Bí ẩn hai hiện vật mới phát hiện tại Khương Mỹ

NGUYỄN THƯỢNG HỶ 10/02/2022 07:51

Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị tháp bắc và tháp giữa nhóm tháp Chăm Khương Mỹ đã được khởi công từ năm 2020, đến nay phần tu bổ trên thân tháp đã gần đi đến giai đoạn kết thúc.

Mảnh tượng vừa phát hiện ở tháp Khương Mỹ. Ảnh: THƯỢNG HỶ
Mảnh tượng vừa phát hiện ở tháp Khương Mỹ. Ảnh: THƯỢNG HỶ

Trong quá trình chuẩn bị mặt bằng cho việc thi công, các công nhân dự án đã phát hiện ra một số hiện vật khảo cổ học tương đối có giá trị. Bỏ qua việc thực hiện các quy trình về khảo cổ học và chuẩn bị mặt bằng, vật liệu, phương án can thiệp vào phần móng và thân tháp như trong hồ sơ dự án đã được phê duyệt, bài viết này chỉ chú trọng vào hai hiện vật đặc sắc mới được phát hiện trong đợt thi công này: đó là hai mảnh vỡ của phần trên một pho tượng Chăm làm bằng sa thạch ở tư thế đứng với phần cánh tay, bàn tay và các ngón tay được chạm khắc rất sống động và còn khá nguyên vẹn, thể hiện một trình độ điêu khắc rất điêu luyện của người thợ Chăm xưa.

Thử suy đoán và tìm kiếm trong các nguồn tư liệu có sẵn về các pho tượng sa thạch của nghệ thuật Chăm tại Khương Mỹ và tại các bảo tàng Chăm khác trên địa bàn cả nước, tôi mạo muội suy đoán đây là mảnh vỡ phần cánh tay và ngực của một pho tượng sư tử có cùng niên đại với nhóm tháp Khương Mỹ (thế kỷ IX - X), với chiều cao toàn bộ tượng được phỏng đoán 0,8 - 1,2m.

Thông thường, tượng sư tử đá trong nghệ thuật Chăm được chạm khắc ở tư thế đứng, với phần hai cánh tay cong lên ngang vai trong tư thế nâng tạ, lòng hai bàn tay xoay ra phía trước kiểu sư tử vồ mồi.

Tuy nhiên phần bàn tay và các ngón tay trên các mảnh vỡ mới phát hiện tại Khương Mỹ đã được nhân cách hóa rất sinh động, các ngón tay ngắn, hình búp măng, cong đều đặn và múp míp như bàn tay của các em bé sơ sinh. Phần ngực nhọn về phía trước kiểu ngực thú, trên cổ có đính dải hoa văn xoắn xít giống như đồ trang sức.

Các linh thú như sư tử, chim thần Garuda, rắn thần Naga, bò thần Nandin... là các con vật thiêng trong văn đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Chăm xưa, chúng được xem là vật cưỡi linh thiêng của các vị thần Chăm và cũng có thể là các con vật bảo vệ phía trước các ngôi đền tháp của các vị thần.

Tượng thú đôi khi được đặt trước chân tháp dọc theo các lối đi, đính bên trong các tường tháp và trên các góc các tầng tháp, thông thường chúng được tạc đăng đối theo cặp tại các di tích Chăm.

Đến thời điểm hiện tại, hình ảnh nguyên vẹn của cả hai pho tượng sa thạch có hình sư tử tại Khương Mỹ thuộc dạng này hầu như vẫn còn là một ẩn số với tất cả các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm đã từng đến tìm hiểu về Khương Mỹ. Vì vậy, hai mảnh vỡ nói trên có thể được xem như là manh mối duy nhất còn lại về hai pho tượng này.

Thiết nghĩ, các học giả, các người bạn đồng nghiệp và các thế hệ tiếp theo có niềm yêu thích đối với những vốn quý về nghệ thuật và văn hóa của người Chăm xưa sẽ tiếp tục quan tâm, tìm kiếm và tìm ra manh mối cũng như phục hồi những pho tượng quý giá này để giới thiệu cho công chúng trong nước và du khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc của người Chăm.

NGUYỄN THƯỢNG HỶ