Xác lập vị thế của văn hóa

SONG ANH 02/02/2022 06:09

(Xuân Nhâm Dần) - Xác lập vị thế của văn hóa để có đường hướng trong mọi chiến lược phát triển ngay khi tái lập tỉnh, là nhìn nhận của những người gắn với đất Quảng từ những buổi đầu “ra riêng”...

Mỹ Sơn và Hội An được nâng tầm giá trị trong hành trình từ khi tái lập tỉnh đến nay.Ảnh: LÊ VẤN
Mỹ Sơn và Hội An được nâng tầm giá trị trong hành trình từ khi tái lập tỉnh đến nay. Ảnh: LÊ VẤN

Ông Nguyễn Đức Tuấn - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa thông tin (nay là Sở VH-TT&DL), hình như vẫn vẹn nguyên cảm xúc của những ngày đầu cách đây 25 năm. Giai đoạn 1997 - 1999 là những năm lưu dấu sâu đậm với cuộc đời của người chọn văn hóa làm sự nghiệp như ông Tuấn.

Ông cho rằng dù là tỉnh nghèo nhưng Quảng Nam là vùng đất giàu có về tài nguyên văn hóa, trong đó bao gồm cả những giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên lẫn sự đa tầng của các sắc thái văn hóa bản địa.

Quảng Nam là nơi cư trú của các chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh, là nơi người Chăm cổ xây nên nền văn minh Chămpa rực rỡ với những dấu ấn của vương quốc còn hiện hữu. Cạnh đó, Quảng Nam với lịch sử của vùng phên giậu nhà Lê, vùng giáp ranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành, vùng giao thoa văn hóa Việt - Chăm, vùng trọng yếu thời chúa Nguyễn - vùng bàn đạp để thực hiện công cuộc mở mang bờ cõi về phương Nam...

Theo ông Tuấn, chính những giá trị lịch sử này tạo thành những giá trị văn hóa - bản sắc của đất Quảng. Ngay từ khi tái lập, lãnh đạo tỉnh xác định phải có chiến lược để văn hóa vùng đất gầy dựng vị thế và xác lập vị trí của mình.

Đây cũng là ý hướng để cuộc hành trình ngoạn mục của bộ hồ sơ Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn - Hội An khởi đầu và nhận những quả ngọt sau này. Mỹ Sơn - Hội An được công nhận Di sản văn hóa nhân loại là thành tựu của Quảng Nam trong hành trình buổi đầu tái lập tỉnh cho đến nay.

 

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nhận định, lợi thế so sánh vượt trội so với các vùng miền lân cận về tài nguyên di sản văn hóa, song song những hoạt động để thúc đẩy kinh tế, xã hội, các cấp chính quyền của Quảng Nam đã nhận thức rất sâu sắc về vai trò của di sản, về công tác bảo tồn di sản.

Việc khai thác và phát huy giá trị di sản theo hướng du lịch di sản như thời gian qua cho thấy đây là giải pháp tốt nhất để bảo tồn di sản, tạo nguồn lợi để bảo tồn di sản. Điều quan trọng, sự phát triển của hai di sản này đã kéo theo sự thay đổi đáng khích lệ của các huyện vùng ven, tạo động lực vực dậy các làng nghề, giữ gìn giá trị văn hóa, thiên nhiên.

“Sau ngày tái lập tỉnh, ngành văn hóa Quảng Nam ngoài câu chuyện phải định danh cho được 2 di sản Hội An và Mỹ Sơn thì đặt quyết tâm vượt qua khó khăn, phát huy các giá trị gắn kết cộng đồng, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết, góp phần hình thành nên những làng xã, thôn bản giữ gìn được các giá trị truyền thống của cha ông, tộc họ văn hóa...” - ông Tuấn chia sẻ. 

Khi được hỏi với vai trò người từng gánh trọng trách phục hưng văn hóa bản địa của xứ Quảng, sau quãng đường dài của vùng đất này, liệu thời gian tới, Quảng Nam cần làm gì để văn hóa ở vị thế xứng đáng?, ông Nguyễn Đức Tuấn nói: “Điều cần làm với Quảng Nam lúc này là đẩy mạnh quảng bá di tích, thực hiện tốt công tác quy hoạch, trùng tu tôn tạo và đào tạo nguồn nhân lực cho văn hóa. Nguồn nhân lực là điều quan trọng nhất. Không chỉ là người tài năng mà cần người có tâm huyết, sáng tạo, tận tụy với văn hóa”.

SONG ANH