Kỷ niệm 140 năm ngày mất Trúc Đường Phạm Phú Thứ
(QNO) - Chiều nay 10.4, thị xã Điện Bàn tổ chức lễ kỷ niệm 140 năm ngày mất Trúc Đường Phạm Phú Thứ (1882 - 2022) - một danh thần triều Nguyễn để lại nhiều dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng và đối ngoại.
Cụ Phạm Phú Thứ sinh năm 1821 tại làng Đông Bàn, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn trong một gia đình Nho giáo nghèo nhưng có nền nếp. Với “bẩm tính thông minh, đọc sách chỉ xem qua một lần là thuộc” nên từ lúc 12 tuổi, cụ đã nổi tiếng ở trường huyện. Lên 18 tuổi, cụ đỗ đầu xứ; đỗ tú tài năm 19 tuổi.
Khoa Nhâm Dần (Thiệu Trị thứ 2 - năm 1842), ở tuổi 21 cụ Phạm Phú Thứ đỗ thủ khoa cử nhân. Năm 22 tuổi, cụ đỗ thủ khoa Hội thí, đầu bảng Đệ tam giáp Tiến sĩ Ân khoa Qúy Mão (Thiệu Trị 3 - năm 1843). Do đỗ giải nguyên và Hội nguyên nên cụ là vị “song nguyên” đầu tiên của Quảng Nam.
Cùng với các cụ Phạm Như Xương, Phạm Liệu, Trần Quý Cáp, Phạm Phú Thứ là một trong “Tứ hổ” mà nhân dân Điện Bàn ngưỡng mộ vinh danh.
Năm 23 tuổi cụ Phạm Phú Thứ ra nhậm chức ở kinh bắt đầu một đời cống hiến tâm lực cho nước cho dân. Dù hoạn lộ không mấy bằng phẳng, tuy vậy cụ vẫn luôn tận tụy với công việc, hoàn thành trách nhiệm với tinh thần của một nhà Nho liêm khiết, một đại thần tận trung, một người có tư tưởng canh tân tiến bộ, hết lòng vì nước, vì dân.
Đặc biệt, cụ nổi tiếng với tư tưởng canh tân. Đầu năm 1864, ngay sau khi đi sứ phương Tây về nước, cụ Phạm Phú Thứ khẩn thiết đề nghị vua Tự Đức tiến hành cải cách giáo dục và phát triển công nghiệp như lập nhà thủy học để tu tạo thuyền bè; đào tạo quan lại có tri thức khoa học để quản lý sông biển; tổ chức phiên dịch sách nước ngoài (Anh, Pháp, Trung Hoa, Xiêm…) để phổ biến kiến thức và học tập văn minh nước ngoài; chọn người trẻ tuổi, thông minh cho đi du học ở cả phương Đông lẫn phương Tây...
Trong đó, bộ sách “Tây hành nhật ký” được cụ Phạm Phú Thứ cho khắc bản in trên gỗ là sách cổ nhất Việt Nam nói về canh tân trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Cụ Phạm Phú Thứ còn dâng 11 lá sớ, và gửi khoảng 20 lá thư đến các đại thần trình bày những biện pháp cải cách cần phải gấp rút thi hành về binh bị, kinh tế, giáo dục, tiểu công nghệ...
Ngoài ra, cụ còn có những đóng góp tích cực cho phát triển văn hóa, văn học với một khối lượng trước tác đồ sộ phong phú về đề tài, sung mãn về nội dung trong văn học Việt Nam.
Cụ Phạm Phú Thứ là biểu trưng của tinh thần hiếu học, dù trong hoàn cảnh nhà nghèo, mẹ mất sớm nhưng đã phấn đấu vươn lên, không chỉ khai khoa cho dòng họ mà còn thể hiện năng lực đỗ cao, đỗ đầu nhiều khoa. Chính sở học này đã làm cơ sở cho cụ Phạm Phú Thứ đạt được nhiều thành tựu về sau, làm thầy dạy của vua và trổ tài kinh bang tế thế.