Phát huy giá trị di tích mộ cụ Nguyễn Chỉ
Mới đây, UBND tỉnh công nhận mộ cụ Nguyễn Chỉ (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Gần 70 năm cuộc đời với hơn 30 năm liên tục tham gia các phong trào cách mạng từ Duy tân, Đông du đến đấu tranh cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cụ Nguyễn Chỉ (1866 - 1935) là tấm gương yêu nước mãnh liệt, ý chí chiến đấu kiên cường. Sinh thời, cụ Nguyễn Chỉ là nguồn động viên đối với đồng chí, đồng bào, cổ vũ phong trào cách mạng vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Tấm gương sắt son
Cụ Nguyễn Chỉ còn có tên gọi khác là Nguyễn Kiểm, Nguyễn Lược, Cả Lược, cụ sinh năm 1866 tại làng Diêm Trường, huyện Hà Đông, nay là thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành. Cụ xuất thân trong gia đình nhà nho trung lưu làm nghề thầy thuốc, tham gia trong Hội đồng hào mục ở địa phương nên rất có uy tín đối với nhân dân trong vùng.
Với truyền thống của gia đình và quê hương, cụ Nguyễn Chỉ bộc lộ tinh thần yêu nước, tỏ rõ ý thức đấu tranh chống cường hào, áp bức, chống quan lại và chế độ thực dân.
Ngay từ năm 1905, hưởng ứng phong trào Duy tân do các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân khởi xướng, cụ Nguyễn Chỉ vận động nhân dân ủng hộ các cuộc vận động cải cách, cắt tóc ngắn, mặc âu phục, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, xây dựng hương ước, lập các hội tương tế và truyền bá văn thơ yêu nước.
Tháng 3.1930, Đảng bộ Quảng Nam thành lập, chú trọng phát triển các tổ chức yêu nước trong toàn tỉnh. Tại Diêm Trường, cụ Nguyễn Chỉ làm Tổ trưởng Tổ cứu tế đỏ hoạt động rất tích cực, phát triển được nhiều hội viên.
Tháng 12.1933, đồng chí Phan Truy - Bí thư Chi bộ An Hòa được Tỉnh ủy Quảng Nam giao nhiệm vụ đến Diêm Trường liên lạc với cụ Nguyễn Chỉ và dựa vào Tổ cứu tế đỏ kếp nạp đảng viên, thành lập chi bộ Đảng. Trên cơ sở đó, đồng chí Phan Truy đã tổ chức kết nạp đảng cho 3 người là Nguyễn Chỉ, Đinh Tần và Nguyễn Kế.
Cụ Nguyễn Chỉ được tín nhiệm cử giữ chức Bí thư Chi bộ. Lúc này, cụ Nguyễn Chỉ đã bước sang tuổi 67 nhưng vẫn tích cực tham gia hoạt động cách mạng, không quản ngày đêm, bám sát quần chúng để vận động, tuyên truyền tư tưởng cách mạng về tinh thần đấu tranh chống lại chế độ bất công của bọn tay sai phong kiến nhằm giành lại tự do cho quê hương.
Tháng 5.1935, cụ Nguyễn Chỉ cùng các đảng viên của chi bộ ghép Diêm Trường - Nghi Xuân bị địch bắt, kết án 7 tháng tù, giam ở nhà lao Quảng Nam, sau đó chuyển xuống nhà lao Hội An. Trong tù, mặc dù tuổi cao, nhưng cụ Nguyễn Chỉ vẫn giữ vững khí tiết, kiên quyết đấu tranh với địch đến cùng.
Do bị địch tra tấn liên tục, chế độ ăn uống kham khổ, cụ Nguyễn Chỉ đã qua đời vào ngày 12.6.1935. Trước lúc hy sinh, cụ Nguyễn Chỉ đã nhắn nhủ: “Tôi chết nhưng không ân hận gì vì đã làm tròn nhiệm vụ người cách mạng, các đồng chí phải giữ vững tinh thần tiếp tục đấu tranh cho sự nghiệp của Đảng…”.
Phát huy giá trị di tích
Sau khi mất, gia đình đưa thi hài cụ Nguyễn Chỉ về an táng trong khu vườn nhà ở thôn Đông An. Sau năm 1975, chính quyền địa phương di dời mộ cụ về Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Giang. Năm 2019, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và gia tộc, mộ cụ Nguyễn Chỉ được dời về lại khu vườn nhà cũ là nơi cụ đã sinh sống, tham gia các phong trào cách mạng.
Mộ cụ Nguyễn Chỉ hiện nằm trong khuôn viên rộng khoảng 300m2, trong đó diện tích ngôi mộ rộng khoảng 14m2. Mộ được xây dựng bằng vật liệu gạch, nền tráng xi măng đơn giản. Mới đây, UBND tỉnh công nhận mộ cụ Nguyễn Chỉ là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Nơi đây, trong các dịp lễ, tết, các sự kiện trọng đại, ngày giỗ của cụ Nguyễn Chỉ, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, con cháu trong gia đình đều thắp hương làm lễ tri ân.
Ông Huỳnh Văn Cường - Trưởng phòng VH-TT Núi Thành cho biết, UBND huyện đang chỉ đạo các cơ quan của huyện, UBND xã Tam Giang có hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích mộ cụ Nguyễn Chỉ.
Phòng VH-TT đã xúc tiến thành lập Tổ quản lý di tích. Trước mắt, tiến hành khoanh vùng bảo vệ và thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích; sau đó bảo tồn, tôn tạo một số hạng mục liên quan đến di tích như xây dựng không gian tưởng niệm cụ Nguyễn Chỉ, mở rộng khuôn viên, tạo cảnh quan, không gian di tích.
Con đường dẫn vào khu di tích mộ cụ Nguyễn Chỉ khá hẹp nên sẽ được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, kết nối khu di tích với các di tích lịch sử khác trên địa bàn huyện, qua đó tạo thành chuỗi hoạt động về nguồn, khơi dậy, lan tỏa truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ.