Du lịch hay lữ hành?

THỤY BẤT NHI 29/05/2022 05:21

Sử dụng từ ngữ chính xác trong hoạt động du lịch là điều cần thiết, từ đó mới có thể quản lý tốt cũng như xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp với tình hình mới.

Khách quốc tế trở lại Hội An. Ảnh: Q.Tuấn
Khách quốc tế trở lại Hội An. Ảnh: Q.Tuấn

Dịch bệnh dần giãn lùi, mọi hoạt động xã hội dần trở lại bình thường. Bắt đầu từ tháng 5.2022, hoạt động du lịch Quảng Nam được kích hoạt mạnh mẽ trở lại, với lượng du khách đổ dồn về các tâm điểm tham quan như Hội An, Mỹ Sơn…

Dự báo trong mùa đông 2022, số lượng du khách quốc tế quay lại Việt Nam chọn Quảng Nam làm điểm đến cũng sẽ tăng gấp nhiều lần. Tình hình cho phép giới kinh thương địa phương tự tin nhận định, du lịch đang trên đà hồi phục thành công.

Tuy nhiên, với giới chuyên môn, hai chữ du lịch cũng nảy sinh một tiểu tiết cần quan tâm. Ấy là trong tiếng Việt, hoạt động tham quan, vui chơi giải trí được định nghĩa là du lịch, sử dụng hai chữ có nguồn gốc chữ Hán; còn vận dụng từ Hán ngữ hiện đại, lại là hai chữ lữ du và lữ hành.

Rất đông du khách nước ngoài đến Hội An, Quảng Nam trước mùa dịch, cũng là người Đài Loan, Trung Quốc, khiến hoạt động thông tin du lịch địa phương cũng uyển chuyển vận dụng từ Hán ngữ hiện đại mô tả hoạt động du lịch, sử dụng các tên gọi Hội Lữ hành bên cạnh khái niệm Hội Du lịch.

Vậy sự sai khác ở đây là gì?

Về cơ bản, có thể nói, những từ Hán Việt lữ hành, du lịch đều không có gì phân biệt, đều cùng chỉ vào một phạm trù và nội dung. Trong đó, gốc chữ Hán chính là chữ du (游) có nghĩa là nhàn tản, nhìn ngắm… Tiếng Việt có nhiều từ miêu tả hoạt động này, như du ngoạn, du khảo, du hành, du lịch. Chữ du lịch được dùng phổ biến nhất và có tính khái quát hơn cả.

Cụm từ “du lịch lữ hành” vẫn được sử dụng phổ biến. Ảnh: Internet
Cụm từ “du lịch lữ hành” vẫn được sử dụng phổ biến. Ảnh: Internet

Chữ Hán hiện đại dùng từ lữ hành để chỉ du lịch. Lữ (旅) có nghĩa là ở trọ, hành (行) có nghĩa là đi lại. Từ lữ hành như vậy có nghĩa là đi chơi thưởng ngoạn, lưu trú ở lại. Tương tự, chữ lữ du (旅游) cũng có nghĩa thưởng ngoạn ngắm cảnh, rong ruổi đi chơi.

Ở đây, tiếng Việt đã ấn định chữ du lịch với hàm nghĩa sâu sắc và tinh tế hơn. Chữ lịch (歷) được cấu tạo tượng hình và hội ý, nguyên thủy vẽ hình cánh rừng và bàn chân, gồm chữ lâm (林, cánh rừng) ở trên và bộ chỉ (止, bước chân, dừng lại) ở dưới, nghĩa là đi qua cánh rừng, được hiểu đơn giản là đi qua.

Về sau, người đời cải biến chữ lâm thành bộ hòa (禾, cây lúa) và bộ mộc (木, cây), thêm bộ hán (厂, sườn núi) phía trước để diễn tả không gian phức tạp, đa dạng hơn. Chữ lịch vì thế được bao hàm nhiều nghĩa bên trong, tạo thành nghĩa mở rộng là trải qua, đi qua, thực nghiệm qua. Du lịch, vì thế không chỉ là trạng thái vui chơi nhàn tản suông, mà phải gắn với sự trải nghiệm, thấu hiểu, trải qua…

Đây chính là thực trạng mà ngành du lịch lâu nay cần nhìn nhận lại để thay đổi. Trong quan niệm du lịch của người châu Âu, du lịch luôn gắn với tiêu chí học hỏi, trải nghiệm thực tế, nắm bắt rõ hơn những thông tin mà sách vở, phim ảnh không phản ảnh, thể hiện hết được.

Một kế hoạch du lịch luôn được người châu Âu lập ra với những tiêu chí cụ thể về thông tin, bài học sẽ có được sau chuyến đi. Hoàn toàn không có chuyện người châu Âu đi du lịch chỉ bằng cảm tính, hứng thú nhất thời, ở nơi đến chỉ nhìn ngó kiểu cưỡi ngựa xem hoa hay chỉ tổ chức ăn uống và thể hiện bề nổi đi lại.

Quan điểm du lịch trong tiếng Việt, vì thế thực sự rất sâu sắc và đầy đủ, đòi hỏi lựa chọn của người Việt phải khác biệt khi thực hiện hoạt động này. Với một thị trường du lịch văn hóa đậm đặc bản sắc và chiều sâu như Quảng Nam, hoạt động du lịch và tổ chức du lịch như vậy mới thực sự có những giá trị bền vững và tích cực.

Áp dụng hai chữ du lịch để thay đổi thực trạng du lịch sau dịch bệnh, âu cũng là điều cần nghiền ngẫm vậy!

THỤY BẤT NHI