Nâng tầm Lễ hội Bà Thu Bồn

TÂM ĐAN - MAI LINH 16/03/2022 07:17

Với giá trị văn hóa truyền thống độc đáo gắn với đời sống tâm linh của người dân, Lễ hội truyền thống Bà Thu Bồn được nâng tầm dựa trên sự phối hợp, thống nhất giữa 2 huyện Duy Xuyên và Nông Sơn đã tạo ra sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo theo xu hướng “du lịch xanh” mà Quảng Nam hướng đến.

Nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc được tổ chức tại Lễ hội Bà Thu Bồn. Ảnh: SỰ - ANH
Nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc được tổ chức tại Lễ hội Bà Thu Bồn. Ảnh: SỰ - ANH

Lễ hội đặc sắc

Cuối tuần qua, tại huyện Nông Sơn và Duy Xuyên diễn ra nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng, thể dục thể thao đặc sắc trong khuôn khổ sự kiện Lễ hội Bà Thu Bồn năm 2022.

Địa điểm diễn ra Lễ hội Bà Thu Bồn ở huyện Nông Sơn tại Khu di tích Dinh Bà Thu Bồn (thôn Trung An, Quế Trung), ở huyện Duy Xuyên là Khu di tích Lăng Bà Thu Bồn (thôn Thu Bồn Đông, Duy Tân). Lễ hội Bà Thu Bồn ở huyện Nông Sơn và Duy Xuyên đều được công nhân là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Người dân 2 địa phương giáp ranh bên bờ sông Thu Bồn có nhiều truyền thuyết về Bà Thu Bồn. Song tất cả đều hội tụ điểm chung rằng Bà Thu Bồn là nữ tướng vua Chăm rất xinh đẹp, có mái tóc đen, dài óng mượt. Bà đã từng chinh chiến nhiều trận mạc.

Trong một lần thất thủ, Bà men theo hướng tây, đến Phường Rạnh định cư, làm căn cứ đóng quân, địa điểm ấy là Dinh Bà hiện nay. Bà dạy cho dân trồng dâu, nuôi tằm, quay tơ, dệt vải, cách dùng thảo mộc trong rừng để chữa bệnh.

Hiện trong Dinh Bà ở thôn Trung An (xã Quế Trung, Nông Sơn) vẫn còn giếng Bà, ao Bà, vườn Bà, rừng Bà, ghềnh Bà… Trong một lần giao tranh thất bại, Bà gieo mình xuống dòng sông, di thể Bà trôi xuôi và được dân làng Thu Bồn (xã Duy Tân, Duy Xuyên) an táng, thờ phụng và xây dựng Lăng Bà ngày nay.

Các di tích về Bà Thu Bồn ở huyện Nông Sơn và Duy Xuyên là những địa điểm tâm linh được người dân địa phương gìn giữ. Ảnh: SỰ - ANH
Các di tích về Bà Thu Bồn ở huyện Nông Sơn và Duy Xuyên là những địa điểm tâm linh được người dân địa phương gìn giữ. Ảnh: SỰ - ANH

Theo lãnh đạo 2 địa phương, Lễ hội Bà Thu Bồn có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân vùng thượng lưu sông Thu Bồn. Đây là lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng dân gian được truyền lại qua bao đời nhằm thể hiện lòng thành kính, tôn vinh, tri ân công đức của Bà và các vị tiền nhân trong công cuộc mở cõi, lập làng; tạo cơ sở và điều kiện cho các thế hệ kế tiếp an cư lạc nghiệp; thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Chăm, Cơ Tu, Kinh sinh sống ở thượng lưu sông Thu Bồn.

Sản phẩm “du lịch xanh”

Các nghi lễ tại lễ hội có tính đặc trưng, gắn liền với các truyền thuyết và địa danh, di tích như lễ rước nước, lễ tế Bà, lễ rước sắc, lễ thả hoa đăng, mô phỏng cảnh Bà trầm mình… Phần lễ mang lại một không khí cổ xưa với những đoàn rước cùng tán lọng, cờ xí, kiệu vai đủ màu sắc và trang phục các dân tộc Kinh, Chăm...

Phần hội với nhiều hoạt động sôi nổi trong những ngày qua tại huyện Nông Sơn và Duy Xuyên, như hát tuồng, hô bài chòi, hát hò khoan đối đáp, thi đấu bóng chuyền, kéo co, đua thuyền… thu hút lượng lớn người dân và du khách trẩy hội.

Huyện Duy Xuyên vừa tổ chức lễ đón nhận bằng di tích văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn. Ảnh: SỰ - ANH
Huyện Duy Xuyên vừa tổ chức lễ đón nhận bằng di tích văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn. Ảnh: SỰ - ANH

Được hòa mình vào các nghi lễ truyền thống, văn nghệ, trò chơi dân gian, ông Nguyễn Việt An (một du khách đến từ Đà Nẵng) chia sẻ: “Đến lễ hội, được nghe truyền thuyết, viếng hương các di tích Bà Thu Bồn khiến cho tâm hồn và lòng người nhẹ nhõm hơn. Tôi ấn tượng với giải đua thuyền truyền thống khi hai bên bờ sông người dân đến xem và cổ vũ rất sôi nổi. Hy vọng lễ hội sẽ ngày càng thu hút du khách”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, Lễ hội Bà Thu Bồn lần này là một sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động của Năm du lịch quốc gia với chủ đề “Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh”.

Nhấn mạnh một trong những nội hàm quan trọng, nhân tố trụ cột của “du lịch xanh”, là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đề nghị chính quyền huyện Nông Sơn và Duy Xuyên tăng cường quảng bá, giới thiệu đến đông đảo nhân dân, du khách gần xa nhằm phát triển du lịch mạnh hơn nữa, nhất là du lịch văn hóa tín ngưỡng.

Những giá trị đặc sắc của Lễ hội Bà Thu Bồn đã được công nhận và đang tiếp tục phát huy. Tuy nhiên, trước thực trạng một lễ hội nhưng có 2 địa phương cùng tổ chức, đã ít nhiều bộc lộ sự thiếu thống nhất, khi vẫn “mạnh ai nấy làm”.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, sắp đến huyện sẽ kiến nghị tỉnh tổ chức hội nghị hoặc tọa đàm xung quanh vấn đề tổ chức Lễ hội Bà Thu Bồn, để từ đó thống nhất một kịch bản tổ chức lễ hội chung giữa 2 địa phương nhằm nâng tầm, phát huy giá trị lễ hội qua các nghi lễ được phục dựng một cách bài bản…

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đề nghị huyện Nông Sơn và Duy Xuyên có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức lễ hội, kể cả phối hợp với các huyện phía tây của tỉnh để hình thành một chuỗi các lễ hội tri ân, tưởng nhớ về Mẹ Thu Bồn. Để từ đó liên kết lại tạo nên sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử truyền thống sông nước đặc sắc, độc đáo với quy mô lớn hơn nhằm thu hút du khách.

TÂM ĐAN - MAI LINH