Bản sắc, đang nằm ở đâu?
Tôi hỏi lãnh đạo một huyện miền núi của tỉnh: “Các anh định làm du lịch sinh thái kết hợp tuyên truyền, thu hút du khách từ khẩu hiệu “bản sắc văn hóa’’. Vậy bản sắc của bà con dân tộc ít người huyện anh, là gì?”. Vị lãnh đạo không ngại ngần: “Nói thiệt, nói không ra! Cồng chiêng, như nhau; múa hát, cúng tế, cũng chẳng khác nhau. Còn áo quần truyền thống mất gần hết rồi.
Bản sắc là phải khác lạ, riêng biệt, độc đáo. Chúng tôi không thấy chi riêng biệt cả. Tôi từng tham gia ý kiến 3 đề án về giữ gìn, phát huy bản sắc, cuối cùng bác hết, bởi loanh quanh cũng chi tiền may áo quần, cồng chiêng, dựng lễ, giống như nhau cả.
Đồng ý những cái trên là phải có, nhưng nếu chỉ chừng đó mà nói là bản sắc là không đúng. Bản sắc, chính là nếp sống, là văn hóa đã thẩm thấu vào đời sống, từ ăn uống, sinh hoạt đến ứng xử. Anh coi, bà con giờ, nhất là lớp trẻ, có khác chi người Kinh, thì bản sắc ở đâu?”.
Mùa du lịch, nếu lên núi sẽ nghe ra rả câu giới thiệu bản sắc độc đáo của dân tộc này, vùng đất kia… Không nói là không được, nhưng người hiểu biết, nghe chán lắm. Bởi, tất cả mọi thứ đang và sẽ diễn ra kia, để kéo du khách, hầu hết chỉ mang yếu tố trình diễn.
Áo quần, múa may, rượu chè được nhuộm màu núi, khoác áo này nọ, nhưng ý nghĩ họ có phải như vậy đâu. Nếp sống thuần biệt của chính họ, đã bị bào mòn, bốc hơi theo nhiều ngã đường, từ lâu rồi.
Đây là hậu quả của việc thời gian dài coi văn hóa xếp sau kinh tế. Tiền có thể làm ra, nhưng tính cách, không thể một ngày một bữa mà chuyển đổi về hoàn nguyên ban đầu, khi nó đã bị cuốn đi, đặt nhử trước những mảng màu mê hoặc của những thứ không phải từ văn hóa hoặc biến dạng từ đó.
Vậy, tìm lại được không? Được, nhưng không dễ.
Mùa lễ hội, du lịch, thiên hạ đi là để xả, để ngắm, để biết thêm, ta có thể móc hầu bao du khách lúc đó, nhưng khi hội tan, lễ tàn, còn lại mình ta với ta, quay về như cũ, ngẫm, có bẽ bàng không? Cho nên, hãy nói thật, và quan trọng hơn, là làm thật, để nó hiệu quả thật chứ không phải khẩu hiệu.