Lăng mộ Nguyễn Phúc Kỳ và tháp Chăm Dương Bi (xã Duy Sơn) được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh
(QNO) – Hôm nay 10.4, UBND xã Duy Sơn (Duy Xuyên) tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với lăng mộ Nguyễn Phúc Kỳ và tháp Chăm Dương Bi.
Ông Nguyễn Phúc Kỳ là con trai trưởng của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và Hoàng hậu Mạc Thị Giai. Ông sinh năm nào không rõ tại dinh Trà Bát (Quảng Trị) dưới thời chúa Nguyễn Hoàng và mất năm 1631.
Năm 1614, Nguyễn Phúc Kỳ được cử làm Trấn thủ Quảng Nam thay cha. Là người văn võ toàn tài, năm 1627 ông cầm quân phối hợp cùng Nguyễn Hữu Duật và Nguyễn Phúc Vệ đánh bại cuộc tấn công lần thứ nhất của quân Trịnh vào Đàng Trong và bảo vệ vững chắc biên giới phía Nam.
Nguyễn Phúc Kỳ là vị Tổng trấn thực hiện một chế độ mở cửa rộng rãi cho Quảng Nam. Sau khi qua đời, ông được an táng ở làng Thanh Quýt (thị xã Điện Bàn). Năm 2000, mộ Nguyễn Phúc Kỳ được con cháu Nguyễn Phước tộc Quảng Nam - Đà Nẵng cải táng về xã Duy Sơn (Duy Xuyên), tọa lạc trên một ngọn đồi có cây cối rợp bóng xanh, khu mộ có diện tích gần 100m2.
(VIDEO) - UBND xã Duy Sơn (Duy Xuyên) tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh lăng mộ Nguyễn Phúc Kỳ và tháp Chăm Dương Bi:
Còn di tích tháp Chăm Dương Bi nằm cạnh suối Đập Cây Da tại thôn Chiêm Sơn (Duy Sơn, Duy Xuyên). Đây được xem là khu đền Hindu khá lớn với hai lớp tường bao, trên tường bao bên trong có các đền thờ phụ. Mặt ngoài phần chân đền chính vẫn còn các điêu khắc, trang trí rất sắc sảo.
Những gì đã xuất lộ và kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, nơi đây từng là khu đền Hindu tiêu biểu thuộc nền văn minh Champa, minh chứng rất quan trọng cho một giai đoạn lịch sử phát triển của kiến trúc và điêu khắc Champa ở vào giai đoạn cuối thế kỷ thứ IX đến đầu thế kỷ thứ X.
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Sở VH-TT&DL trao bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh lăng mộ Nguyễn Phúc Kỳ và tháp Chăm Dương Bi cho đại diện UBND xã Duy Sơn và tộc Nguyễn Phước. Sau phần lễ, con cháu tộc Nguyễn Phước tổ chức rước bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh về đặt tại nhà thờ và tổ chức lễ cúng tế theo nghi thức truyền thống, tri ân các bậc tiền nhân.