Giêng hai vào hội
(VHQN) - Mùa xuân là mùa của các lễ hội tín ngưỡng dân gian truyền thống. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Tết Nguyên đán được gọi là Tết Cả, sau Tết Cả - theo quan niệm cũ “Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè...”.
Tết là “thời điểm mạnh của sinh hoạt cộng đồng” (GS.Đinh Gia Khánh). Khắp nơi trên đất Quảng Nam, từ làng quê đến phố thị, thời điểm cuối tháng 11, từ tiết Đông chí cho đến cuối tháng Chạp là thời điểm tu sửa phần mộ, giỗ chạp, sửa soạn ban thờ để hương khói nhớ ơn ông bà, tiên tổ, rồi đến cúng tất niên - tạ ơn trời đất, tổ tiên, tổ nghề đã “phù hộ, độ trì gia chủ một năm “ít rủi, nhiều may” làm ăn tấn tới...
Lễ lệ của cư dân Việt ở vùng đất mới
Ngày 12 tháng Chạp những người làm nghề may giỗ tổ nghề may ở các thị tứ, thị trấn vốn là nơi đô hội như Vĩnh Điện, Tam Kỳ, Hội An, Ái Nghĩa...
Tương truyền bà tổ nghề may Nguyễn Thị Sen sinh vào ngày 12 tháng Giêng và mất vào ngày 12 tháng Chạp. Giỗ tổ là dịp tưởng nhớ, tri ân người có công lưu truyền nghề may - nghề mà cho đến hôm nay nhiều thế hệ làm nghề ở Quảng Nam có tiếng thạo nghề, sản phẩm may được du khách trong nước, quốc tế ưa thích.
Lề tục (đất có lề, quê có thói), lễ tục tưởng nhớ ông bà, tiên tổ, tổ nghề hằng năm của cư dân vùng đất mới đã được kế thừa từ cha ông thuở “mang gươm đi mở cõi” ở Quảng Nam vào cuối thế kỷ 14, 15 và tiếp tục lưu truyền theo bước chân con cháu mở mang vùng Nam Bộ sau này.
Lễ hội Quảng Nam vì thế nổi bật yếu tính “nước”, là những “lễ hội nước” - với khát vọng mùa màng tươi tốt, “nhân khang vật thịnh”, “phong điều vũ thuận” (mưa thuận gió hòa), công việc nông tang, nghề rừng, nghề biển, nghề sông êm xuôi, trôi chảy mỗi một mùa xuân mới.
Sau Tết Nguyên đán, vào tháng Giêng, tháng Hai diễn ra những lễ lệ, lễ hội.
Ở Hội An có lễ giỗ tổ nghề mộc Kim Bồng (mùng 6 tháng Giêng), lễ cầu bông Trà Quế (mùng 7 tháng Giêng), lễ giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà (mùng 10 tháng Giêng)...
Ở Đại Lộc, Duy Xuyên, Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ... có lễ đảo thủy, đua ghe (khuấy động dòng nước) nhân dịp đầu năm mới.
Lễ khai sơn ở Quế Sơn (mùng 8 tháng Giêng, tại Quế Hiệp). Lễ Nguyên tiêu (16 tháng Giêng) ở các đình, miếu, hội quán...
Lễ giỗ tổ nghề rèn (12 tháng 2), giỗ tổ nghề kim hoàn (27 tháng 2), lễ giỗ tổ nghề đúc đồng Phước Kiều, Điện Bàn (12 tháng Giêng), lễ rước sắc kỳ yên ở Tiên Kỳ, Tiên Phước (mùng 10 tháng Giêng), lễ tế Thánh ở Hà Lam, Thăng Bình (tháng 2), lễ hội Ngũ xã Trà Kiệu...
Tháng Giêng, tháng Hai âm lịch là mùa lễ kỳ yên, cúng đất, cũng tá thổ (tạ ơn chủ đất cũ người Chàm/Chăm), cúng đình, miếu (lệ cúng xuân kỳ an). Năm nào có “ôn hoàng, dịch lệ” nổi lên làm nhân dân chết chóc thì có lệ cúng đất, rước, tiễn Long chu xuống sông, biển mong cầu bình an, hết dịch giã.
