Thềm xuân nhớ tiếng bài chòi

NHƯ HIỀN 10/03/2022 06:44

(VHQN) - Vùng Định Quán, Tân Phú của tỉnh Đồng Nai có rất nhiều người Quảng Nam xa quê sinh sống. Cậu ruột tôi trước đây là thầy giáo dạy học ở Nông Sơn, vì cuộc sống khó khăn mà rời quê vào Tân Phú lập nghiệp cùng nhiều đồng hương khác. 

Bài chòi là hồi ức lễ hội đậm sâu trong lòng mỗi người xa xứ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Bài chòi là hồi ức lễ hội đậm sâu trong lòng mỗi người xa xứ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Bà con trong này những lúc có đám tiệc thường ngồi lại nấu mỳ Quảng, làm gỏi mít non xúc bánh tráng… Tết đến, những câu chuyện về quê hương xứ sở, về nơi chốn mình đã ra đi lại được nhắc lại trong hồi ức rưng rưng. Ngồi với cậu những ngày đầu năm, cậu bảo giá bây chừ mà được nghe tiếng hát bài chòi thì… sướng biết mấy.

Tết của những năm tháng cũ trong hồi ức của cậu là tiếng hô bài chòi vang lên xuyên tết. Hồi đó không cần dòm lịch, thấy người ta vác tre, bện tranh dựng chòi, treo những ngọn cờ đầy màu sắc là biết tết cận kề.

Nhà nông bận bịu quanh năm, tết đến được vài ngày thảnh thơi là rủ nhau đi xem và hát bài chòi. Những ông bà già đi xem hát bỏ trong túi áo những miếng trầu thơm nồng. Nghe tiếng trống hội, những cô những dì í ới gọi nhau, giục nhanh chân kẻo người ta hết hát.

Bài chòi tổ chức đâu chỉ ba ngày tết, có khi còn hết cả tháng Giêng. Bởi món ăn tinh thần này được trông ngóng suốt cả năm dài. Những con bài giơ lên, những tiếng hô, tiếng gõ nhịp nhàng vui tai vang lên không ngớt từ chòi này sang chòi kia.

Cái không khí rộn ràng, màu sắc sặc sỡ của những lá cờ, những câu hát vui tai ấy đã làm nên hồn cốt của cái tết quê mình. Bây giờ với cậu, những cái tết ấy xa lơ, xa lắc rồi.

Mỗi bận về quê, muốn nghe tiếng hô bài chòi cậu phải xuống tận Hội An. Ngồi nghe hát, xung quanh khách Tây nhiều hơn khách ta.

Cậu bảo người ta tổ chức bài bản, người hát hay lắm chứ không giống như những ông những bà mình tết đến tranh thủ những ngày “lên bờ” rủ nhau đi hát cho vui. Cũng là hát bài chòi nhưng ở một tâm thế khác hẳn lễ hội xuân như những ngày tháng cũ.

Ở giữa quê nhà mà cũng nhớ vô cùng tiếng hô bài chòi. Đó là mỗi lần về quê ăn tết, má bảo chừ mà có ai tổ chức bài chòi đi nghe cho vui.

Hồi còn trẻ, má cũng biết bao nhiêu lần hăng hái hát bài chòi. Bây giờ tết nào cũng mai, cũng mứt, cũng cờ hoa rực rỡ nhưng hình như chẳng còn mấy ai nhớ đến tiếng hô hát bài chòi đã từng vang lên rộn rã một thời…

“Ham mê cái thú bài chòi/ Bỏ con hắn khóc cho lòi rún ra/Bài chòi cứ đánh mà chơi/ Dẫu mà để ruộng có tôi trông chừng…”.

Có lần ngồi gói bánh, tôi nghe má hát. Bài chòi má thuộc “một bụng” nhưng tết đến cứ trông chừng mà quê mình không tổ chức để hát. Giật mình nhìn lại, hình như câu hát bài chòi bây giờ chỉ còn trong ký ức của những người già.

Ngay nơi chốn ngày xưa thường dựng chòi hô hát nay mọc lên những bàn bầu cua tôm cá. Để rồi sau những cuộc vui cạn xợt người ta lại thường chê rằng tết buồn, tết nhạt.

Mà khách quan nhìn lại, tết đến hình như ít có lễ hội để người trẻ tham gia. Một lễ hội mà ở đó người ta thấy được cái hồn cốt của quê hương xứ sở, để đi xa lại khắc khoải nhớ về chứ không phải cuộc vui được trình diễn.

Người ta nói ký ức là nơi lưu giữ hồn quê. Nhưng rồi đến những ký ức cũng mất đi thì thế hệ trẻ như mình biết tìm hồn cốt quê nhà ở đâu?

NHƯ HIỀN