Khát vọng phát triển hài hòa tiếp nối

PHÙNG TẤN ĐÔNG 04/02/2022 06:29

(Xuân Nhâm Dần) - Trong “Dự án tổng thể đầu tư bảo tồn và khai thác di tích khu phố cổ Hội An” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1997 cũng như trong quá trình bảo tồn di sản, nhân dân, ngành văn hóa đã tuân thủ định hướng bảo tồn địa bàn tự nhiên - sinh thái, lịch sử - nhân văn của Hội An trong cảnh quan lịch sử đô thị cổ.

Dù chịu nhiều tác động của dòng chảy thời gian và sự phát triển, Hội An cơ bản vẫn giữ được không gian lịch sử của đô thị di sản.
Dù chịu nhiều tác động của dòng chảy thời gian và sự phát triển, Hội An cơ bản vẫn giữ được không gian lịch sử của đô thị di sản.

Giữ "cảnh quan lịch sử" 

“Cảnh quan lịch sử” là khái niệm gắn với các đô thị di sản như Hội An, luôn bảo tồn nhiều yếu tố lịch sử gần với nguyên trạng của di sản, tức cảnh quan kiến trúc ban đầu của các di tích văn hóa - lịch sử.

Hội An chứa đựng trong lòng đô thị di sản hàng nghìn di tích kiến trúc đơn lẻ với nhiều loại hình di tích khác nhau. Như vậy, có hàng nghìn cảnh quan kiến trúc khác nhau trong cảnh quan chung làm nên bức tranh tổng thể về cảnh quan lịch sử của di sản đô thị - một cảng thị thời trung đại tiêu biểu của khu vực Đông Nam Á, châu Á.

Trong nhiều năm qua, về tổng thể, khu vực phố cổ cơ bản vẫn giữ được không gian lịch sử của đô thị di sản với diện mạo kiến trúc đặc trưng. Công tác trùng tu không làm biến đổi diện mạo kiến trúc cổ, nhất là cảnh quan di sản gắn với kiến trúc trong bối cảnh “đô thị hóa” đang diễn ra mạnh mẽ bên ngoài và chủ trương để người dân sinh sống phát triển kinh tế trong lòng di sản.

Quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích khu phố cổ do UBND TP.Hội An ban hành năm 2006 được KTS. Hoàng Đạo Kính nhìn nhận là “không chủ trương biến khu phố cổ thành bảo tàng, văn bản này đã tính tới và mở đường cho sự song tồn hai nhân tố cơ bản: di sản kiến trúc và nhu cầu tiếp tục sống của dân cư, tiếp tục phát triển của đô thị.

Nó khả thi bởi sự chấp nhận phần “mềm” và phần “cứng” trong bảo tồn. Chính tính khả thi quyết định năng lực và hiệu quả quản lý”. Khu vực dành cho “phát triển”, chuyển tiếp từ khu vực “bảo tồn nghiêm ngặt” chính là “vùng đệm” giữa khu phố cổ và khu vực bên ngoài.

 

Dưới góc độ phát triển, khu vực vùng đệm của khu phố cổ là khu vực IIA và IIB đã được chỉ rõ trong “Kế hoạch quản lý di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” của UBND tỉnh.

Kế hoạch này cũng đề xuất “mở rộng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của Hội An ra các vùng phụ cận, bao gồm cả Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, khu ven biển, ven sông; các làng nghề truyền thống.

Khu vực này không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể. Việc bảo tồn khu vực này không chỉ góp phần tôn lên vẻ đẹp chung cho khu di sản mà còn mở ra nhiều hình thức du lịch, kinh doanh mới, đặc biệt là du lịch sinh thái, góp phần quảng bá hình ảnh Hội An và đem lại nguồn lợi cho địa phương.

Kiến trúc phố mới và không gian đô thị đẹp

Hơn mười năm qua (2010 - 2021), cũng như bao đô thị khác trên cả nước, Hội An đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của diễn trình đô thị hóa, nhất là các khu vực ngoài khu phố cổ.

Nếu lấy khu vực I - khu phố cổ làm trung tâm thì phía đối diện bên bờ nam sông Hoài - khu An Hội - đã xuất hiện khu “phố mới” tập hợp các kiểu thức kiến trúc, “tiếp biến”, “phiên bản” kiểu thức nhà phố cổ với nhiều “biến tấu” mặt tiền, tầng gác theo hướng đương đại cho phù hợp với công năng dịch vụ du lịch (quán bar, nhà hàng, homestay, khách sạn mini…).

Từ khu An Hội tiến lên phía tây khi sông An Hội đã được mở cửa thoát nước hợp với sông Thu Bồn khiến cho đô thị cổ phục hiện cảnh “trên bến dưới thuyền” hàng trăm năm trước, khi mà bãi An Hội chưa bồi và vạn ghe bầu phía Kim Bồng - Thanh Hà còn một “rừng cột buồm xúm xít” như nhà văn Nguyễn Tuân viết trong tùy bút Cửa Đại.

