Xuân Đài trong tiết thanh minh

HÀ SẤU 21/05/2022 07:32

(VHQN) - Thanh minh có lẽ là thời khắc trong trẻo nhất trong năm. Dừng chân một chút nơi làng Xuân Đài (Điện Quang, Điện Bàn) mùa này để góp nhặt bồi hồi về những câu chuyện cũ.

Làng Xuân Đài (Điện Quang) nổi tiếng là vùng đất khai sinh ra nhiều bậc nhân sĩ, trí thức. Ảnh: H.S
Làng Xuân Đài (Điện Quang) nổi tiếng là vùng đất khai sinh ra nhiều bậc nhân sĩ, trí thức. Ảnh: H.S

Tế lễ Thanh minh đã duy trì ở Điện Quang bao đời nay với gần 100 họ, tộc ở cả 10 làng. Ở quê xứ luôn đề cao tập tính cộng đồng, nền nếp gia phong như Gò Nổi thì tế lễ Thanh minh là một dịp quan trọng tựa như hội làng để mọi người sum họp, tri ân tổ tiên, gìn giữ truyền thống đoàn kết giữa các tộc họ.

Có lẽ, một phần chính từ nét văn hóa tốt đẹp này mà làng Xuân Đài nói riêng hay cả xã Điện Quang nói chung luôn đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới, tạo ra một làng quê thanh bình đáng sống bên dòng sông Thu hiền hòa.

Thanh minh năm nay có thêm một dấu ấn đáng nhớ với riêng làng Xuân Đài, bởi gần như trùng với dịp kỷ niệm 140 năm ngày mất Tổng đốc Hoàng Diệu (1882 - 2022).

Trong bảng lảng sương xuân, nhớ về một nhân vật ưu tú của làng Xuân Đài, dân làng thêm mến thương người con sinh ra từ quê nghèo Xuân Đài nhưng khí tiết cao vời và tài năng, đức độ tựa phù sa bao năm bồi lắng nơi chân làng.

Tế lễ thanh minh ở xã Điện Quang. Ảnh: H.S
Tế lễ thanh minh ở xã Điện Quang. Ảnh: H.S

Và Xuân Đài không chỉ có cụ Hoàng Diệu, thật hiếm có một ngôi làng nào cùng khai sinh ra hai vị viện trưởng Toán học và Ngôn ngữ cùng nhiều bậc trí thức tầm cỡ như nơi đây.

Ông Hoàng Huề (80 tuổi), một người cháu của cụ Hoàng Diệu bộc bạch, điều đáng tự hào với con cháu trong tộc cũng như người làng Xuân Đài khi vọng về trí thức của làng trong tiết Thanh minh đâu chỉ bởi học thức mà còn về nhân cách của kẻ sĩ đi ra từ làng.

Những người như ông Hoàng Tụy, Hoàng Phê… không chỉ lỗi lạc về kiến thức mà còn đau đáu tình yêu với quê hương; từ đó luôn sẵn sàng chỉ ra những điều chưa được để chỉnh sửa vì khát vọng của một đất nước hùng cường.

Cơn mưa trái mùa như trút rồi cũng qua, vạn vật nơi “bờ xôi ruộng mật” ở làng Xuân Đài lại sinh sôi nảy nở trong mùa Thanh minh trong trẻo. Hun hút nhìn về mọi phía, chỉ có bạt ngàn màu xanh của lúa ngô, mía đậu, thi thoảng điểm xuyết những cánh hướng dương đẹp mơ màng vươn về phía bầu trời.

Giữa không gian êm đềm, về làng nghe người làng kể những câu chuyện về “giếng Bốn Trụ” hay đình làng ngày cũ… để tường minh hơn về một vùng đất sản sinh ra nhiều con người ưu tú. Đó liệu rằng có thể trở thành một câu chuyện du lịch xanh của tiết Thanh minh làng Xuân Đài nhiều năm về sau này?

HÀ SẤU