Thị dân và sân khấu
Ngày nay tuồng hát bội ở ta đang đứng trước bờ vực suy tàn. Thị dân hôm nay có mức sống cao hơn, tiện nghi vật chất hơn xưa nhưng không được người lớp trước “dạy” cách yêu hát bội như câu hát cũ “mẹ ơi đừng đánh con đau/ để con hát bội, làm đàu (đào) mẹ coi”.
Những sân khấu huy hoàng
Thị dân mà bài viết nói đến ở đây là thị dân của các thị tứ, thị xã đông đúc kẻ bán người mua dọc đường thiên lý, đường liên huyện, dọc những dòng sông lớn Thu Bồn, Trường Giang làm nên cảnh “trên bến dưới thuyền” từ thế kỷ 18, 19 ở Vĩnh Điện, Hội An, Tam Kỳ, Ái Nghĩa...
Thị dân xây nên những thị trấn sầm uất là chuyện hiển nhiên nhưng thị dân cũng hình thành một xu hướng giải trí, hay món ăn tinh thần mang tính “kẻ chợ” của người “hàng tỉnh” như bộ môn hát bội thì là chuyện tốn nhiều bút mực.
Khi nghiên cứu về hát bội Quảng Nam, sử gia Phan Khoang trong sách “Việt sử xứ Đàng Trong” (NXB Khai Trí, SG 1970) cho rằng: “Từ đầu thế kỷ 17- về ca kịch, môn hát bội ở Đàng Trong cũng thạnh và khác hẳn hát bội ở Bắc Hà”. Hát bội Quảng Nam thường được cho là xuất phát từ hai cái nôi Đức Giáo và Khánh Thọ rồi mới phát triển rộng ra toàn tỉnh.
Nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký cho rằng: “Dưới triều Minh Mạng, nghệ thuật tuồng đã được biểu diễn tại Hội An được đánh giá là hay không kém tuồng ở kinh đô (Huế). Ta chưa nghiên cứu cụ thể được nó là vào năm nào, chỉ biết là khoảng từ 1820 - 1840”... vào lúc đó mà được đánh giá như vậy thì “nghệ thuật tuồng đã được hình thành tại đây từ trước nữa” (Sơ thảo lịch sử nghệ thuật tuồng - NXB Văn hóa, 1987).
Về sân khấu hát bội - cũng theo các bậc nghiên cứu cao niên đã mất như cụ Phạm Phú Tiết, cụ Hoàng Châu Ký thì “hát bội từ “sân đất” gọi là “tuồng sân” vào các dịp hội hè dân gian “loại sân khấu bốn mặt nguyên thủy, người diễn ở giữa, người xem ở chung quanh” sau tiến dần đến “tuồng rạp” - ở những đơn vị làng, xã có những địa điểm tổ chức lễ xuân kỳ, thu tế do ban tổ chức đứng ra dựng rạp, về sau do tư nhân đứng ra xây rạp như vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 - nhà soạn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh dựng rạp An Quán ở quê ông sau khi về hưu. Công chúng lúc đó có tiền để thưởng thức và nuôi nghệ thuật.
Trông người mà ngẫm đến ta
Vùng Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc... từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19 là vùng đất kinh tế - xã hội phát triển sầm uất của Đàng Trong. Trong tiểu luận “Góp bàn vấn đề lịch sử và thực tiễn của Tuồng Quảng Nam” GS. Trần Đình Hượu cho rằng: “Mấy thế kỷ trước, Quảng Nam ít gặp cảnh tàn phá của chiến tranh, kinh tế có điều kiện phát triển, tạo ra hai bên bờ sông Thu Bồn và dọc đường Cái một cuộc sống tấp nập trù phú, tạo ra trong xã hội một lớp phú nông, một lớp khách buôn ghe bầu giàu có, một vùng cư dân nuôi tằm dệt lụa, buôn bán khá giả. Những lớp cư dân đó làm cho tuồng có một công chúng đông đảo”.
Hội An, Vĩnh Điện là nơi quy tụ nhiều ban/gánh hát uy tín như gánh Quảng Hiệp Ban, Tân Thành Ban, gánh Bà Chánh Đệ, gánh Đồng Ấu... với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ như Chánh Phẩm (Nguyễn Phẩm), Chánh ca Đệ (Phạm Văn Đệ), Sáu Lai (Nguyễn Lai), Nhưn Sơn (Văn Phước Khôi), Lê Thùy, Đội Tảo (Nguyễn Nho Túy), Ngô Thị Liễu... Ở Hội An có rạp ông Bang Chầu (người Hoa) và rạp ông Tây Lai. Nhà nghiên cứu quá cố Trương Đình Quang hồi cố: “Rạp ông Bang Chầu trước cây da kèn (Cẩm Phô)... quanh năm vang dội tiếng trống chầu”.
Nhiều người thường tài trợ cho hát bội như y sĩ Phạm Phú Dõng, ông nghè Trương Hoài Thao, ông Học Chỉ (Phan Xuân Chỉ) ông Quảng Thông, ông Cả Liêu... Hai tác giả tuồng Hội An có tiếng là tú tài Phan Xuân Thận với các vở “Phụng Nghi Đình”, “Trảm Trịnh Ân”, Phan Xuân Chỉ (Học Chỉ) - con ông Thận - với các vở “Thất thủ Uyển Thành”, “Tào Tháo sát Đổng Phi”, “Dự Nhượng đả long bào”, “Chiêu Quân cống Hồ”, “Mạnh Lệ Quân”, “Nga Mao oán”.
Nhà báo Vĩnh Quyền kể về nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký (nay đã quá cố), trong một chuyến thăm Nhật từng ứa nước mắt khi các bạn trẻ người Nhật xếp hàng dài mua vé xem ca kịch kabuki - một bộ môn sân khấu cổ truyền của Nhật mà lịch sử hình thành cùng thời với hát bội xứ ta...
Ngày nay tuồng hát bội ở ta đang đứng trước bờ vực suy tàn. Thị dân hôm nay có mức sống cao hơn, tiện nghi vật chất hơn xưa nhưng không được người lớp trước “dạy” cách yêu hát bội như câu hát cũ “mẹ ơi đừng đánh con đau/ để con hát bội, làm đàu (đào) mẹ coi”.
Một chút so sánh với kabuki ở xứ Phù Tang, kabuki Nhật đã đi biểu diễn Âu Mỹ thường xuyên, ở Úc có một Nhà hát kabuki, nhiều vở kịch nói của Shakespeare được chuyển thể sang kịch múa/hát kabuki và vào năm 2005 kabuki được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể thế giới...