Sau khi thu hoạch vụ lúa đông - xuân, hạ tuần tháng 3 âm lịch khắp nơi có lệ cúng Thần Nông, lệ cúng Mục đồng cũng với khát vọng tri ân các vị thần chủ sự mùa vụ đã ban lộc lúa thóc, cây trái phong nhiêu cho muôn dân được ấm no.
Những lễ hội giao lưu, tiếp biến
Cư dân Quảng Nam khi đến vùng đất mới vừa bảo tồn, phát huy những lệ tục tốt đẹp của cha ông vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thanh Nghệ, vừa tiếp xúc, tiếp thu những giá trị văn hóa của người Chăm - cư dân bản địa và người Hoa, người Nhật... qua con đường giao lưu, buôn bán.
Với cư dân Chăm, vào thế kỷ 14, theo du ký của Ibn Batuta (đến đây trước năm 1352): “Dân chúng người Chăm là những người sùng bái linh vật”.
Nhà nghiên cứu Li Tana trong sách “Xứ Đàng Trong” (Nxb Trẻ, 1999) cũng viết: “Người Việt đã bị chi phối rất nhiều bởi phong tục của người Chăm. Sống trong vòng ảnh hưởng của bùa, phép, thư, ếm rất linh ứng, người Việt bị bắt buộc phải theo các tục lệ hoặc phương thức thờ cúng của người Chiêm Thành”.
Có nhiều lễ hội quanh vùng sông Thu Bồn - Trường Giang như lễ hội Bà Chợ Được (Thăng Bình), Bà Thu Bồn, Bà Bô Bô, Bà Phường Chào (Hội An, Duy Xuyên, Đại Lộc...), lễ cúng đất, cúng kỳ yên, lễ cầu ngư - bả trạo...
Lễ hội ở Quảng Nam có sự dung hợp tín ngưỡng hết sức thoáng mở đối với văn hóa Chăm. Vị thần quan trọng nhất của tín ngưỡng Chăm - Po Inư Nagar - Nữ thần Xứ sở vĩ đại đã được đồng nhất với đạo Mẫu truyền thống của người Việt, đã Việt hóa thành Bà Thiên Y Ana, Bà Chúa Ngọc, Bà Bô Bô - thần Nước được xem như Mẫu Thủy, Bà Thu Bồn là Bà Thần sông của người Quảng.
Thần tích các vị Thần nữ như Bà Chợ Được, Bà Phiếm Ái đều là những vị thần có hành trạng phi thường trong việc cứu hộ độ sinh, giúp an dân, an xứ.
Tục thờ cá Ông/Voi cũng theo truyền thuyết Chăm - Việt về vị Thần Cha Aih Va/sau hóa thân thành Po Ri Ak (thần sóng biển) và truyền thuyết về Phật Bà Quan Âm đã xé áo cà sa ném xuống biển hóa thành “cá Ông” cứu vớt người đi buôn, người làm nghề cá khi lâm nạn. Trong các lễ hội vía Bà lúc nào cũng có đám rước Nước, đua ghe, các lễ phẩm dành riêng cho các nữ thần.
Người Hoa, người Minh Hương, người Việt có lễ vía Lục Tánh vương gia (26 tháng 2 âm lịch) để tưởng nhớ các vị tiền nhân có công “dựng làng lập phố” ở Hội An, lễ vía sanh Thai Tiên Nương (mùng Một tháng 2 âm lịch), lễ vía Quan Thánh (tháng 6 âm lịch), lễ cúng cô hồn... Đó là những lễ lệ phổ biến của người Hoa.
*
* *
Ông bà xưa từng dạy “linh tại ngã bất linh tại ngã” (linh thiêng hay không cốt tự lòng ta), mỗi người đều có một “đối tượng” văn hóa tâm linh tự trong lòng mình để nhớ, để “ghi tâm khắc cốt” và tự “thực hành văn hóa” bất cứ nơi nào, lúc nào ta có nhu cầu...