Cố hương

NGUYỄN TẤN ÁI 01/02/2022 08:41

(Xuân Nhâm Dần) - Có lẽ trong tâm thức Việt, hai chữ cố hương trở nên thân thiết hơn bao giờ hết mỗi khi tết đến xuân về.

Quê nhà một góc nhớ mênh mông. Ảnh: L.T.K
Quê nhà một góc nhớ mênh mông. Ảnh: L.T.K

Ngày xuân, không chỉ là người ly hương mới ôm tấc lòng hoài cố quận, người ở ngay trên quê xứ cũng nghiêm trang lễ lạt đến thăm ông bà chú bác. Tôi nhớ ngày thơ cứ chờ mỗi sáng mùng một Tết, được mặc bộ quần áo mới tinh, đi đôi dép nhựa mới tinh lon ton theo chân cha về mừng tuổi ông bà nội.

Bữa ăn đầu năm bao giờ cũng ở nhà ông bà, cha luôn giữ nền nếp đó, cái thèm bánh tét bánh tổ dồn lại những ngày cận tết được dịp thỏa thuê, chao ôi là hạnh phúc.

Cứ tiếp nhận tấc lòng nguồn cội như lẽ hiển nhiên, rồi một ngày, cũng tâm thức ly quê, tôi bần thần tự hỏi: Tại sao cái lòng hoài cố xứ với ngày tết lại nên da diết thế? Có lẽ hành trình hình thành dải đất Việt mang hình chữ S này là hành trình nghìn năm, nghìn năm mở nước cũng là nghìn năm ly quê.

Nỗi niềm ly quê khi gồng gánh cháu con tìm đất mới đã quặn lòng cha ông. Đất trời xứ lạ bàng bạc mây trắng cỏ lau, nỗi cô đơn chồng chất khiến những gần gũi sẻ chia của giọt máu đào ngày nào trở nên thấm thía. Và trong những thư nhàn ngày tết, nỗi thấm thía ấy hóa thành tâm tư, tâm thức cội nguồn như lẽ đương nhiên.

Lại nữa, tâm thức người Việt mãi cho đến tận cuối thế kỷ 20, dầu đã bao lần vặn mình, vẫn nguyên màu tâm thức nông nghiệp. Đám ruộng, bờ mương, cây đa đầu đình luôn là biểu tượng của niềm thương nỗi nhớ.

Nếu tâm thức công nghiệp là tâm thức thích nghi với hoàn cảnh mới, điều tiết con người hướng đến làm chủ hoàn cảnh thì tâm thức nông nghiệp lại như một tiếng nói thầm dẫn dụ con người về lại chốn xưa. Phải vậy chăng mà hai tiếng cố hương luôn thầm thĩ chuyện trò dù con người ở bất cứ nơi đâu và đặc biệt da diết khi gặp bất trắc xứ người.

Thi ca Việt, chốn trú ngụ của tâm thức Việt, từ xa xưa đến giờ có lẽ nỗi niềm cố hương là một trong những nỗi da diết nhất. Nhà thơ Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) đời nhà Trần, ngay khi áo mũ xênh xang làm quan chánh sứ sang Trung Quốc vẫn không khuây nỗi quê nhà: “Lão tang diệp lạc tàm phương tận/ Tảo đạo hoa hương giải chính phì/ Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo/ Giang nam tuy lạc bất như quy” (Dâu già lá rụng tằm vừa chín/ Lúa sớm bông thơm cua béo ghê/ Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt/ Dầu vui đất khách chẳng bằng về) - Quy Hứng, Hoàng Việt thi tuyển dịch.

Nguyễn Trãi (1380 - 1442) những tháng ngày lưu lạc tìm đường đến với đội quân Lam Sơn cũng đã quay quắt nỗi quê nhà trong tiết thanh minh: “Thiên lý phần doanh vi bái tảo/ Thập niên thân cựu tẫn tiêu ma” (Mả mồ nghìn dặm khôn thăm viếng/ Thân cựu mười năm thảy rụng rơi) - Thanh minh, nhóm Đào Duy Anh dịch.

Nguyễn Du (1765 - 1820) cũng trong mười năm thân thế như cỏ bồng cánh bèo đã có lời thống thiết: “Cố hương đệ muội âm hao tuyệt/ Bất kiến bình an nhất chỉ thư” (Quê cũ đàn em tin tức vắng/ Bình an không một bức gia thư) - Sơn cư mạn hứng, Đông Xuyên dịch.

Và, có lẽ nỗi niềm cố quận được khái quát ấn tượng nhất, mãnh liệt nhất mà cũng lẫm liệt nhất trong bài “Nhớ Bắc” của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (1914 - 1977): “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Tứ thơ khái quát hành trình dựng nước và giữ nước cũng là hành trình thương nhớ cội nguồn và trong khái quát ấy, quê hương đã hòa làm một cùng đất nước, nỗi nhớ càng thêm thăm thẳm.

Nỗi quê nhà thường trực trong tấm lòng những người con xa xứ, thành đạo lý cội nguồn, thành ứng xử đời sống của tâm hồn Việt. Câu chuyện ngày tết và hành trình trở về đâu chỉ là hiện tượng ngơi nghỉ sau một năm trời lao nhọc, mà cao cả hơn, thiêng liêng hơn, là bài học phải thường xuyên nhắc nhở để lời giáo huấn khắc sâu vào tâm thức cháu con: Hành trình đời người là hành trình ra đi, mà cũng là hành trình tìm về. Và, trong tâm hồn mỗi người, dù ngàn dặm quê xa, thì quê hương luôn là chốn bảo bọc chở che, là thề nguyền khống chỉ, như thi sĩ Bùi Giáng đã thực hư phát bút: “Hỏi rằng: người ở quê đâu/ Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà!” (Chào nguyên xuân - Bùi Giáng).

NGUYỄN TẤN ÁI