Chuẩn hóa trùng tu đền tháp Chăm

VĨNH LỘC 15/04/2022 08:22

Với hàng chục công trình còn hiện diện, những năm qua việc bảo tồn, trùng tu kiến trúc đền tháp Chăm ở Quảng Nam đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, để chuẩn hóa về yêu cầu vật liệu và kỹ thuật thi công đã đến lúc cần có tiêu chuẩn đồng bộ.

Việc trùng tu tháp Chăm sau này sẽ được chuẩn hóa. Ảnh: V.L
Việc trùng tu tháp Chăm sau này sẽ được chuẩn hóa. Ảnh: V.L

Hội thảo “Đóng góp ý kiến khoa học xây dựng dự thảo TCVN: Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích kiến trúc nghệ thuật - Yêu cầu vật liệu và kỹ thuật thi công, nghiệm thu đền tháp Chăm” do Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL) tổ chức vừa diễn ra, đã phân tích những nguy cơ các đền tháp Champa đang đối diện, đồng thời đề ra những gợi mở khoa học hướng đến chuẩn hóa quy trình tạo vật liệu và kỹ thuật trùng tu di tích Chăm sau này.

Giải pháp về gạch trùng tu

Theo nhà nghiên cứu Lê Trí Công, hơn thế kỷ qua đã có nhiều công trình nghiên cứu gạch Chăm nhưng kết quả sử dụng chưa đáp ứng được yêu cầu. Phần lớn gạch đưa vào trùng tu sau thời gian thường xuất hiện hiện tượng rêu mốc, vôi trắng hoặc mủn mục.

Tại một số đền tháp Mỹ Sơn tình trạng này cũng diễn ra sau trùng tu, mặc dù gạch mới thay thế được sản xuất theo các thông số và tiêu chí khoa học cụ thể.

Bên cạnh phương pháp xây tháp và vật liệu kết dính, gạch đóng vai trò rất quan trọng để một công trình tháp Chăm tồn tại. Tại dự án bảo tồn nhóm tháp G Mỹ Sơn, các chuyên gia đến từ đại học Milan (Ý) đã nghiên cứu tìm ra các thông số cơ bản trong gạch Chăm và đặt hàng sản xuất tại xã Duy Hòa (Duy Xuyên).

Tuy nhiên, theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ - người có nhiều năm tham gia trùng tu đền tháp Champa Mỹ Sơn (hiện đang trùng tu nhóm tháp Khương Mỹ, Núi Thành), để làm ra viên gạch Chăm với các thông số tương ứng gạch gốc không hề dễ và không phải khi nào cũng thành công.

Đôi khi một “mẻ” gạch nung ra 2.000 viên chỉ chọn được 500 viên nhưng cũng chưa hẳn tốt hoàn toàn. Vì vậy, cần có một tiêu chuẩn về sản xuất gạch, đồng thời quá trình sản xuất không chỉ dựa trên các thông số kỹ thuật cụ thể mà vật liệu đất sét cũng phải phù hợp và được thi công dưới sự giám sát kỹ càng.

Nhà nghiên cứu Lê Trí Công đưa ra giả thuyết về các thành phần trong gạch Chăm xưa chính là đất sét + phân bò + phụ gia (một số phụ phẩm nông nghiệp bụi cưa, vỏ đậu phộng, than củi, bã mía) và cho rằng cần xem đây như một hướng mở trong quá trình nghiên cứu gạch Chăm.

“Qua nghiên cứu tôi nhận thấy, phân bò khi được thêm vào đất sét sẽ làm thay đổi đặc tính của những loại đất sét, cải thiện độ dẻo, giảm đứt gãy và hoạt động như nhiên liệu bên trong khi nung gạch, do đó giảm vết nứt khi nung dẫn tới chất lượng tốt hơn so với các chất phụ gia thải hữu cơ khác.

Đặc biệt, hàm lượng phân bò trong gạch càng cao thì cường độ và mật độ của chúng càng thấp và độ hút nước càng lớn. Chúng tôi đã có những thực nghiệm gạch đất sét trộn phân bò tại Mỹ Sơn, kết quả các thông số vật lý rất sát gạch gốc, tuy vậy các thông số hóa học hơi khác vì chưa tìm ra nguồn đất làm gạch giống ngày xưa” - nhà nghiên cứu Lê Trí Công chia sẻ.

Gắn khảo cổ với trùng tu di tích

Một số nhà nghiên cứu nhìn nhận, việc đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật về vật liệu và chất kết dính theo tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay là cần thiết, bởi hầu như các đền tháp Chăm đều xuống cấp cần trùng tu bảo tồn.

Việc trùng tu tháp Chăm sau này sẽ được chuẩn hóa. Ảnh: V.L
Việc trùng tu tháp Chăm sau này sẽ được chuẩn hóa. Ảnh: V.L

TS. Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học) phân tích, đất làm gạch không hoàn toàn đất sét, không được lọc kỹ, thậm chí còn được người Chăm xưa chủ động trộn thêm phụ gia (cát, rơm, rạ, trấu...) nên xốp, độ thoát nước rất cao. Riêng chất kết dính được xác định có nguồn gốc thực vật (nhựa ô đước, dầu rái) kết hợp với kỹ thuật xây mài để có được mạch gạch cực nhỏ gần như liền khít.

“Việc bảo tồn, trùng tu các đền tháp Chăm không chỉ đòi hỏi tính chân xác về vật liệu gạch, chất kết dính mà còn phụ thuộc vào phương pháp tiến hành, nhất là vấn đề khảo cổ.

Bởi hầu hết di tích Chăm là các phế tích không nguyên vẹn, hay đúng hơn là các di tích kiến trúc khảo cổ học, nên khảo cổ học phải đi trước một bước để có những ứng xử phù hợp, khi nào chưa có giải pháp trùng tu thì không nên khảo cổ” - TS. Nguyễn Hồng Kiên nói và cho biết tháp F1 Mỹ Sơn là bài học về việc khảo cổ không gắn với trùng tu khiến gạch bị bong tróc mạch và mủn nát hoàn thổ.

KTS. Đặng Khánh Ngọc - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, đơn vị được Bộ VH-TT&DL giao thực hiện nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia TCVN: Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích kiến trúc nghệ thuật - Yêu cầu vật liệu và kỹ thuật thi công, nghiệm thu đền tháp Chăm” nói, các ý kiến tại hội thảo của nhà khoa học, cùng kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia trong lĩnh vực tu bổ di tích sẽ giúp ban soạn thảo xây dựng bộ tiêu chuẩn đạt chất lượng khoa học, đóng góp hiệu quả, thiết thực cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích Chăm sau này.

VĨNH LỘC