Khu phía tây phố cổ, bên trên cầu Quảng trường - đường Cao Hồng Lãnh đã mọc lên nhiều khách sạn dọc sông đào khiến cảnh quan sông nước thêm hữu tình, tương thích với cảm quan về sự hòa hợp với tự nhiên trong các kiến trúc cổ của người xưa.

Việc hình thành các khu dân cư mới ở Cẩm Phô, Tân An, Sơn Phong, Cẩm Châu, Thanh Hà, Cẩm Hà… vây quanh phố cổ và xa hơn phía đông, đông bắc, đông nam (Cẩm An, Cửa Đại, Cẩm Thanh, Cẩm Nam) là tương đối phù hợp với quy hoạch cơ bản không gian đô thị phát triển về hướng bắc, đông bắc. Nhiều khu phố mới có công năng “kép” vừa là nhà ở vừa buôn bán, làm dịch vụ (nhà hàng, khách sạn nhỏ, homestay…) hình thành.

Các công trình mới nhìn chung đẹp trong sự đa dạng bởi sự song hành giữa bảo tồn truyền thống và tiếp thu cái mới trong bối cảnh đô thị hóa, toàn cầu hóa. Các công trình khách sạn, nhà hàng, nhà ở mới rất ít ảnh hưởng phong cách kiến trúc - thẩm mỹ khác lạ, ngoại nhập thể hiện ở bề mặt kiến trúc như có sự rườm rà, “hoa lá”, biểu trưng, gờ phào, chi tiết lộn xộn, mất cân đối về tỷ lệ, mô phỏng kiểu thức lệch chuẩn, hình khối ngô nghê, lạm dụng chi tiết…

Những vùng quy hoạch xanh như Trà Quế (Cẩm Hà), An Mỹ, Thanh Nam… (Cẩm Châu), Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Cẩm Nam… đa số kiến trúc dân dụng giữ được hài hòa với cảnh quan nông thôn bởi độ cao, ở quy mô kiến trúc, ở kiểu thức kiến trúc mặt tiền hợp lý.

Nhiều kiến trúc nhà vườn, homestay, biệt thự du lịch dọc đường Phan Bội Châu - Thuận Tình - cầu Cửa Đại hài hòa với không gian, với môi trường sinh thái mà thành phố đang hướng đến: môi trường xanh - sạch - đẹp.

Những quan ngại về cảnh quan

Trong thập niên vừa qua cũng đã có gần trăm công trình phục vụ du lịch (lưu trú, nghỉ dưỡng…) với quy mô kiến trúc lớn, hình thái kiến trúc hiện đại có nguy cơ làm biến đổi cảnh quan lịch sử di sản đô thị.

Một thực tế hiển nhiên là sự phát triển khu phố mới An Hội, các công trình khách sạn phía tây - khu Ngọc Thành với nhà cao tầng, khu cồn nổi Cẩm Nam “ấn tượng Hội An”… đang khiến không gian khu phố cổ ngày càng thu hẹp, bức bối...

Nguy cơ Hội An dần đánh mất sự cân bằng đô thị trong phát triển, sự xuất hiện dấu hiệu mất cân đối giữa tài nguyên di sản và sự phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ là cảnh báo trước tiên mà KTS. Hoàng Đạo Kính đưa ra trong Hội nghị “Di sản văn hóa Hội An - 20 năm bảo tồn và định hướng phát triển bền vững” ngày 3.12.2019 - bởi lượng khách ngày càng ồ ạt.

Hệ thống công trình du lịch - dịch vụ càng nhiều và càng lớn thì càng lấn át hạt nhân di sản làm cho “di sản càng trở nên nhỏ bé và càng không tương xứng. Tài nguyên di sản có nguy cơ bị vắt kiệt, y hệt quả chanh”.

Cho đến những năm gần đây Hội An vẫn là một đô thị hài hòa, cân bằng về không gian, do đặc thù lịch sử, quần thể kiến trúc di tích với quy mô vừa phải, dàn trải theo chiều ngang với độ cao hài hòa theo hình đồ kiến trúc là biểu hiện cân đối, mềm mại ở sự chuyển hóa những thành phần đô thị, hình thành và phát triển ở nhiều giai đoạn khác nhau (từ khu phố cổ thời Nguyễn đến thời kỳ thực dân, thời kỳ trước năm 1975, thời kỳ đổi mới 1986 - 2000). Chính sự cân đối, hài hòa trong hình thái kiến trúc là giá trị to lớn của Hội An mà các đô thị ở nước ta khó bảo tồn trong phát triển.

Nhìn rộng ra, còn nhiều việc phải làm để bảo tồn cảnh quan thiên nhiên - nhân văn ở các làng nghề truyền thống như làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng quê sinh thái cửa sông - ven biển Cẩm Thanh, làng chài An Bàng, làng Gành Cửa Đại…

Nhưng trong bối cảnh chưa có cơ chế đặc thù cho bảo tồn di sản Hội An ở khu vực ngoài phố cổ là vấn đề đáng báo động về cảnh quan lịch sử - nhân văn của một đô thị di sản trên đường phát triển bền vững.

PHÙNG TẤN ĐÔNG