuần phòng và bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Biển Đông.
Sang thời Nguyễn (1802 - 1945), ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long (1802 - 1820) đã cho tái lập đội Hoàng Sa). Theo sách “Đại Nam thực lục”, năm 1803, vua Gia Long đã “sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”; năm 1815 “[vua] sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình”. Năm 1816, vua đã ra lệnh cho đội Hoàng Sa cùng thủy quân của triều đình ra thăm dò, đo đạc thủy trình và cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa để biểu tượng cho chủ quyền của Việt Nam.
... đến biên chế thủy quân
Hoạt động thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa - Trường Sa được thực thi liên tục và triệt để hơn dưới triều Minh Mạng (1820 - 1841).
Năm 1833, vua Minh Mạng phái người ra Hoàng Sa dựng miếu, lập bia và trồng cây; năm 1834, vua sai Giám thành vệ đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng hơn 20 thủy quân đi ra Hoàng Sa vẽ bản đồ; năm 1835, vua sai Cai đội thủy quân Phạm Văn Nguyên đem lính và thợ ở Giám thành vệ cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chở vật liệu ra Hoàng Sa dựng miếu, lập bia đá và xây bình phong trước miếu.
Năm 1836, vua Minh Mạng sai Chánh đội trưởng Thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền ra Hoàng Sa đo đạc, vẽ bản đồ các đảo, hòn, bãi cát... thuộc quần đảo này.
Phạm Hữu Nhật đã mang theo 10 cọc gỗ, trên cọc có khắc dòng chữ Hán (Việt dịch): “Năm Minh Mạng 17, Bính Thân, Chánh đội trưởng Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc, đến đây khắc lưu chữ này”. Đây là hình thức cắm mốc chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, do Phạm Hữu Nhật thực hiện theo lệnh của vua Minh Mạng.
Như vậy, đến đầu thời Nguyễn, đội Hoàng Sa không còn là một tổ chức đơn vị làm “kinh tế biển” đơn thuần, do nhà nước quản lý như dưới thời chúa Nguyễn, mà được biên chế hoạt động cùng thủy quân của triều đình, ra biển khơi thực hiện các nhiệm vụ vãng thám, tuần phòng, hành xử chủ quyền biển đảo quốc gia.
Từ năm 1834 đến năm 1836, các chuyến vãng thám Hoàng Sa do các Cai đội Thủy quân Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật,... thống lĩnh thủy binh, quan chức của Giám thành vệ, biền binh, cùng phu thuyền trong đội Hoàng Sa đã đo đạc hải lưu, thống kê các đảo, vẽ bản đồ cương giới mặt biển, cung cấp dữ liệu để triều đình Minh Mạng hoàn thành “Đại Nam nhất thống toàn đồ” vào năm 1838. Đây là bản đồ hành chính đầu tiên của nhà nước Việt Nam có định danh rõ ràng Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa.
Các triều Thiệu Trị (1841 - 1847) và Tự Đức (1848 - 1883) đều duy trì việc quản lý hành chính trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ngoài việc hành xử chủ quyền, các hoạt động trên còn cung cấp những hiểu biết tốt nhất về địa lý và hải trình ở vùng biển đảo này và giúp cho việc thu thuế đánh bắt hải sản trong vùng và hỗ trợ, cứu nạn tàu bè bị gặp nạn khi lưu thông qua vùng biển này.
Như vậy, có thể thấy rằng, từ việc coi biển đảo là môi trường tự nhiên để khai thác, người Việt đã dần dần nhận thức đây là không gian sinh tồn, là cương vực trên biển của quốc gia.
Từ đó, các nhà nước phong kiến đã tổ chức các hoạt động bài bản và dài hạn để kết hợp khai thác nguồn lợi đến từ biển đảo, đồng thời củng cố biên cương, thực thi và bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.